Khiemnguyen

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Book Dư luận xã hội (phần 5)

(Nguyễn Bùi Khiêm)
Các ảnh hưởng khác
Mặc dù chúng ta có thể lý giải dư luận xã hội từ hoàn cảnh xã hội, ảnh
hưởng của những người định hướng dư luận, truyền thông… nhưng đôi khi
chúng ta vẫn không biết chính xác dư luận xã hội về một vấn đề hình thành như
thế nào. Nhiều khía cạnh của quá trình dư luận xã hội vẫn chưa được khám phá.
Vấn đề tương tự cũng thấy được khi xem xét về những thay đổi trong dư luận
xã hội. Một vài trong những thay đổi này có thể do sự thay đổi của các sự kiện
và các hoàn cảnh, nhưng số khác lại khó giải thích hơn. Người ta biết rằng dư
luận xã hội về một vài vấn đề thường tiếp theo các sự kiện. Ban đầu, đó là
những ý kiến riêng lẻ. Sau đó, các ý kiến này được tập hợp thành những luồng
dư luận khác nhau. Cuối cùng, các luồng dư luận này có thể thống nhất với
nhau hoặc không thống nhất với nhau song dư luận xã hội sẽ biến mất khi tính
vấn đề của hiện tượng xã hội đó không còn. Đó là lôgíc hình thành, phát triển
và mất đi của dư luận xã hội. Tuy nhiên, quá trình dư luận thay đổi không hoàn
toàn theo đúng các dự đoán của các nhà nghiên cứu. Dư luận xã hội đôi khi
vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các nhà quản lý xã hội, và đôi khi làm thay đổi
xã hội. Nhiều khi, chúng ta cảm tưởng thấy có một “bàn tay vô hình” (giống
như khái niệm “bàn tay vô hình” trong kinh tế học) tác động đến thái độ của
người dân và điều khiển dư luận xã hội.
Con người luôn thay đổi thái độ của mình để phù hợp với hoàn cảnh cụ
thể. Trong dư luận xã hội, nhiều vấn đề vốn được xem là gây nên nhiều tranh
cãi và là cơ sở cho sự hình thành các luồng dư luận xã hội ở một thời điểm nhất
định, nhưng chỉ được xem như những vấn đề nhận được sự quan tâm bình
thường của xã hội ở những thời điểm khác. Lý do quan trọng ở đây là công
chúng luôn bị phân tán bởi nhiều vấn đề xã hội cùng một lúc, hơn thế, bối cảnh
xã hội ở các thời điểm khác nhau đã khiến cho những vấn đề xã hội nhận được
sự quan tâm ở mức độ khác nhau. (Nhiều nhà chính trị đã lợi dụng đặc điểm
này để định hướng dư luận xã hội theo hướng có lợi cho họ. Người ta có thể
thấy điều này qua cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2004, khi ứng cử viên của Đảng Cộng
hoà G. W. Bush hướng sự quan tâm của công chúng Mỹ vào cuộc chiến chống
khủng bố, chủ đề an ninh của nước Mỹ, những lĩnh vực mà ông đước đánh giá
là làm tốt và được lòng dân chúng Mỹ, trong khi cố gắng tránh tranh luận liên
quan đến các lĩnh vực khác như thâm thủng ngân sách Liên Bang hay các vấn
đề an sinh xã hội).
Nhiều thay đổi quan trọng trong dư luận xã hội rất khó giải thích. Cuối thế
kỷ 20 - đầu thế kỷ 21, ở nhiều quốc gia, thái độ với tôn giáo, gia đình, giới tính,
các mối quan hệ quốc tế, phúc lợi xã hội, và kinh tế đã có những sự thay đổi
đáng kể. Dư luận xã hội về những vấn đề nêu trên vì thế cũng có sự thay đổi
nhất định. Khi trên thế giới, người ta nói nhiều đến toàn cầu hoá, đến xã hội
thông tin, thì những vấn đề trên trở nên như một biến số quan trọng trong việc
xem xét, đánh giá của các cộng đồng về các vấn đề xã hội nảy sinh. Bản chất
con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội, cá nhân chịu sự chi phối từ nhiều
phía, chính vì vậy, những quyết định, hành động, thái độ của họ không chỉ đơn
thuần chịu ảnh hưởng của duy nhất một nhân tố.
Sự hình thành của thái độ
Như mô hình trên đã trình bày, sự hình thành thái độ của cá nhân về một
vấn đề xã hội cụ thể (tiền đề của sự hình thành dư luận xã hội) liên quan đến rất
nhiều yếu tố như các tác động của môi trường trực tiếp, của truyền thông, của
những người hướng dẫn dư luận… và dĩ nhiên từ cả khả năng hiểu biết của mỗi
cá nhân về vấn đề đó. Mỗi khi một vấn đề xã hội được xác định, một số người
nhất định sẽ bắt đầu hình thành nên thái độ về nó. Nếu số lượng người này đủ
lớn để có những tác động xã hội cụ thể, dư luận xã hội về một chủ đề bắt đầu
được hình thành. Không phải tất cả mọi người đều bày tỏ thái độ đối với các
vấn đề xã hội: một vài người không quan tâm; một vài người khác đơn giản chỉ
mới được nghe về chúng. Thái độ có thể được hình thành từ nhiều nguyên nhân.
Ví dụ, bốn người có bốn thái độ phản đối rất khác nhau đối với việc tăng thuế
đánh vào tài sản. Một người về nguyên tắc có thể không chống lại việc đánh
thuế cao, nhưng anh ta phản đối chúng vì anh ta sẽ gặp rắc rối trong việc trả tiền
thế chấp tài sản ngôi nhà của mình. Thái độ này mang tính vị lợi do người chủ
nhà muốn giải quyết tình trạng tài chính trước mắt của chính mình. Người thứ
hai có thể chống thuế vì anh ta không muốn một nhóm xã hội nhất định (như
người nghèo và người thất nghiệp) nhận được nhiều tiền phúc lợi hơn từ thuế
này. Thái độ này có thể bắt nguồn từ lý do tâm lý ích kỷ của người ở tầng lớp
trên không muốn người nghèo, nhóm bất lợi được hưởng lợi để anh ta tận
hưởng cảm giác hơn hẳn của chính mình so với các nhóm xã hội đó. Với người
như vậy, thái độ này phục vụ một chức năng bảo vệ cái tôi (ego-defensive
function). Người thứ ba có thể phản đối việc tăng thuế vì anh ta tin rằng các
hoạt động của chính phủ nên được giới hạn. Thái độ của anh ta phục vụ chức
năng thể hiện giá trị (value-expressive function), phản ánh quan điểm của anh ta.
Người thứ tư phản đối sự tăng thuế vì anh ta quá quen với những ví dụ về sự
lãng phí của chính phủ và cho rằng mọi dịch vụ công cần thiết có thể được thuê
nếu như các cơ quan chính phủ chi tiêu một cách hợp lý hơn. Thái độ của anh ta
được khẳng định bởi kiến thức và kinh nghiệm, qua đó, phản ánh những gì anh
ta học được trong quá khứ. Một người thứ năm, tất nhiên, có thể chống lại thuế
này bằng tất cả bốn lý do trên. Dư luận xã hội có thể gồm các ý kiến cá nhân,
được bắt rễ từ các mối quan tâm và những giá trị khác nhau. Nếu một thái độ
không phục vụ cho một chức năng như đã kể ở trên, nó không chắc đã được
hình thành: một thái độ phải có ích theo một cách nào đó với cá nhân, người có
thái độ đó. (theo Encyclopaedia Britanica, xem thêm phần phụ lục).
Thuế giá trị gia tăng (VAT) mới ra đời trong những năm cuối thế kỷ 20 ở
Việt Nam cũng là một ví dụ. Trước khi VAT ra đời, chính phủ đã có những
chiến dịch nhằm tạo cho mọi người hiểu về luật thuế mới, rằng luật thuế mới có
lợi cho mọi người và có lợi cho chính phủ: Người phải trả thuế rõ ràng, tránh
gian lận thuế, thực tính có thể lãi cho cơ sở sản xuất, phù hợp với cách tính thuế
của các nước phát triển đang áp dụng,... cho thấy sự ưu việt của loại thuế mới
so với các loại thuế trước đây từng áp dụng. Chiến dịch này tiến hành rầm rộ
bằng sự tuyền truyền qua báo chí kể cả những tác phẩm điện ảnh, và qua nhiều
cách marketing xã hội khác nhằm tạo ra một dư luận xã hội ủng hộ việc thi hành
thuế mới. Tuy nhiên khi thuế này đưa vào áp dụng (và kể cả khi chưa áp dụng)
đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề áp dụng thuế này. Những ý kiến
này có thể cho rằng việc áp dụng VAT ở Việt Nam là chưa cần thiết; những ý
kiến khác cho rằng chỉ nên áp dụng ở những khu vực cần đánh thuế nhất định
nào đó; một số ý kiến cho rằng việc áp dụng thuế VAT không nên ồ ạt mà nên
có lộ trình cụ thể cho việc đánh thuế này nhằm tạo sự thích nghi cho các thành
phần kinh tế; một số ý kiến phản đối việc đưa các tính thuế VAT vào áp dụng ở
Việt Nam. Qua đây, chúng ta biết rằng, có nhiều luồng ý kiến với cùng một vấn
đề mà chính phủ đưa ra. Các vấn đề khác cũng có thể có những cách đánh giá
tương tự do công chúng của dư luận xã hội là những nhóm người khác nhau, họ
không những chỉ khác nhau về lợi ích mà còn khác nhau về khả năng hiểu biết
vấn đề,... Qua thời gian tương đối dài áp dụng luật thuế VAT, một số luồng ý
kiến mất đi, một số luồng ý kiến vẫn bảo lưu và một số luồng ý kiến lại nẩy
sinh tạo nên dư luận xã hội về luật thuế này trong những giai đoạn nhất định,
trong những điều kiện cụ thể. Khi tính vấn đề của sự việc mất đi thì dư luận xã
hội về vấn đề đó cũng mất đi theo.
Thái độ được hình thành một phần phụ thuộc vào những giá trị và những
kiến thức của mỗi cá nhân, một phần phụ thuộc vào những đặc điểm mang tính
cá nhân, ở đó, họ thấy được bản thân họ trong đó, và một phần phụ thuộc vào
một loạt các nhân tố môi trường khác. Nhiều thái độ và kiến thức đã được
định hình từ trước có ảnh hưởng tới dư luận xã hội. Lấy ví dụ, vào năm 1964, cứ
1 người trong số 4 người Hoa Kỳ không biết rằng những người cộng sản đang
nắm chính quyền ở Trung Quốc, và bất kỳ một cuộc điều tra nào cũng chỉ ra số
lượng tương tự như vậy số người được hỏi không quan tâm đến các chính sách
chung của quốc gia. Về thực chất, đây cũng là tình trạng phổ biến ở các quốc
gia Tây âu, thậm chí sự quan tâm của công chúng đối với các chính sách ở tầm
vĩ mô còn thấp hơn ở các quốc gia kém phát triển và có trình độ giáo dục thấp.
Những vấn đề trực tiếp liên quan đến lợi ích của công chúng thường nhận được
sự quan tâm nhiều hơn, và vì vậy dễ hình thành nên thái độ cũng như dư luận xã
hội. Nếu dân chúng cảm thấy rằng những nguyên tắc đạo đức hoặc các triết lý
sống mang tính cá nhân của họ có liên quan tới một vấn đề nào đó, họ dường
như thể hiện sự tán thành hoặc chống lại rõ nét hơn (theo Encyclopaedia
Britanica, xem thêm phần phụ lục).
Sự hình thành thái độ của cá nhân và nhóm chịu sự chi phối của nhiều
nhân tố, từ những nhân tố chủ quan xuất phát từ cá nhân đến những nhân tố
xuất phát từ bên ngoài, dù sao chăng nữa, chúng ta có thể tìm thấy những
nguyên nhân xã hội từ việc hình thành của thái độ ở cả cấp độ cá nhân lẫn cộng
đồng. Đây là những tham khảo quan trọng cho việc nghiên cứu dư luận xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét