Khiemnguyen

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Chế độ quản lý báo chí thời Pháp thuộc

Khi quân viễn chinh Pháp đặt chân lên đất Sài Gòn – Gia Định thì báo chí cũng xuất hiện. Bên cạnh những tờ báo thân chính quyền, nhà cầm quyền Thuộc địa cũng ban hành các đạo luật nhằm ngăn chận làn sóng chống đối của báo giới.
Đầu tiên tờ Phan Yên báo  của ông Diệp Văn Cương bị rút giấy phép vì đã đăng nhiều bài đả kích chính sách khai hóa của “mẫu quốc”. Tiếp theo, để có cơ sở pháp lý, ngày 12.9.1881, thực dân Pháp ban hành luật Báo chí 29.7.1881. Theo luật nầy, người quản lý (sau gọi là giám đốc) phải là người Pháp, đủ tuổi thành niên, đủ quyền công dân. Năm ngày trước khi ra mắt tờ báo, người Quản lý phải nộp tiền ký quỹ và kê khai ở cục Biện lý:
- Tên tờ báo hoặc tập chí định kỳ.
- Tên họ, lý lịch người quản lý.
- Địa chỉ in ấn.
(Trước khi phát hành phải nộp lưu chiểu 02 tờ. Nếu có có thay đổi một trong ba điểm nêu trên thì phải khai báo trước 5 ngày).
Luật báo chí ngày 29.7.1881 chỉ có giá trị tại xứ Thuộc địa Nam kỳ. Tuy nhiên, lúc bấy giờ tình hình ở Nam kỳ vẫn còn rối ren, vì lực lượng chống đối vẫn còn mạnh, nên chính quyền Thuộc địa tiếp tục ban hành sắc lệnh ngày 30.12.1898 bắt buộc báo chí chữ Quốc ngữ hoặc chữ Hán phải xin phép mới được xuất bản. Sắc lệnh nầy đã kềm kẹp làng báo địa phương suốt mấy chục năm. Mãi đến ngày 30.8.1938 mới có sắc lệnh huỷ bỏ.
Sắc luật ngày 30.12.1898 hủy bỏ sắc lệnh cũ (vì thấy không có lợi cho chính quyền Thuộc địa) nhưng đồng thời cấm các loại báo chí chỉ trích, phê phán chính sách cai trị, hạn chế quyền tư do ngôn luận, dù tờ báo đó của người Pháp hay người bản xứ. Một số người Pháp đã lợi dung cơ hội nầy, xin phép xuất bản báo để cho thuê.
Đại chiến thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp ban hành trên toàn cõi Đông Dương luật ngày 5.8.1914 để đối phó với báo chí. Theo luật nầy, báo chí không được đưa tin chiến sự nếu tin ấy không do chính phủ Pháp hoặc Chỉ huy trưởng quân đội Pháp cung cấp. Do đó, ở Sài Gòn lúc bấy giờ vẫn có mấy tờ báo mạnh dạn phản đối chủ trương “lùa thanh niên Đông dương sang châu Âu làm bia đở đạn” đã bị phạt tiền hoặc phạt tù rất nặng.
Ngày 4.10.1927, Tổng thống Pháp ban hành sắc luật báo chí trên toàn cõi Đông Dương. Theo sắc luật nầy, việc in ấn, lưu trữ, công bố, buôn bán, phân phát, chiếu hình, khắc, giấy in, giấy viết, phim ảnh...nếu phạm đến chủ quyền nước Pháp ở Đông dương và chính quyền bản xứ do nước Pháp bảo hộ thì sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm và phạt tiền từ 100 đến 3000 frances, hoặc một trong hai cách ấy. Sắc luật quá khắc nghiệt nầy bị giới chính trị và báo chí Pháp phê phán.
Tiếp theo, để xoa dịu tình hình, Pháp ban hành Nghị định phân biệt Nam kỳ là xứ Thuộc địa, được hưởng quyền báo chí như sắc luật 1881. Trong khi Bắc kỳ và Trung kỳ là hai xứ bảo hộ, hạn chế tự do báo chí hơn.
Ngày 1.1.1935, thực dân Pháp ban hành sắc lệnh bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí, nhưng ra lệnh rút giấy phép những tờ báo đăng tin bất lợi cho chế độ cai trị. Sắc lệnh nầy là một đại họa vì khi bị kiểm duyệt, báo vẫn sống, còn bị rút giấy phép thì coi như bị đóng cửa vĩnh viễn. Tựu trung việc kềm hãm báo chí theo sắc lệnh cũ ngày 4.10.1927 vẫn tồn tại nhưng bị lái đi theo hướng khác.
Tháng 6 năm 1936, đảng Xã hội Pháp giành được thắng lợi, tạo điều kiện cho báo chí ở các nước Thuộc địa hoạt động thuận lợi hơn. Tại Đông dương, đảng Cộng sản lãnh đạo phong trào Đông dương Đại hội, đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Đây là giai đoạn báo chí Cách mạng xuất bản công khai, kết hợp với báo chí tiến bộ làm tròn nhiệm vụ lịch sử giao phó.
Ngày 24.8.1938, Thực dân ban hành sắc luật mới, qui định việc kiểm soát báo chí và các ấn phẩm trong tình trạng chiến tranh. Tiếp theo là sắc luật ngày 28.8.1939, qui định việc kiểm soát đề phòng những ấn phẩm hoặc hình vẽ, các văn bản viết để in hoặc dùng trong các buổi phát thanh hay chiếu bóng. Sắc luật ngày 1.9.1939, qui định trừng trị các đối tượng phổ biến những tin tức có lợi cho các cơ quan ngoại quốc chống lại nước Pháp.
Đảng Xã hội Pháp bị đổ, ngày 29.9.1939, chính phủ Pháp nhân danh tình trạng đất nước đang có chiến tranh, ra lệnh hạn chế vai trò báo chí, ra lệnh bắt bớ ký giả, kiểm soát báo chí, đóng cửa những tờ báo tiếnbộ, tước đoạt quyền tự do mà người dân Thuộc địa giành được trong thời kỳ Đông dương Đại hội. Ngày 24.8.1941, Thực dân buộc phải có giấy phép của chính quyền địa phương mới đước xuất bản báo chí. Đến ngày 13.12.1941, nhà cầm quyền buộc phải xin phép trước khi muốn xuất bản nhật báo hoặc tập san định kỳ. Bấy giờ, Đại chiến thứ hai bùng nổ, hàng công nghệ khan hiếm, nguồn giấy nhập từ phương Tây đưa về do chính quyền độc quyền phân phối nên chỉ có mấy tờ báo thân chính quyền mới được ưu tiên, nhưng vẫn sống lây lất.
Ngày 28.12.1945, chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép thành lập đoàn báo chí Việt Nam. Ngày 10.10.1964, tổ chức tiến bộ và Uỷ ban của phong trào báo chí thống nhất được thành lập tại Sài Gòn, mục đích  “đấu tranh cho tự do và thống nhất là phận sự của mọi người. Báo chí là một trong những lực luợng có trách nhiệm. Các nhà ngôn luận là những người có phận sự góp sức vào cuộc đấu tranh chung. Phận sự ấy cũng thiêng liêng như phận sự các tổ chức đấu tranh khác đang hoạt động” (Tuyên ngôn Báo chí thống nhất).
Nhằm tiếp tay cho Thực dân đặt ách đô hộ lần thứ hai, ngày 19.9.1949, Quốc trưởng Bảo Đại thuộc chính phủ Thuộc địa Pháp ký sắc lệnh 36.TT qui định “Bộ trưởng Thông tin có quyền ký hợp đồng với những hãng Thông tấn Pháp hay ngoại quốc để truyền thông tin tức của nước Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp và ngoại quốc trong nước Việt Nam”.
Tháng 7 năm 1950, Đại hội lần thứ III của tổ chức OIJ họp tại Phần Lan quyết định công nhận hội “Những người viết báo Việt nam” là thành viên chính thức của tổ chức quốc tế OIJ. Lần đầu tiên báo giới Việt Nam có tên tuổi trong làng báo quốc tế. Ngày 14.12.1953, Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam thành lập tại Sài Gòn, tạo thế hợp pháp, kết hợp báo giới hai miền liên tục tấn công kẻ thù nhiều mặt.
Ngày 5.4.1953, Thủ tướng Bửu Lộc trong nội các Bảo Đại ký Nghị định 257-PTT/TTK nghiêm cấm báo chí không được in những đoạn mà Uỷ ban Sơ thẩm và Uỷ ban Kiểm duyệt đã bỏ. Nếu vi phạm thì báo chí sẽ bị đình bản có thời hạn hoặc không thời hạn.
Ngày 15.10.1954, Tổng trưởng bộ Thông tin Phạm Xuân Thái trong nội các Bảo Đại ký Nghị định 269/NĐ/BTT cấm chủ nhiệm các tờ báo ở miền Nam không được cho người khác mướn hoặc khai thác giấy phép xuất bản của mình. Thế nhưng Nghị định nầy không còn hiệu lực. Trận Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho 80 năm chế độ đô hộ của thực dân Pháp.

Theo Trương Ngọc Tường và Nguyễn Ngọc Phan- 
100 câu hỏi đáp về Báo chí TP.Hồ Chí Minh NXB Văn hóa TP. HCM 2007.
Contact please: nguyenbuikhiem@gmail.com

2 nhận xét:

  1. CON CHÀO CHÚ. CHÚ ƠI! CHÚ CHO CON HỎI BÀI NÀY CÓ THỂ CHI TIẾT HƠN ĐƯỢC KHÔNG AH!
    CON CÁM ƠN CHÚ!...

    Trả lờiXóa
  2. Cụ thể là bạn cần những thông tin gì? bạn có thể trao đổi qua email: nguyenbuikhiem@gmail.com

    Trả lờiXóa