Khiemnguyen

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Người nối nhịp cầu báo chí Đông - Tây



TS. Hoàng Văn Quang

Ở Bắc Ninh chẳng mấy không biết câu ví “Trai Phù Lưu gái Đình Bảng”. Hoàng Tích là dòng họ lớn của làng Phù Lưu, nơi đã sản sinh ra nhiều anh tài ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chỉ có duy nhất Hoàng Tích Chu là để lại dấu ấn sâu đậm trong làng báo. ông là người đã có công rất lớn trong việc cải tiến ngôn ngữ cũng như đã canh tân nhiều mặt cho làng báo Việt Nam.
Long đong bởi một chữ tài
Hoàng Tích Chu sinh ra trong một gia đình quan lại có tiếng. Được giáo dục cẩn thận từ nhỏ, Hoàng Tích Chu rất giỏi chữ Hán (cỡ Tam Trường). Năm 1921, ông ra Hà Nội xin vào làm cho tờ Nam Phong. Đây là tờ báo lớn thời đó, xuất bản theo dạng bách khoa nguyệt san chuyên khảo cứu về văn chương, lịch sử, văn hóa, chính trị với những cây bút lẫy lừng như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Lâm Tấn Phác, Nguyễn Văn Ngọc, Dương Quảng Hàm... Tuy nhiên, đây không phải là môi trường thích hợp để một chàng trai mới ngoài 20 tuổi thi thố tài năng.
Đang loay hoay tìm lối đi, Hoàng Tích Chu nhận được lời mời sang làm chủ bút cho tờ nhật báo Khai hóa của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, vì một tai nạn nghề nghiệp ông bị đuổi việc một cách phũ phàng. Hận mình tài hèn sức mọn, ông quyết tâm sang Pháp học nghề.
Sang đến Pháp, Hoàng Tích Chu gặp Đỗ Văn. Hai ông phân công nhau, người học cách viết báo, người theo nghề in và kỹ thuật trình bày. Mọi phí tổn ăn học của cả hai người được ông Lê Hữu Phúc, giáo sư trường Albert Sarraut (Hà Nội) tài trợ.
Sau 4 năm, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn về nước đầu quân cho tờ Hà thành ngọ báo của cha con nhà tư bản Bùi Xuân Thành, Bùi Xuân Học. Tòa soạn báo nằm ở nhà số 24 đường Gia Long - Hà Nội. Kể từ khi được giao vai trò chủ bút Hoàng Tích Chu đã cải tiến tờ báo về nhiều mặt.
Các trang, chuyên mục được thay đổi sao cho thiết thực, gắn chặt với đời sống xã hội. Một số thể loại như tiểu phẩm, xã thuyết, thời luận được rút ngắn tối đa, bỏ hết các từ nối thì, mà, và, là... loại câu một mệnh đề được khai thác triệt để. Lối trình bày sao cho hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh cũng được Đỗ Văn áp dụng rộng rãi linh hoạt. Số nào cũng vậy, ngay ở cột 1 trang 1 bao giờ cũng có một bài xã thuyết do Hoàng Tích Chu chấp bút (ký bút danh Hoàng Hồ) bàn về những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Cột 2 dùng để tóm tắt những tin quan trọng và có tính thời sự cao.
Cuối trang là những câu châm ngôn, cách ngôn nói về lẽ sống ở đời hoặc một truyện hài hước ngắn có tính giáo huấn cao. Cách đặt tít thường xoáy vào các vấn đề trọng tâm, được in cỡ chữ lớn. Cách rút tít cũng khá giật gân, kích thích tối đa trí tò mò của độc giả cho dù nội dung không có gì lớn, thậm chí nhạt nhẽo kiểu như Thi gan với xe lửa bị húc vỡ bong bóng”, Một ông Tây chủ đồn điền bắn nhầm chết con ông Chánh Tổng”...
Tuy nhiên, những cải tiến nói trên diễn ra quá đột ngột đã làm mất một phần khá lớn đọc giả truyền thống của Hà thành ngọ báo, những người đã quá quen với lối viết nhẩn nha, với những bài xã luận dài lê thê. Họ bị sốc trước những bài xã luận chỉ vài trăm chữ mà ngồn ngộn thông tin, từ ngữ lại quá thô nhám như bản thân cuộc sống. Không ít người lên tiếng phê phán lối văn của Hoàng Tích Chu, gọi đó là lối văn cộc, văn nhát gừng, văn cứt dê. Người phản đối đa phần thuộc giới cu học, lối văn biền ngẫu, tầm chương trích cũ đã ngấm vào xương tủy họ.
Giới trẻ tân học tuy ít nhiều ủng hộ cải cách của Hoàng Tích Chu nhưng vẫn có phần dè dặt. Số lượng phát hành của Hà thành ngọ báo bị sút giảm thê thảm. Ông Bùi Xuân Thành đã mời” hai nhà cải cách ra khỏi tòa soạn một cách không lấy gì làm nhã nhặn cho lắm. Không những thế, ngày 10//1929 Hà thành ngọ báo còn có bài Nhà báo với nhà văn” chỉ trích Hoàng Tích Chu là kẻ học mót, lên mặt dạy đời.
Cái lối đi riêng có bằng phẳng bao giờ
Sau lần chịu nhục đó, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn quyết chí ra tờ báo riêng. Hai ông về quê bán ruộng vườn, vay mượn bạn bè sau đó lên Hà Nội nộp đơn xin phép lập tờ Đông Tây. Số đầu tiên của báo ra ngày 15/11/1929, tòa soạn đặt tại số nhà 12 phố Nhà thờ Hà Nội. Đông Tây lúc đầu ra hàng tuần, sau tuần 2 số. Từ ngày 28/5/1932 báo ra hàng ngày. Báo in 4 trang khổ lớn.
Trên măng-xéc ghi chủ nhiệm Hoàng Tích Chu, chủ bút Phùng Tất Đắc. Ngay khi vừa thành lập Đông Tây đã quy tụ được khá nhiều cây bút tên tuổi có tư tưởng canh tân như Phan Khôi, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Nam Sáu, Tô Ngọc Vân, Trần Quang Trân, Lê Phổ, Đỗ Mộng Ngọc, Vi Huyền Đắc, Trịnh Đình Rư, Thiết Can, Song an Hoàng Ngọc Phách.
Đông Tây in tại nhà in Trung - Bắc của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Những cải tiến trên Hà thành ngọ báo giờ được Hoàng Tích Chu áp dụng triệt để hơn trên tờ Đông Tây. Các bài báo của Đông Tây mang đậm màu sắc chính trị hơn. Tờ báo tỏ ra thông cảm với những thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, với những lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính.
Đông Tây đã không ít lần phê phán chủ thuyết Quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh, tố cáo mạnh mẽ những tên tham quan ô lại như Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Những việc làm trên của Hoàng Tích Chu đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn đọc. Số lượng phát hành tăng rất nhanh, chỉ sau vài tháng đã lên đến con số 5.000 trở thành tờ báo bán chạy nhất Bắc Kỳ thời đó. Uy tín Hoàng Tích Chu nổi như cồn. Năm 1930, ông ứng cử vào viện Dân biểu và đã trúng với số phiếu rất cao.
Có thể nói, Đông Tây là tờ báo có lối trình bày khác lạ nhất thời bấy giờ. Báo dùng nhiều ảnh minh họa ở những bài quan trọng. Có những bài thời luận khoảng 400-500 chữ, xung quanh đặt những mẩu thông tin nhỏ xoay quanh những khía cạnh liên quan đến nội dung chính của bài thời luận. Cách làm này giúp bạn đọc có thể hiểu một cách khái quát nhất, sâu sắc nhất những vấn đề xã hội mà họ quan tâm. Đề cập đến những cải tiến của mình, Hoàng Tích Chu từng viết Tôi vốn bị cái bả viết văn kéo dài hàng mười lăm dòng mới hạ được cái chấm dứt câu, hàng hai, ba cột báo vẫn trọi một ý. Phải có lối viết khác. Cái lối viết phải làm sao cho gọn, không thừa nhiều lời... Tôi định rằng bài nào cũng vậy, chỉ được chiếm một cột là nhiều lắm”. những bài áp dụng lối viết mới, ông thường dùng bút danh Văn Tôi một mặt để phân biệt rạch ròi với người khác, mặt khác cũng hàm ý tự chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Hoàng Tích Chu không chỉ tinh giản câu chữ đến mức tối đa, mà ông còn rất khuyến khích phóng viên hạn chế sử dụng những từ gốc Hán. Các bài viết của ông bao giờ cũng đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo, thuyết lý dài dòng. Ông quan niệm báo chí là phải đặt nhiệm vụ thông tin lên hàng đầu.
Thông tin không những phải khách quan, trung thực mà nhất thiết phải mang tính thời sự nóng hổi, phải thiết thực với người đọc. Đây là những tiêu chí cơ bản để ông xây dựng các trang, mục như: Chuyện Đông Tây, Chuyện đâu, Cuốn phim, Chuyện lạ đường rừng, Chuyện Hà thành, Trong tiệm hút, Bút mới. Điều đáng nói là ông đã cố gắng để mỗi chuyên mục lại có một giọng điệu riêng, khi thì mạnh mẽ, rắn rỏi, khi lại mềm mỏng, thiết tha, dí dỏm, khiến bạn đọc luôn có tâm trạng hứng khởi, không bị rơi vào tâm trạng đơn điệu, nhàm chán khi đọc Đông Tây.
Trước khi Hoàng Tích Chu về nước, đội ngũ các nhà làm báo Việt Nam vẫn chỉ mang tính nghiệp dư. Họ là công chức, nhà khoa học, nhà chính trị, là những công tử con nhà giàu vô công rỗi nghề Chẳng biết làm gì khác ngoài nghề cầm bút” - lời nhà báo Vũ Bằng. Nghề này chỉ làm cho vui, chứ không nuôi sống được người ta. Có lần mẹ Vũ Bằng đã khuyên giải con: Ở đời có nghề gì xấu nhất, tồi bại nhất, bất nhân bạc ác nhất thì nhất định đó là nghề báo”. Còn bố Tam lang Vũ Đình Chí thì than thở: Báo với bổ gì, báo hại, báo cô cha mẹ, rồi ra vô nghề nghiệp, bố mẹ già thì chết, cũng đến liếm lá đầu chợ dở ông dở thằng.... Có nhà văn đã khái quát, đa số văn nhân ký giả đầu thế kỷ 20 đều quần chùng áo dài, ra đường luôn có cuốn sách dày cộp cắp nách.
Họ thả bộ chậm rãi trên phố, mắt đăm chiêu như triết gia, nhưng thực ra lúc nào trong đầu cũng chỉ nghĩ đến cơm áo gạo tiền, đến những thú vui chơi đàng điếm. Ông nào ông nấy nghiện oặt xà lai, nói phét thành thần, chỉ giỏi vay chứ không giỏi trả, luôn coi văn mình là thiên hương, văn người là xú uế... Khi Hoàng Tích Chu về nước, các ký giả trẻ không chỉ học lối viết, mà còn đua đòi lối sống buông thả, hưởng lạc, hơi một tý là thách đấu súng kiểu phương Tây của ông.
Việc một số người cũng bắt chước Hoàng Tích Chu sắm môtô, dùng máy chữ, đến tòa soạn là ôm lấy cái điện thoại, ra đường là mặc đồ Tây, cổ lủng lẳng chiếc máy ảnh chính là sự khởi đầu cho lớp ký giả mới, năng động hơn, chuyên nghiệp hơn. Để việc thông tin được sâu rộng, Hoàng Tích Chu rất chú trọng đến việc mở rộng đội ngũ thông tin viên. Thỉnh thoảng trên một số tin bài của Đông Tây ghi rõ “Nguồn tin do phóng viên của Đông Tây tại nước ngoài chuyển về. Có thể nói cách làm này, cho đến nay, không phải tờ báo nào cũng làm được.
Qua những nét khái lược trên, chúng ta đã phần nào hình dung được vai trò của Hoàng Tích Chu trong việc canh tân báo chí. Ông Thiếu Sơn, trong phê bình và cảo luận đã nhận định: Cái cảm tình của quốc dân đối với ông Chu tưởng cũng là một sự thưởng công xứng đáng cho ông đã ra tờ Đông Tây để gây nên sự cải cách lớn trong làng báo Bắc Kỳ”. Còn ông Phan Khôi, vào năm 1931 đã viết trên báo Trung lập Trong văn quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối đủ để kêu được là “Lối văn Hoàng Tích Chu”. Sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi. Chẳng luận lối văn ấy ông Chu sáng tạo ra hay bắt chước của ai, nội một cái biệt lập ra một nhà được như thế cũng khá gọi là một tay hào kiệt trong làng văn vậy”.
Cuối năm 1932, vì bài thơ “Cái chày” ám chỉ Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định dùng chày đánh vào đầu gối phạm nhân mà Đông Tây bị thu hồi giấy phép với tội danh vu khống người nhà nước. Buồn vì đứa con tinh thần của mình không sống được lâu, Hoàng Tích Chu lâm bệnh và mất sau khi tờ báo bị đóng cửa được mấy tháng. Ông ra đi đúng vào thời khắc cuối cùng của năm Quý Dậu, khi mà mọi nhà đang hân hoan chuẩn bị đón chào năm mới. Cái chết của ông như là sự kết thúc của cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ, là sự khởi đầu cho cái mới, cái tiến bộ, văn minh của làng báo Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét