Khiemnguyen

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Vũ Bằng: Báo Trung Bắc và con người Nguyễn Văn Vĩnh


Báo “Nhựt Tân” sống lây lất, Tạ Đình Bính, Phùng Bảo Thạch rút đi rồi, tôi vì anh hùng tính cũng theo luôn họ, để cho lớp khác lên thay. Nhưng tôi cũng không thất nghiệp lâu. Nguyễn Doãn Vượng, thấy tôi viết thiên phóng sự “Một đêm trăng với năm bông hoa tàn”, cho là được, vận động để tôi vào làm Trung Bắc Tân Văn (lúc đó vừa được ông Nguyễn Văn Vĩnh trao lại cho ông Nguyễn Văn Luận là chú, mà cũng là dưỡng phụ của anh). Ông Vĩnh làm báo “An nam Nouveau” (lúc đó có Hy Tống trợ bút). Tôi có lúc đến đầu phố Hàng Gai (tòa báo “Annam Nouveau”), có lúc đến nhà in Trung Bắc Tân Văn (ở giữa phố Hàng Bông, chỗ rẽ ra Nhà Thương Phủ Doãn). Vì là giai đoạn quá độ giữa chủ nhiệm cũ và chủ nhiệm mới, báo cứ nhùng nhà nhùng nhằng không ra thế nào. Riêng tôi không biết làm gì, mỗi ngày cứ đến bơ bơ cái mặt ra xem báo, rồi ngồi ngắm hết người nọ đến người kia. Thư ký tòa soạn Trung Bắc lúc đó là Dương Phượng Dực; trợ bút thường trực có Sở Bảo Doãn Kế Thiện, Tam Hữu Mai Đăng Đệ, Nguyễn Đỗ Mục, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nhị Lang Dương Mầu Ngọc... Và tôi bắt đầu sống trong một thế giới mới, vì tất cả cụ chủ bút, trợ bút (trừ Dương Mầu Ngọc) đều mặc quần áo Việt, khăn đóng áo dài, đi giày Đức Mậu, răng đen, có cụ còn búi tóc củ hành to bằng cái nấm rơm. Nổi bật nhất và tân tiến nhất là ông Nguyễn Văn Vĩnh, lúc nào cũng đội cái “cát cô lô nhân” ở trên đầu không chịu bỏ ra, kể cả những khi viết bài, tiếp khách. Tôi chưa thấy ai nói to, cười to như thế. Bất cứ chuyện làm ăn hay đùa giỡn, ông cứ nói bô bô lên, gặp ai cũng cười, nói một câu chuyện hay bắt tay. Tôi làm Trung Bắc được chừng hơn một tháng, ông không biết tôi là ai hết. Ông chào tôi rồi niềm nở, bắt tay và hỏi tôi trong khóa họp tuần trước, nghị viện có gì mới lạ không. Thì ra ông tưởng tôi là nghị sĩ đến thăm nhà báo! 

Chính nhờ được gần gũi các cụ, tôi học thêm được ít chữ nho trong thời đó. nói là học chữ nho cho oai, chớ thực ra bao nhiêu chữ học được lúc lên mười, mười một tuổi, tôi đã trả lại hết cho các bực thánh hiền ngay khi cắp sách học “a b c dắt dê đi ‘a”. Học chữ nho đây là tôi muốn nói học mót chữ nho. Có những chữ học dớ da dớ dẩn, hoặc nghe lỏm được, mà suốt đời tôi không quên. Đại khái như chữ kích thích, cụ Sở Bảo chữa là khích thích; nói ảo mộng là sai, chính ra phải nói là

“huyễn mộng”; chia buồn với nhà người ta có đàn bà qua đời thì phải viết “Xin cầu chúc cho hương hồn bà (hay cụ) phiêu diêu nơi cực lạc”, nhưng nếu là đàn ông mà viết như thế, người ta cười cho thối óc, phải viết là “cầu chúc cho linh hồn ông” hay “anh hồn” ông... mới đúng.

Có một chữ mà cụ Tú Nguyễn Đỗ Mục bảo tôi, nhưng đến bây giờ tôi vẫn bán tín bán nghi, không biết sai hay đúng. Chữ đó là công nhận. Theo cụ Tú Mục, một người chỉ có thể nói là nhận, thừa nhận, và chỉ khi nào có nhiều người mới có thể dùng chữ công nhận mà thôi, ý giả muốn hiểu rằng chữ công đây chỉ một số đồng (như công cộng). Nhưng một số đông khác cho rằng nói như thế là hiểu sai chữ công, công nhận cũng như công động, công tâm, công bằng; công nhận tức là nhận một cách thực tâm, nhận một cách đầy thiện ý.

Đại khái, tôi học lỏm chữ nho của các cụ như thế đó. Tôi không dám nói rằng cái túi chữ nho đó giúp ích cho tôi một phần nào trong đời làm báo của tôi sau này, nhưng tôi thấy có một cái lợi hiển nhiên là từ khi biết chữ nho phiền toái thế, tôi rợn tóc gáy và mỗi khi phải dùng chữ nho trong câu văn, tôi hết sức thận trọng, vì chỉ sợ dùng lầm thì thiên hạ cười... bằng thích! 

Mà không thận trọng như thế cũng không được. Vì lúc bấy giờ, viết một bài văn, viết một cái tin, thực có phần khó khăn vất vả hơn là đi vào Ba Thục. Bài viết rồi phải đưa cho Dương Phượng Dực sửa đổi câu văn, xóa bỏ những đoạn thừa, hay thêm mắm thêm muối rồi chuyển sang cho cụ Tú Mục hay Sở Bảo Doãn Kế Thiện xem lại văn có hay không, và chữ dùng có “đắt” không; sau cùng, chuyển lên cho “cụ chủ nhiệm”, lúc ấy còn là ông Vĩnh. Nhưng ông Vĩnh là một người lắm công nhiều việc - chỉ riêng việc ngồi nghe điện thoại và tiếp khách cũng đã mất nhiều thì giờ lắm rồi - nên ông Vĩnh ít xem. 

Vả chăng lúc ấy, ông Vĩnh còn thì giờ đâu mà để ý đến tờ Trung Bắc Tân Văn nữa! Phần thì lo nợ, phần lại bận viết bài cho báo “Annam Nouveau” phần lại do dàn xếp câu chuyện gia đình, phần lại lo chống Phạm Quỳnh,

“chơi” lại thực dân Pháp, ông Vĩnh chỉ cho chỉ thị cũng đã không đủ thời giờ rồi; nói chi đến chuyện xem lại một bài “phông” ngán như cơm nguội của Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, một truyện khôi hài cù bảy ngày không cười của Hi Đình Nguyễn Văn Tôi, Sơn Phong Bùi Đức Long, hoặc một cái tin xe cán chết người... “nhưng đưa vào bệnh viện nhờ bác sĩ khám xét thì cũng không lấy gì làm nặng lắm”.

Đến đây, tôi không thể không nhớ lại cái tài viết báo của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Không phải nói, ai cũng biết ông Vĩnh là một nhà học nhiều biết rộng, vấn đề gì cũng biết. Điểm đó không phải là một điểm đặc biệt, vì chung quanh ông cũng có nhiều người tài ba như thế. Nhưng khác một điều là những người kia thì không ứng dụng được cái biết của mình làm lợi ích cho người khác.

Đằng này ông Vĩnh học và hành ngay. Phải nói ngay, thời ấy, ông đã có một ý thức về nghề báo và những bài xã thuyết hay, ý nghĩa, được người đời đương thời lưu ý đều ký là Tân Nam Tử (biệt hiệu của ông Nguyễn Văn Vĩnh) và đăng ở Đông Dương Tạp Chí, Trung Bắc Tân Văn lẫn Annam Nouveau.

Tuy nhiên, đặc điểm của Nguyễn Văn Vĩnh không phải ở chỗ đó. Hiện nay, chúng ta thấy có những tiểu thuyết gia viết một lúc bốn, năm, tiểu thuyết cho bốn, năm báo khác nhau, hoặc những tay kiếm tiền có hạng như Kim Dung, viết sáu bảy truyện chưởng một lúc; những người ấy, ta phải nhận là có tài, nhưng dù sao các bản thảo đều chỉ thuộc về một loại như nhau: tiểu thuyết hẳn, ký sự hẳn, chưởng hẳn hay khôi hài hẳn... Tóm lại, tức là cùng một thể văn. Đến Nguyễn Văn Vĩnh thì khác hẳn. Tôi nhớ có một lần Nguyễn Văn Vĩnh bị mấy nhà Ngân hàng thúc nợ dữ quá, dọa tịch thu gia sản. Trong khi ấy thì nhân viên nhà báo, mấy tháng không có tiền, bỏ bê công việc; đã thế hai bà lại xích mích, làm tình làm tội ông; ấy là chưa kể mấy ông con, quen lối sống như con Tây, đòi hết thứ này thứ nọ, để ăn chơi phè phỡn. Đặt địa vị một người thường thì gặp bao nhiêu cảnh “bí rì rì” đó cùng một lúc, người ta dễ điên đầu. Ông Nguyễn Văn Vĩnh hơn nhiều người khác ở chỗ không liều mà cũng không lì. Dù hoàn cảnh gay gắt đến chừng nào, ông cũng phớt tỉnh; chỉ khi nào vắng vẻ, ông mới thở hắt ra. Có lẽ trong tất cả bạn bè, bác sĩ Tụng, một trong những người bạn già lâu đời nhất của ông Vĩnh còn lại cho đến ngày nay, còn hầu hết đều qui tiên cả rồi, là người được ông Vĩnh cởi mở nỗi lòng nhiều nhất.

Theo chỗ biết của tôi, bác sĩ Tụng không những chạy tiền cho ông Vĩnh (lúc đó ông Tụng còn là nhân viên đắc lực của Sai Gòn Ngân hàng), mà còn lo dàn xếp cả chuyện gia đình cho ông Vĩnh, điều giải các cuộc tranh chấp giữa bà cả và bà hai. Ông Vĩnh làm việc như con trâu cày, không mấy khi muốn phiền người khác. Có một lần, tôi đã được mục kích một cảnh như sau: không biết giận gia đình gì đó, ông lên một căn gác nằm khoèo, nhờ ông Tụng mua cho một mẹt bún chả ăn trừ cơm, rồi viết luôn một lúc một bài xã thuyết cho Annam Nouveau, thảo một thư cho Toàn quyền Pháp đưa xuống dưới nhà đánh máy luôn, dịch miệng “Têlêmac phiêu lưu

ký” cho Đông lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông lại quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện thống sứ Pháp “có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được”, miễn là ông tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngưng chống nhà vua".

Thú thực cho đến bây giờ, tôi sợ nhiều người nhưng chưa sợ gì như sợ cái tài viết của Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi được biết tài viết của Vương Quang Nhường lúc theo Thủ tướng Tâm ra Hà Nội, hút rồi, ngồi gác chân lên ghế, quay sang bên phải đọc một bài diễn văn chữ Pháp, quay sang bên trái đọc một bài diễn văn chữ Việt để cho Thủ tướng Tâm đọc, nhân một buổi lễ khánh thành. Đem so sánh, tôi vẫn nghiêng về Nguyễn Văn Vĩnh nhiều hơn, và cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy có ai viết báo nhiều loại khác nhau một cách tài tình và nghĩa lý như ông Vĩnh.

Ông viết tin, viết xã thuyết, làm thơ, khảo cứu, phóng sự (Volonté Indochinoise) và dịch tiểu thuyết thì quả không chê được. Nhiều cụ bỉnh bút báo Trung Bắc kể chuyện cho tôi rằng ông Vĩnh, về truyện dịch, đắc ý nhất cuốn “Ba người ngự lâm pháo thủ”. Nhưng một bạn chí thân của ông, từng sống những giây phút gay cấn nhất đời với ông, vốn biết rõ về đời công và đời tư ông hơn ai hết, quả quyết là không có truyện nào ông vừa ý mà lại để công phu dịch thuật như truyện “Mai Nương lệ cốt”. Hầu hết các bài báo, truyện dịch của ông Vĩnh, đều do bạn hữu hay thư ký thân tín chép theo lời ông đọc; chép xong, ít khi ông đọc lại, bảo đưa xuống nhà in xếp chữ luôn. Riêng có bản dịch “Mai Nương lệ cốt” là do chính tay ông viết, mà viết xong, ông không đưa cho nhà in xếp chữ ngay, lại đưa cho cụ Tụng “bình” lại và cùng tìm những danh từ thích đáng hơn hay tình tứ hơn, nếu cần. Mỗi kỳ dịch như thế gồm chừng bảy, tám hay mười lăm trang chữ viết; đăng báo gần hết, lại dịch tiếp. Nhưng lần nào cũng vậy, dịch xong, bình xong rồi, ông cũng bảo Tư Đạt sang Gia Lâm đưa cho bà Suzanne đọc trước. Thành thử truyện “Mai Nương lệ cốt”, tuy ông Vĩnh không nói ra, chính là cuốn truyện dịch mà ông để tâm nhiều nhất, cuốn truyện dịch gọt giũa công phu nhất. 

Đây không phải là một thiên chép về đời tình ái của ông Vĩnh, nên tôi không ghi lại những băn khoăn, buồn phiền của ông Vĩnh đối với mấy bà, cũng như vấn đề con cái của ông. Nhưng có thể nói rằng đời công cũng như đời tư của ông Nguyễn Văn Vĩnh là cả một cuộc vật lộn lao đao, hào hứng, lên xuống như nước thủy triều, bị bao nhiêu day dứt, nào là Tây, nào là tiền, nào là con, nào là vợ, nhưng không một lúc nào ông chịu ngồi yên, một mặt cứ đối phó, cứ giải quyết, mà một mặt, cứ lo chiến đấu, chống áp bức và bóc lột.

Nói đến ông Vĩnh, người ta thường nhớ ngay đến loạt bài đả kích chủ trương quân chủ của Phạm Quỳnh theo sát với Tây, mà hầu hết đều quên rằng chiến dịch làm cho từ Bắc vào Nam sôi nổi, hăng say, chiến dịch khích động lòng yêu nước của toàn dân lúc ấy, chiến dịch làm cho Pháp giựt mình, vì không ngờ ông Vĩnh lại được dân chúng tin yêu đến thế, chính là chiến dịch “tẩy chay Hoa kiều”. Theo chỗ hiểu biết của tôi do các bậc đàn anh tâm sự, ông Vĩnh lúc ấy chỉ viết có một bài báo, kêu gọi lòng ái quốc của đồng bào mà cả nước vùng lên tẩy chay Hoa kiều rầm rộ. Bài báo ấy ký một bút tự của ông Nguyễn Văn Vĩnh mà ít người được biết: Quan Thành. Bút tự này, ông chỉ ký dưới những bài báo đấu tranh, còn bút tự Tân Nam Tử thì dùng cho bất cứ bài nào đề cập đến vấn đề xã hội, văn hóa hay chánh trị. Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng, anh của Nguyễn Tiến Lãng, đồng thời là anh vợ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, khi đó là người tán đồng ý kiến bài báo này nhất, và cũng là người đã phổ biến ý kiến bài báo đó, chỉ huy công cuộc bài Hoa. Các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm ở Hà Nội là những đường phố có nhiều người Hoa kiều sinh sống, bị tê liệt về thương mãi trong nhiều ngày. Không ngày nào không có những vụ đổ vỡ phá phách.

Vì vấn đề ngoại giao, mà cũng vì vấn đề an ninh nữa, phủ Toàn quyền phải yêu cầu ông Nguyễn Văn Vĩnh ngưng loạt bài ấy lại và đe dọa nếu ông Vĩnh không chịu thì không những đóng cửa báo mà lại có nhiều cách để buộc các nhà ngân hàng đòi nợ ông Vĩnh, làm cho ông phá sản.

Những lời đe dọa ấy, khi thì sỗ sàng, khi thì mềm dẻo của nhà cầm quyền Pháp hồi đó, kéo dài không ngớt trong suốt cuộc đời ông Vĩnh, có khi làm cho ông Vĩnh tạm yên giai đoạn, nhưng có khi làm cho ông nức lòng chiến đấu hơn; thà là chịu khổ sở, thiếu thốn, hiểm nghèo, chớ không chịu vị tình người Pháp hay vì tiền của họ mà thay đổi lập trường, chí hướng.

Người ta kể chuyện rằng ông Vĩnh mở chiến dịch bài Hoa như thế, thực ra không phải do Hoa kiều ở Bắc, bởi vì dù sao Hoa kiều ở Bắc cũng không lũng đoạn kinh tế của Việt Nam như ở miền Nam, nhưng chính là vì Hoa kiều ở Nam làm mưa làm gió ác liệt quá, không còn coi người Việt Nam ra gì. Chính vì thế, cụ Nguyễn Phan Long và cụ Bùi Quang Chiêu là hai người đặc biệt tán thưởng ý kiến nêu ra trong bài báo ký tên Quan Thành, nhưng tại sao lúc đó Nguyễn Phan Long không họa theo Quan Thành mở rộng chiến dịch bài Hoa vào Nam Việt thì nhiều người không được rõ. Có người bảo là tại lý do muốn phát động một chiến dịch như thế, không thể dùng Pháp ngữ, ít phổ biến trong dân gian; mà cụ Nguyễn Phan Long, một học giả người Nam, một anh tài của đất nước, lại không sử dụng được Việt ngữ tài tình như Pháp ngữ. 

Thú thực, làm bỉnh bút ở tờ Trung Bắc, dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Văn Vĩnh, nhiều người lấy làm hãnh diện, chớ không phải chỉ riêng tôi. Đáng kể nhất là tất cả các anh em trong nhà báo đều kính yêu ông; người chân chính thì yêu ông vì tài ba đức độ, còn những người quay quắt cũng yêu vì ông rất rộng rãi về tiền nong, dù biết là họ ăn cắp, bóc lột ông hay đâm vào sau lưng ông, ông cũng coi là thường, tha thứ hết, và không hề giận dỗi hay phiền trách.

Trong suốt cuộc đời làm báo, tôi học được nhiều nhất trong thời gian ngắn ngủi này. Ngắn ngủi vì chỉ vỏn vẹn được ít lâu, thì vì vấn đề tiền nong, công nợ, ông Vĩnh gán tờ Trung Bắc Tân Văn cho ông Nguyễn Văn Luận. Lãnh tờ Trung Bắc, ông Luận vẫn giữ nguyên nhân viên cũ; nhưng quyết định “tiêm một sinh khí mới” cho tờ báo. Trước hết, ông muốn cho mục xã thuyết trẻ hơn một chút nên đem vụ này ra bàn với các cụ Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, nhưng các cụ già khó tính lắm, chưa bàn, các cụ đã cáo ốm xin nghỉ làm.

Duy còn ba cụ via là Sở Bảo Doãn Kế Thiện, Đông Lĩnh Dương Phượng Dực và Nguyễn Đỗ Mục ở lại làm chơi lừng khừng. Trong ê kíp “cũ mà mới” còn lại Dương Mầu Ngọc tức Ngọc Thỏ, tôi và một phóng viên “khăn đóng áo dài” là Nguyễn Văn Bân, bây giờ cũng đã quá cố rồi.

Sang chủ nhân mới và nhờ tân chủ nhiệm tiêm sinh lực mới, tờ Trung Bắc Tân Văn cũng không chạy hơn được bao nhiêu. Cụ Nguyễn Văn Luận tuyển thêm người là cụ Mai Đăng Đệ chia nhau với tôi viết “phim hàng

ngày” ký một tên chung là Lẩn Thẩn Tiên Sinh; ngoài ra, mua thêm truyện của những nhà văn trẻ như Nguyễn Dân Giám (tức tác giả truyện “Dưới Rặng Thông”, lúc ấy mới ở Pháp về), và Lê Văn Trương (mới ở Nam Vang buôn hột xoàn Xiêm về). Cuốn bản thảo đầu tiên của Dân Giám, tác giả “Dưới Rặng Thông” sau này, là “Sóng Gió Thái Bình Dương”; còn bản thảo đầu tiên của Trương là “Những cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích”.

Lúc ấy, Nguyễn Tuân là phóng viên Trung Bắc ở Thanh Hóa. 

Bổn phận tôi là phải đọc những truyện đó để phúc trình lên chủ nhiệm. Ông Luận đeo kính trắng, vuốt râu bên này một cái, vuốt râu bên kia một cái, tợp một tợp rượu, chép miệng thở dài (tại sao ông cứ thở dài, tôi không tài nào hiểu nổi) rồi bảo: “Ừ, đăng được thì đăng!”. Thế là đăng báo. Ngoài công việc, hai ba ngày tôi phải viết một cái “phim” đỡ cho cụ cử Đệ, ra tòa lấy tin tòa án, làm phóng viên thể thao, phụ trách trang “Chiếu Bóng”. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu châm ngôn của cụ Lỗ Thư (bút hiệu của cụ Luận) thường ban ra để dạy nghề báo cho kẻ hậu sinh: “Làm báo phải như con dao pha. Bất cứ cái gì cũng phải viết được, mà viết nhanh, thiếu mục gì là mình có bài điền vào luôn, không anh nào bắt bí được mình!”.

Những lời ấy là khuôn vàng thước ngọc cho tôi. Tôi nỗ lực học hỏi và tập viết đủ mọi mặt. Ngoài ra, tôi lại còn đi xa hơn nữa là xông vào nhà in để học hỏi xếp chữ thế nào, kiểu chữ này kêu là gì, cái “tác qua” là cái gì, lên khuôn ra sao, các dấu sửa épreuve thế nào, máy chạy tốt xấu ra sao... vì theo lời các bậc đàn anh, làm báo không thể nào không biết nhà in; nhà in và nhà báo như cá với nước, như răng với môi, môi hở thì răng lạnh...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét