Khiemnguyen

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Quyền lực mềm - Quyền lực của những giá trị văn hoá

(NGUYỄN BÙI KHIÊM) Quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo những gì mình muốn. Quyèn lực cứng là quyền lực được thực hiện chủ yếu bằng cách đe dọa (như sa thải, kỷ luật…) và mua chuộc (như tăng lương, thăng cấp), còn quyền lực mềm thì đạt được những gì mình muốn bằng cách thông qua khả năng tạo ra ảnh hưởng với người khác bằng cách tác động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác, và qua đó khiến người khác mong muốn chính điều mà mình mong muốn. Quyền lực mềm được thực hiện thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục. Đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó. Người ta cho rằng Lão Tử đã đưa ra khái niệm quyền lực mềm vào thế kỷ 7 trước Công nguyên, tuy nhiên sự phát triển của hình thức quyền lực này trong thời kỳ hiện nay lại bắt đầu từ cuối thế kỷ 20. Khái niệm quyền lực mềm được bàn thảo và ứng dụng rộng rãi trên thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua kể từ khi được công bố lần đầu tiên năm 1990. Nó đã làm thay đổi cách tiếp cận quan hệ quốc tế hiện đại và đưa tên tuổi GS Joseph Nye, cha đẻ của khái niệm, vào lịch sử. Joseph Nye nguyên là Hiệu trưởng Trường Hành chính John F. Kennedy (thuộc Đại học Havard). Ông đã nhận bằng cử nhân ở Đại học Princeton, sau khi tốt nghiệp làm việc ở Đại học Oxford, và nhận bằng Tiến sĩ về khoa học chính trị ở Havard. Ông từng là trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chủ tịch Uỷ ban tình báo quốc gia.Năm 2004, ông xuất bản cuốn sách: "Quyền lực mềm: Các phương tiện để thành công trong nền chính trị thế giới" (Soft Power: The Means to Success in World Politics), Tìm hiểu xung đột quốc tế (Understanding International Conflict), Trò chơi quyền lực: Tiểu thuyết Washington (The Power Game: A Washington Novel).Theo ông, quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo những gì mình muốn. Trong khái niệm hành vi, quyền lực mềm đơn giản là quyền lực thu hút. Nhận thấy tầm quan trọng của nó, nhiều quốc gia cũng đã và đang ráo riết xây dựng và tăng cường “quyền lực mềm” cho mình. Ở châu Á, ngoài Nhật Bản, người ta đang chú ý đến Trung Quốc và một số nước khác. Trung Quốc đang xúc tiến  kế hoạch xây dựng các “Viện Khổng Tử” nằm tại các nước để dạy tiếng Hoa và truyền bá văn hóa Trung Quốc, tương tự các Hội đồng ngôn ngữ - văn hóa mà Anh và các nước phương Tây khác đã làm. Đại hội thể thao Olympics Bắc Kinh, Á vận hội Quảng Châu vừa qua rõ ràng là một cơ hội vàng để Trung Quốc tăng cường “quyền lực mềm” của mình. Singapore nhỏ bé cũng đã rất thành công với thương hiệu “thành phố tốt nhất trên thế giới để sống và làm việc”. Có thể chưa từng đặt chân tới Hàn Quốc, nhưng người Việt Nam hầu như ai cũng biết đến vùng đất này, những địa danh, những món ăn truyền thống, những sản phẩm nổi tiếng. Làn sóng phim Hàn Quốc đã tạo sự lan toả ảnh hưởng văn hoá của đất nước này tới nhiều quốc gia châu Á. Đó chính là “quyền lực mềm” của xứ Cao Ly.   Đầu năm 2010, GS Joseph Nye là học giả đầu tiên xông đất Việt Nam, ông đã có buổi tọa đàm với quan chức, các học giả, doanh nhân, với chủ đề: “Quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế hiện đại”. Ông khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng “quyền lực mềm” cho riêng mình. Việt Nam có nhiều thứ để thu hút, lôi kéo các quốc gia khác: Sự nổi danh từ cuộc đấu tranh giành độc lập, rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống được thế giới công nhận, sự chuyển đổi thành công trở thành một nền kinh tế bùng nổ... Những điều này đã giúp gia tăng “quyền lực mềm” của Việt Nam.    Vấn đề là chúng ta cần biết cách xây dựng hình ảnh, câu chuyện của mình, tạo nên những ảnh hưởng để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, để các nước trong khu vực và trên thế giới biết đến và tin tưởng. Việt Nam nên chọn đầu tư vào các dự án tốt cho tương lai, đồng thời tạo ra danh tiếng. Ví dụ, Việt Nam cần kiên quyết nói không với các dự án “bẩn”. Cho phép các dự án hủy hoại môi trường, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như danh tiếng của mình. Việt Nam cũng đã tận dụng tốt internet cho phát triển kinh tế, nhưng cần nhanh chóng định dạng mình không phải thuộc số đông mà phải là quốc gia dẫn đầu. Trong nhóm G77 của các nước đang phát triển, nếu Việt Nam đóng vai trò quan trọng, chúng ta sẽ tự bảo vệ lợi ích của mình và đóng góp cho cộng đồng thế giới. Người Việt có câu “nói phải củ cải cũng nghe”, song cũng có câu khác “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Thực tế, trong quan hệ quốc tế, ở thời điểm then chốt cần xử lý, thì vẫn phải cần có sức mạnh để sử dụng. Chia sẻ quan điểm này, GS Joseph Nye cho rằng, “quyền lực cứng” vẫn quan trọng. Tiếng Anh cũng có câu “chân lý thuộc về kẻ mạnh” và có người nói “Chúa đứng về kẻ mạnh”. Tuy nhiên, điều này cũng không phải lúc nào cũng đúng. Tính chính đáng mới là rất quan trọng. “Nếu sử dụng sức mạnh không chính đáng, thì khó đạt được mục tiêu”, GS Joseph Nye nói. “Việt Nam phải có năng lực tự bảo vệ mình, nghĩa là phải trang bị sức mạnh quân sự đủ để đáp trả âm mưu “nuốt chửng” của nước khác”. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng sức mạnh quân sự, Việt Nam cũng phải hấp dẫn nhiều nước khác, để nếu bị tấn công, thế giới sẽ lên tiếng rằng đó là việc không thể chấp nhận được. Và đương nhiên nước tấn công Việt Nam sẽ phải chịu rủi ro lớn. “Việt Nam cần giữ lẽ phải để thuyết phục cộng đồng quốc tế. Khi đó, nước khác buộc phải nhìn nhận việc tấn công Việt Nam là không chính đáng”, GS Joseph Nye lưu ý. Gần đây, Việt Nam cũng đã có cố gắng bước đầu quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới bằng những thương hiệu sản phẩm, sự kiện văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhưng rõ ràng “quyền lực mềm” của chúng ta còn rất yếu kém. Trong khi đó chúng ta lại chịu ảnh hưởng “quyền lực mềm” của bên ngoài rất nặng nề, đến mức bị đánh giá là “sính ngoại nhất châu Á” (kết quả nghiên cứu của Grey Group, một tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới). Tại sao dân ta có truyền thống không chịu khuất phục trước “quyền lực cứng” của ngoại bang, nhưng lại dễ dàng chịu thu phục trước “quyền lực mềm” của bên ngoài? Phải chăng “thói sính ngoại” phản ánh một nhược điểm truyền thống trong tính cách của người Việt? Xét cho cùng “quyền lực cứng và mềm” ở trong nước mới là cái gốc, là “nội lực” quan trọng nhất để tạo ra “quyền lực cứng và mềm” với các nước khác. Nếu kết hợp khéo, chúng mới tạo ra các nguồn lực, giá trị, cơ sở cho “quyền lực cứng và mềm” trong quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, “quyền lực mềm” đó sẽ được đẩy lên mạnh mẽ nếu Việt Nam phát triển một không gian tự do hơn nữa cho các thảo luận sáng tạo. Bản chất của “quyền lực mềm” là tầm nhìn chiến lược dựa trên nền tảng trí thức, hoạt động truyền thông tốt và kết quả cuối cùng là tạo dựng lòng tin. Khi chưa có “quyền lực mềm”, chưa có sự tin tưởng, thì ngay chính chuyện làm ăn của các doanh nghiệp của Việt Nam cũng chưa có được sự trung thành của người tiêu dùng nội địa và chưa đóng góp đầy đủ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nói gì đến những chuyện quốc gia đại sự khác. Với Việt Nam, hơn lúc nào hết, nhận diện cho rõ ràng và thấu đáo cục diện thế giới hiện tại trở thành một vấn đề mang tính chiến lược. Trong thập kỷ tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nhất thiết đòi hỏi phải có tầm nhìn thấu đáo cục diện thế giới với lý tưởng lợi ích dân tộc và lợi ích quốc gia là duy nhất và trên hết, để có đủ trí tuệ và bản lĩnh tạo ra cho đất nước bên trong là sự đồng thuận không gì phá vỡ được, bên ngoài là một bối cảnh hòa bình tối ưu cho phép./. Contact: nguyenbuikhiem@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét