Khiemnguyen

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Nhà báo hiện đại - một cuốn sách nên đọc

NGUYỄN BÙI KHIÊM


News Reporting and writing - Nhà báo hiện đại là một cuốn sách không mới, đã được phát hành từ năm 2009, nhưng đó là một cuốn sách hay và dễ đọc và cũng dễ hiểu (tuy có một số vấn đề về cách dịch). Điều quan trọng là Nhóm tác giả đã đưa ra một số quan điểm về truyền thông hiện đại cũng như sự tất yếu phải điều chỉnh cả về nội dung, phương thức tổ chức thực hiện một bản tin, vận hành một cơ quan báo, tất cả nhằm hướng đến đối tượng công chúng của thế kỷ 21, đối tượng đã trả tiền nuôi báo chí…

Thiết nghĩ, các bạn đang là sinh viên, nhà báo, nhà quản lý báo chí và đặc biệt là các anh chị em đang học cao học, cuốn sách này sẽ rất bổ ích để làm giàu tri thức về báo chí hiện đại, trang bị cả về lý luận và thực tiễn trong việc giải quyết những vấn đề mà có thể bạn sẽ đặt ra trong luận văn cao học của mình. Hãy thử đọc một số trích đoạn trong cuốn sách này:

Nghề báo ở thế kỷ 21 buộc các nhà báo phải liên tục thay đổi chính mình. Người phán quyết tối hậu cái gì là quan trọng và câu chuyện nào đáng được thuật lại chính là người bỏ tiền ra mua báo, đó là công chúng của báo chí.

Hội Chủ bút nhật báo Mỹ (American Society of Newspaper Editors) đã bảo trợ một đề án nghiên cứu và đây là bản tóm tắt những gì các nhà nghiên cứu kết luận của họ:

Về nhu cầu của độc giả:

1. Độc giả muốn có nhiều thông tin trong tờ báo mà họ mua.

2. Độc giả muốn tin tức phải có liên quan và tập trung vào họ và cộng đồng quanh họ.

3. Độc giả không muốn báo của họ phớt lờ những gì đang diễn ra ở nơi khác trong nước và trên thế giới.

4. Độc giả không muốn bị lừa dối bởi những mánh lới quảng cáo hay cách trình bày bay bướm. Họ chỉ chấp nhận chúng khi nào chúng có vể liên quan đến bài viết, làm cho bài báo dễ “nuốt” hay làm cho thông tin dễ hiểu hơn. Nếu những mánh lới câu khách đó quá lộ liễu hay cách trình bày quá khác lạ, người đọc sẽ vứt bỏ chúng vì đã làm họ không được thoải mãi khi đọc báo.

5. Độc giả muốn những tin tức thiết thực và hữu ích để giúp hoàn thiện cuộc sống. Vì lối sống của độc giả thay đổi thay đổi, các chủ bút phải tạo ra những tờ báo đi sâu vào đời sống.

Về công chúng mới, đó là ai? Sau khi đưa ra một số đối tượng đã được lượng hóa, nhóm nghiên cứu nêu trên đã đưa ra những tổ chức mới của báo chí phải điều chỉnh theo sự biến đổi của công chúng, như sau:

- Hình thức bắt mắt: tờ báo phải nhiều màu sắc cả về hình thức và nội dung; hấp dẫn, sinh động, thỏa mãn người đọc cũng như thách thức trí tưởng tượng của họ.

- Thông tin dày đặc nhiều tầng nhiều lớp: Những cột văn bản không đủ. Đồ thị, hình ảnh, biểu đồ, danh sách và các phần tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau sẽ thỏa mãn được những bạn đọc đói tin tức mà chịu nhiều áp lực về thời gian.

- Tính tướng tác: Cho bạn đọc biết cách cùng tham dự vào tờ báo, cách phản hồi tin tức, cách liên hệ với chuyên gia, với độc giả khác hay với chính tờ báo/

- Tính liên quan: cho những độc giả hoài nghi thấy tin tức thiết thực với họ như thế nào. Đưa những con người gần gũi với độc giả vào bài báo của họ. Thuật lại tác động và tầm quan trọng của tin tức.

- Tính đa dạng: Xã hội có nhiều mặt hơn là những tin tức phản ảnh. Hãy chắc rằng bạn bao quát được toàn bộ cộng đồng.



Một bài báo tốt là như thế nào?

Từ góc độ nhà báo, phải đặt ra câu hỏi rằng những tiêu chí nào được dùng để xác định câu chuyện nào xứng đáng được thuật lại. Sự liên quan, hữu ích và gây được quan tâm là những định hướng khái quát để thẩm định giá trị thông tin của bất kỳ sự kiện, vấn đề hay nhân vật nào. Cùng với những tiêu chí rõ ràng đó, nhà báo còn phải tìm kiếm những yếu tố đặc trưng hơn tiềm tàng trong mỗi câu chuyện. Quan trọng nhất là những yếu tố sau đây:

1. Tác động: Đây là một cách khác để đo mức độ liên quan và hữu ích. Có bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi một sự kiện hay một ý tưởng? Nó ảnh hưởng đến họ nghiêm trọng như thế nào?

2. Xung đột: Đây là đề tài muôm thuở trong mọi câu chuyện, dù được thuật lại bởi báo chí, văn chương hay kịch nghệ. Những cuộc đấu tranh giữa người với người, giữa các quôc gia hay hay với sức mạnh thiên nhiên đều lôi cuốn người ta đọc. Xung đột chính là một yếu tố của đời sống, các nhà báo phải tỉnh táo trước cám dỗ muốn làm cho câu chuyện tăng thêm kịch tính hoặc hơn giản hóa thái quá.

3. Mới lạ: Đây là một yếu tố khác phổ biển cả trong báo chí lẫn trong các loại hình khác. Con người hay sự kiện có thể gây được hấp dẫn và do đó có giá trị thông tin chỉ vì yếu tố đặc biệt hay kỳ quái.

4. Danh tiếng: Tên tuổi tạo nên tin tức. Tên tuổi càng lớn chừng nào thì bài báo càng quan trọng chừng đó. Những người dân thường luôn bị kích thích tò mò bởi việc làm bởi những người giàu có và nổi tiếng.

5. Gần gũi: Thông thường người ta thích thú và quan tâm đến những gì diễn ra gần nơi họ ở. Khi họ đọc hay nghe một tin trong nước hay tin thế giới, họ thường muốn biết nó có liên can gì đến cộng đồng của chính họ.

6. Cập thời: Tin đòi hỏi phải mới. Nếu tin thích đáng và hữu ích, nó hẳn phải đúng lúc. Ví dụ khi viết về một vấn đề mà hội đồng thành phố phải đối mặt trước khi nó được quyết định thì sẽ có ích hơn là sau đấy. Những bài báo kịp thời cho người ta cơ hội được tham dự vào các vụ việc chung hơn chỉ làm một khán giả.

Mẹo: những yếu tố quan trọng cho một mẩu tin:

- Sức ảnh hưởng

- Sự mâu thuẫn

- Tính mới lạ

- Sự xuất chúng

- Sự gần gũi

- Tính hợp thời

Bạn quan tâm hơn, contact: nguyenbuikhiem@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét