Khiemnguyen

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Ứng xử thế nào với ngôn ngữ giới trẻ

Một hiện tượng tự nhiên

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, bằng cách mở đầu rất thú vị (ông đọc nguyên một đoạn đồng dao ngộ nghĩnh chứa các điệp vần liên tiếp: “Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú là chú bồ các…”), giải thích rằng đặc điểm cố hữu của tiếng Việt là khả năng hiệp vần. Từ những ngày xa xưa, dân gian đã sử dụng ngôn ngữ có tính vần vè hoặc thậm chí không có ý nghĩa rõ ràng nhưng hiệp vần ngộ nghĩnh và mang tính chất tượng trưng. Theo lẽ đó, những câu mà các bạn trẻ hay dùng trong đời sống hàng ngày như Chảnh như con cá cảnh, Đau khổ như con hổ, Phê như con tê tê… cũng không nhất thiết phải có ý nghĩa cụ thể nào, lối hiệp vần trong cách sử dụng ngôn ngữ ấy đã thành công khi tạo ra sự vui tai thích thú cho người nghe.

Đó là chưa tính đến việc từ vựng là yếu tố luôn luôn biến đổi của một ngôn ngữ. Mỗi thời đại mới cần đến những từ vựng mới; bởi thế, việc giới trẻ sử dụng những từ vựng trước đó chưa từng có trong tiếng Việt là điều tự nhiên. Ngoài ra, như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lí giải: Giới trẻ thường nhanh nhạy, nắm bắt cái mới kịp thời, họ lại khao khát chứng tỏ mình, mong muốn khẳng định sự độc đáo cá nhân bằng những cái mới lạ. Như vậy, sự hình thành ngôn ngữ giới trẻ thời hiện đại âu cũng là một hiện tượng tất yếu dễ hiểu. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của ngôn ngữ mới đôi khi lại là công cụ hữu ích giúp con người chuyển tải các sắc thái ý nghĩa mới. (Có ai ngờ khi từ “hơi bị” ra đời, ngoài những cách nói “hay hay” mà người ta vẫn thường nghe hàng ngày như “hơi bị đẹp, hơi bị được”, nó lại giúp Nguyễn Duy sáng tác nên một bài thơ “hơi bị hay”: Giọt rơi hơi bị trong veo. Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi. Chân mây hơi bị cuối trời. Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu.)

Còn PGS. TS. Phạm Văn Tình thì cho rằng, “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi. Ngôn ngữ cũng vậy, nó là do người ta nói nhiều mà thành.”

Hài hước và sâu sắc

“Ngôn ngữ của các bạn trẻ thời nay, có những câu tôi thích quá, đó là những câu thể hiện sự chuyển từ cái cũ sang cái mới… làm sao tôi không mê cho được,” PGS. TS. Văn Như Cương bày tỏ. “Xưa nay ông cha ta vẫn nói ‘Cái khó bó cái khôn’, ấy là để chỉ cái đói cái nghèo ngăn trở chúng ta thành công trong cuộc sống. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, cả dân tộc gặp ‘cái khó’ mới ‘ló cái khôn’, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn để chiến đấu. Tuy nhiên, nếu cứ đói mãi, cứ khó mãi, thì ‘cái khó ló cái ngu’, không có cách nào để chúng ta vươn lên được. Ba câu nói thể hiện sự chuyển biến của ba thời kỳ lịch sử khác nhau chứ hoàn toàn không phải là sự biến đổi ngôn ngữ tùy tiện.”

Bản thân họa sỹ Thành Phong khi nhận lời minh họa cho những câu nói thể hiện cách sử dụng ngôn ngữ mới mẻ của giới trẻ cũng mong muốn tạo được tính “lạ” và hài hước cho chúng, làm sao để người xem cảm thấy thú vị theo một cách từ trước đến nay chưa từng có. Rõ ràng, việc PGS. TS. Văn Như Cương bày tỏ thẳng thắn sự đón nhận nồng nhiệt của ông đối với một số “thành ngữ” hiện đại đã chứng mình rằng ý định này của người họa sỹ, dù ít dù nhiều, đã thành công. Và không chỉ PGS. TS. Văn Như Cương, không ít người xem tranh đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những bức tranh hóm hỉnh, sáng tạo và có chiều sâu ý nghĩa của họa sỹ Thành Phong (đặc biệt là các bức tranh minh họa cho những câu như Chuẩn không cần chỉnh, Khổ như con hổ…)

Trí tuệ dân gian

Theo PGS. TS. Phạm Văn Tình, sự ra đời của ngôn ngữ mới, cũng như bất kỳ hiện tượng mới nào trong xã hội, thường gặp phải sự phản đối bởi người ta hay có tâm lí e ngại cái mới, không thích cái không thân thuộc. Tuy nhiên, ngôn ngữ của giới trẻ trong thời đại công nghệ thông tin này (dù là ngôn ngữ chat, ngôn ngữ trao đổi trong các diễn đàn trực tuyến hay ngôn ngữ blog…) đều là sản phẩm của trí tuệ dân gian. “Có thể bộ phận ngôn ngữ đó chưa được sử dụng trong các văn bản chính thống, trong các tình huống trang trọng, nhưng chúng ta không nên phủ nhận nó. Chưa bàn đến việc nó đúng sai hay dở như thế nào, sự xuất hiện của nó cũng là minh chứng của những sáng tạo đáng ghi nhận trong ngôn ngữ,” ông nói.

Ông nhấn mạnh, là sản phẩm dân gian, ngôn ngữ có cơ chế tự chọn lọc của riêng nó. Thời gian sẽ “gạn đục khơi trong”, những yếu tố tích cực sẽ được giữ lại và thừa nhận rộng rãi. Ông cho rằng không phải ngẫu nhiên mà tiếng lóng và ngôn ngữ chat được đưa vào bộ từ điển lớn như Oxford, đó là sự ghi nhận chính thức ngôn ngữ mới đã dung nhập vào đời sống sau một quá trình chọn lọc đủ lâu dài.

“Hãy cứ xem nó (ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay) như một món ăn lạ đang tồn tại, việc có ăn nó hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân,” ông nói.

Mở rộng biên độ tiếp nhận

Những người mang nỗi lo ngôn ngữ hiện đại mà giới trẻ đang dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự giàu và đẹp của tiếng Việt có lẽ sẽ thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều nếu biết có một lượng không nhỏ các bạn trẻ đặt câu hỏi xung quanh việc nên “đối xử” với ngôn ngữ mới này như thế nào để không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. PGS. TS. Văn Như Cương cho rằng “giữ gìn sự trong sáng không có nghĩa là khư khư với cái hiện có”, cũng không phải là kiên quyết loại bỏ cái mới, cái ngoại lai.

PGS. TS. Phạm Văn Tình cũng đồng tình với ý kiến này. Ông cho rằng. vốn trong tiếng Việt đã có nhiều từ gốc tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Hán. Việc mượn các yếu tố nước ngoài có thể làm giàu thêm cho tiếng Việt. Cũng như vậy, việc tiếp thu hợp lý ngôn ngữ hiện đại của giới trẻ cũng có thể khiến tiếng Việt thêm phong phú. Điều cần chú trọng ở đây là: Khi sử dụng ngôn ngữ mới của mình, giới trẻ vẫn cần có ý thức tránh cách dùng tiếng Việt không trong sáng, mà “không trong sáng” ở đây theo PGS. TS. Văn Như Cương là dùng các từ nước ngoài trong khi tiếng Việt có từ thay thế, là sử dụng tiếng Việt theo văn phong phương Tây.

Trả lời câu hỏi của một thính giả về việc liệu có nên để những câu nói của các bạn trẻ tồn tại trong thế giới @ thay vì tập hợp nó lại dưới dạng chính thống của một quyển sách, họa sỹ Thành Phong nói rằng không nên gán cho mọi thể loại sách những ý nghĩa hàn lâm hay giáo dục. Theo quan điểm của cá nhân anh, sách cũng là một trong những công cụ truyền tải thông tin; do đó, chúng ta không nên phân biệt việc ngôn ngữ giới trẻ xuất hiện trong sách hay xuất hiện trên mạng.

Phạm vi thảo luận của buổi tọa đàm còn được mở rộng thêm khi một phóng viên của báo Tiền Phong ở Tây Nguyên bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy có nhiều lo ngại căng thẳng đến thế đối với một hiện tượng ngôn ngữ vừa trẻ trung vừa thú vị, trong khi lẽ ra người lớn nên hòa mình với lớp trẻ và cố gắng hiểu cách suy nghĩ, cách nói năng của họ hơn. Những người lớn, phải chăng, nên mở rộng biên độ tiếp nhận, chấp nhận xu hướng mới có gạn lọc để rút ngắn bớt khoảng cách giữa các thế hệ, phóng viên báo Tiền Phong đặt câu hỏi.
Nguồn: tiasang.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét