Khiemnguyen

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Nhật báo hay Tap chí?



Bản chí đến nay vừa đầy một năm và bắt đầu từ số này là bước sang năm thứ nhì. Lệ thường trong báo giới vẫn lấy ngày “đầy tuổi tôi” làm một dịp kỷ niệm, kỷ niệm cái sự nghiệp đã thành trong năm mới qua, kỷ niệm những lời khen chê của dư luận đối với công việc nhà báo; nói tóm lại là trông con đường tương lai còn dài. Quay lại nhìn cái khúc dĩ vãng, thấm thoát chưa mấy mà đã bằng một vòng trái đất quanh mặt giời, trong lòng hốt sinh ra cái cảm giác như nửa vui mừng mà nửa lo sợ, mừng rằng ta đã đi trót lọt được đến đấy, lo vì những sự trở ngại sau này.
Đồng nhân chúng tôi  khi bắt đầu biên tập số báo thứ nhất năm thứ nhì này, trong lòng cũng thấy phát khởi ra một cái cảm giác như thế. Nhưng bản ý chúng tôi không phải là muốn theo lệ thường của báo giới mà lấy dịp này làm một dịp kỷ niệm những công việc đã làm nên trong ba trăm sáu mươi ngày Giời mười hai tháng Phật đã qua. Chúng tôi thiết nghĩ rằng dù có công đã có người biết, dù có lỗi đã có kẻ hay, sự khen chê là việc người ngoài, tự mình tán tụng cho mình, tự mình chỉ trích lấy mình đều là khó nghe cả, huống sự khen chê đã là cái quyền người ngoài, mà người nước Nam mình lại thường thi hành cái quyền ấy đến cực điểm, khen cũng đến cực điểm mà chê cũng đến cực điểm, thời dẫu mình có tự bình phẩm cũng chẳng thấm vào đâu…
Cho nên trong mấy nhời “kỷ niệm” này, chúng tôi không “kỷ niệm” gì cả, không nói gì đến công việc chúng tôi trong năm mới rồi, xin để cho dự luận tự do phê phán. Song thường nhận trong dư luận đối với tập Nam Phong chúng tôi có một cái ngộ điểm, cái ngộ điểm ấy đã tiêu trên đề mục bài này. Nay chỉ xin phân giải cái ngộ điểm ấy như sau này.
Quốc dân thường lẫn thể “tạp chí” với thể “nhật báo”, thế nào gọi là “nhật báo”?  thế nào gọi là “tạp chí”?
Tính ham biết là tinh thông thường của người đời nay. Người đời xưa cái nhỡn giới không ra khỏi giới hạn nơi mình sinh trưởng, không ra khỏi cái phạm vi nghề nghiệp mình. Người đời hay đứng núi này trông núi kia, cái lòng dục vọng đã vô cùng thì cái tính ham biết cũng vô hạn. Muốn thỏa mãn cái lòng dục vọng kia mà thế giới đã thành một cạnh trường to, người đời xô đẩy nhau mà tranh đua những phú quý phong lưu; muốn thỏa mãn cái tính ham biết này mà xã hội đã thành một nơi diễn đàn lớn, kẻ lập ngôn người trước thuật, đem sách vở báo trương mà ban bố trong nhân quần. Sự làm sách làm báo sở dĩ thành nghề thịnh hành trong đời bây giờ là vì lẽ đó. Nay ta hẵng không bàn về nghề làm sách mà chỉ nói riêng về báo giới. Cái tính ham biết của người ta đã vô cùng thì các hạng báo cũng phải vô số: có báo hàng ngày, có báo hai ba ngày một lần, có báo hàng tuần, có báo hàng tháng, có báo hàng hai ba tháng; có báo văn chương, có báo triết lý, có báo chính trị, có báo kinh tế, có nông báo, thương báo, học báo, có báo về nghề tàu bay, nghề tàu ngầm, nghề đi bể v.v.. Nhưng cứ cái thể thức báo mà nói thì đại để có hai hạng: một là hạng “nhật báo”, hai là hạng “tạp chí”.
Nhật báo (journal) hoặc ra mỗi ngày một lần, hoặc hai ba ngày một lần, chậm lắm là mỗi tuần lễ một lần, chủ báo cho người đọc biết những tin tức hằng ngày, việc nhớn việc nhỏ, việc xa việc gần, bất kể việc gì, phàm những sự thực xảy ra trong xã hội mà hoặc có ích lợi, có vui thú, có quan hệ chút nào đến các hạng người đọc báo, đều thuộc về nhật báo biên chép và trình bày báo cáo cho thiên hạ biết. Như thế thì nhật báo cốt ghi lấy những việc hàng ngày sẩy  ra thế nào chép lại như thế, càng tường càng đúng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Cũng có khi nhật báo vừa chép việc vừa nghị luận đều lấy cái biểu diện hiện thời mà xét, không cứu đến căn nguyên, không suy đến kết quả mọi việc. nhật báo hay cái máy chớp ảnh thu lấy những ảnh tượng xuất hiện ra hằng ngày hàng giờ ở khắp mọi nơi, rồi phản chiếu cho mọi người cùng xem, chụp vào càng hệt bao nhiêu, chiếu ra càng nhậy bao nhiêu thì càng giá trị bấy nhiêu.
Tạp chí (revue) thì không thế. Tạp chí hoặc là ra mau nhất là mỗi tuần lễ một lần, hoặc hai ba tháng một lần, vừa là tập báo vừa là quyển sách. Tạp chí thuộc thể báo là cũng xuất bản có định kỳ như nhật báo và thường cũng nghị luận đến những vấn đề hiện thời. Tạp chí thuộc thể sách là các bài thường dài, có ý muốn cai quát cả một vấn đề, nghị luận lấy cao lấy sâu, khảo cứu lấy tường lấy tận, không có cái tính cách nhất thời như các bài nhật báo. Tạp chí vừa thuộc thể báo vừa thuộc thể sách mà lại điều hòa châm chước hai thể ấy, biệt thành ra một thể riêng. Giống báo mà cao hơn báo, giống sách mà thấp kém sách, đứng giữa độ đường từ tờ báo bốn trương cho đến quyển sách hai trăm tờ. Cái mục đích của tạp chí là muốn đem những vấn đề cao cao về chính trị, học thuật, văn chương.v.v… bàn bạc giảng cầu cho những người đã có học thức xem, không phải là báo những tin tức cho công chúng. Cho nên tạp chí vẫn ít người xem hơn nhật báo. Tạp chí kèm nhật báo về đường phổ thông mà hơn nhật báo về đường chắc thực. Bài luận thuyết hoặc bài nghiên cứu của tạp chí tuy chưa tường bằng một quyển sách mà dễ đọc hơn sách, nên tạp chí sánh với sách cũng tức như nhật báo sánh với tạp chí vậy. Song cái lối “thuyết luận” (tiếng Pháp là essai, nhà làm thuyết luận là essayisle) của tạp chí mà đến bậc hoàn toàn thì cái giá trị cũng chẳng kém gì một pho sách, mà cái thú vị lại có phần rồi rào hơn. Nhiều nhà danh sĩ bên Pháp nổi tiếng trong hoàn cầu chỉ vì làm bài trong các tạp chí. Có khi chỉ làm một bài thuyết luận hay mà đủ liệt vào bậc danh sĩ: như quan đại tướng Lyautey hiện làm thống đốc đất Maroc, khi xưa chỉ có đăng một bài luận trong tạp chí Revue des Deax mondes (Tạp chí hai thế giới) về nghĩa vụ nhà quân quan, mà gần đây được bầu vào hội hàn lâm nước Pháp.
Như thế thì cái thể tạp chí thật là một thể rất uyển chuyển, rất mềm mại, không nghiêm khắc như pho sách, không sốc nổi như tờ báo, nếu biết khéo dùng có thể thành một cái cơ quan để truyền bá tri thức không gì bằng. Nhất là những nước mới tiến hóa, mới bước vào đường văn minh học thuật ngày nay, không có lối trước thuật gì để ban bố những tư tưởng mới mạnh bằng lối tạp chí. Nhật báo cũng cần, mà cái tính cách của nhật báo chỉ để báo, không dạy được, vì trong những tin tức của nhật báo truyền đi, có tin hay có tin dở, có tin thực, có tin hư, nhà làm nhật báo bị thời giờ bách xúc không thể sát hạch, kiểm điểm cho thật đích sác được. Đến như sách thì tuy cái mục đích là để dạy, mà bể học mênh mông, thiên kinh vạn quyển, trừ những chuyên trị về một môn học nào, con người thường chỉ muốn xem cho biết, cho mở mang tri thức mà thôi, những trông thấy mà đã khiếp, còn có đâu cái kiên nhẫn mà đọc cho hết được. Đối với những người hiếu học hiểu biết ấy thì thể tạp chí thực là thích hợp, thực là một cái cơ quan rất tiện lợi để giảng cầu những điều bổ ích về đường tri thức.
Các nước Âu Mỹ, nhật báo, tạp chí như rừng, ta không nói làm gì. Cứ như nước Nhật Bản là một nước mới tiến hóa theo lối văn minh thời nay, các thứ tạp chí xuất bản trong nước kể hơn một nghìn, cái ảnh hưởng trong tinh thần quốc dân thực là sâu và thực là mạnh. Xem đó thì biết người Nhật bào trọng đường học vấn tri thức là nhường nào. Trong khoảng một nửa thế kỷ nay nước ấy tiến hóa nhanh như thế, phần nhiều cũng là bởi cái tính hiếu học hiểu biết ấy…
Tạp chí Nam Phong chúng tôi là thuộc thể tạp chí, không phải thể nhật báo.
Mới bước sang năm thứ nhì, gọi là có mấy nhời cung khai chủng loại tính cách như thế, để các bạn đọc khỏi nhận nhầm, cũng là một cách kỷ niệm đầy năm vậy./.

Phạm Quỳnh
(Nam Phong tạp chí, số 13,
 tháng 7/1918)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét