TRONG
TRƯỜNG CÔNG LUẬN
ý
kiến của một bạn độc giả đối với cách làm báo,
đọc báo và người làm báo
|
N.V.G.
(Hà Thành Ngọ báo, số 716, ngày 24/12/1929)
|
Báo là tiếng nói của dân, là nơi thông
tin của Chính phủ, là chỗ nêu điều hay cho người đọc theo, công kích điều dở, cho
người đọc tránh. Người làm báo phải biết lời nói của mình là trọng, đừng dùng
ngòi bút của mình quá thiên.
Một tờ báo mạnh bằng mười vạn quân, đã có người nói như vậy thì cái giá trị của tờ báo khỏng phải là nhỏ. Truyền bá tin tức xa gần rất nhanh chóng, mầu nhiệm, nêu điều hay cho người biết mà theo, khai thông tư tưởng, mở mang tri thức cho kiến văn ngày được rộng rãi, công kích các cách hành động dở của cá nhân, của đoàn thể có thể phương hại đến xã hội, thất thể diện cho Tổ quốc tức là nhiệm vụ của tờ báo.
Trang nhất tờ :Hà Thành Ngọ báo số 715, ngày 24/12/1929 |
Tờ báo còn là tiếng của
dân, dân muốn điều gì, tư tưởng của dân hoặc ý muốn của dân thế nào, đều giãi bày cả trên mặt báo. Cách hành động của Chinh phủ cũng phải mượn tờ báo để thông tin cho dân chúng biết; muốn cổ động việc gì cứ do tờ báo là mạnh hơn cả. Trên đối với Chính phủ dưới đối với quốc dân, tờ báo có thế lực rất to tát, trách nhiệm nất nặng nề, tức là môi giới cho hai bên. Nhà báo phải chính trực, hành động phải
quang minh, nói phải công bằng, không có phe, không có đảng, không thiên
lệch, không lạm dụng hoặc lợi dụng mà công kích sằng, phải
lấy điều ích chung làm mục đích, thi mới có thể lấy được lòng tin nhiệm của quốc dân. Muốn xét trình độ dân một nước, ta nên trông
ở các báo chí là thấy rõ ràng cao hay thấp.
Trách nhiệm nhà báo đã nặng, phận sự người viết báo lại càng quan hệ
hơn nữa. Vậy người viết báo phải làm những
gì? và tìm điều gì?
Phận sự người viết báo không phải như những nhà thi sĩ hoặc văn sĩ ngồi điêu trác từng câu văn, gò gẫm từng chữ một, không phải giống các nhà viết kịch ngồi tin tưởng những tấn thảm kịch, hài kịch rất li kỳ, không phải là nhà
chinh trị đăng đàn diễn thuyết, hoặc những ông hàn nói chuyện khoa học văn chương. Người
viết báo bao giờ trong trí não cũng chỉ nghĩ đến tờ báo, nghĩ đến người
đọc báo, nghĩ đến cái ảnh hưởng của
tờ báo, tin tức cốt lấy cho nhanh chóng, văn chương không cần chải chuốt lắm, cốt cho ai
xem cũng hiểu ngay.
Người viết báo có một điều khó khăn nhất, tức là tìm chân lý.
Khi một việc xảy ra ở đâu, hoặc mình nghĩ được một điều gì mới, tất phải cầm bút viết ngay. Những câu ta chép, những lời bình luận phê phán của ta mà đứng đắn, xác lý, tất trong lòng vui sướng hả hê, vì ta
đã làm được một việc không thẹn với lương tâm, và ta không phải hối hận vì những lời ta nói là có ích cho
người, không di hại cho ai. Đặt bút viết tất phải biên hai chữ “chân lý” ở trước
mắt, không được để cho tư lợi, quyền thế nó làm mất sự công bằng của ngòi bút, như vậy mới mong đi tới được đích “chân lý”. Điều hay việc phải ta tìm cho đến nguyên ủy mà khéo phô diễn lên mặt báo như một nhà danh họa tô điểm bức tranh cho vui tai, cho đẹp mắt độc giả, nhưng bao giờ cũng đúng sự
thực, cũng có ngụ ý khuyến thiện cải ác ở
trong.
Kể qua giá trị của nhà báo và tư cách người viết báo, nay nói đến người đọc báo. Tờ báo cũng như một quyển sách con, có báo có báo dở, ta cần phải phân biệt lắm. Tờ báo quan hệ nhất có bài xã thuyết vì trong bài ấy nghị luận các việc to tát xảy ra trong nước, mục đích tờ báo, chủ nghĩa của tờ báo đều ẩn trong bài xã thuyết. Xem báo cũng như
xem sách, phải để tâm suy nghĩ điều người
ta bàn, việc người ta nói, có xác đáng, có chính định, phải lọc những điều hay mà noi theo, tìm những điều dở mà công kích, đừng tưởng những đỉều khen chê trên tờ báo là
phải là đúng cả. Người ta ai được hoàn toàn, những người từng trải lịch duyệt nhiều, học vấn
uyên thâm nói ra hoặc hành động việc gì, ta chớ vội tưởng là tận mỹ tận thiện cả đâu, vậy nên ý tưởng
một người không phải là ý tưởng chung của cả mọi người, ta cần phải có con mắt tinh đời.
Thẻ nhà báo của Huỳnh Bảo Thạch, Hà Thành Ngọ báo |
Đọc một tờ báo tức như vào một vườn hoa, có thứ
hoa
được cả sắc lẫn hương, có thứ cỏ hương không sẳc, có sắc không hương, vậy ta nên chọn thật kỹ lấy một đóa để làm kỷ niệm.
Tôi nói đây chẳng qua sơ lược vì
trong một bài vài cột báo không thể kể tỷ mỉ từng điều trong nghề làm báo.
Kết luận tôi xin nói: Nghề làm báo ở nước ta hãy còn non nớt quá, mới có
trong vòng bốn mươi năm nay, trường dạy làm nghề nhà báo chưa có, người đi
nước ngoài học làm báo cũng không, cho nên hành động còn nhiều điều sơ xuất. Người làm
báo không đi học nghề chẳng qua
vì thích mà ra làm, làm lâu rồi quen,
cũng như các viên tiểu tướng, binh thư chưa thuộc mấy, nhưng cầm quân
ra trận nhiều rồi cũng thành một ông
tướng lão luyện.
Làm lâu rồi quen, quen tức là thành nếp chứ không thật sành nghề. Nên đã
mầy ai dám tự phụ là người thạo nghề làm báo./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét