Phong trào văn chương ở Nam kỳ (1865 - 1942)
|
Từ ngàn xưa
với Sĩ Nhiếp, thái thú người Tàu sang cai trị
quận Giao Chỉ (187 226), qua đến Hàn Thuyên và Nguyễn Sĩ Cố nhà Trần, thế
kỷ thứ XIII; đời Lê Hồng Đức (1460 - 1497) và mãi đến Triều Nguyễn, gom thâu thiên hạ về một mối, dân tộc Việt Nam trải qua biết bao trang lịch sử, hay cũng nhiều
mà dở cũng lắm, nhưng giữ được tiếng Việt Nam, cái hồn chung còn sống mãi đến
ngày nay. Đời nọ sang đời kia, cái hồn ấy vẫn bao trùm cả non sông đất Việt và
chan thấm trong văn chương ở khắp ba Kỳ:
“Vơ vẩn
tơ vương hồn Đại Việt
“Thanh tao thép lột giọng Hàn Thuyên ...
Người nào đọc
hai câu nầy, dầu
người ấy ở
vùng núi Nùng sông Nhị, núi Ngự sông Hương, hoặc ở cánh Đồng Nai, lại không bâng khuâng, cảm động?
Vậy, trong văn
học sử, chẳng có văn chương Bắc, Trung hay Nam. Người Việt Nam chỉ có văn chương
Việt Nam.
Trên giải đất
Việt, đời sống của dân ở vùng này, dính dấp
mật thiết với dân vùng khác, vì ý kiến về xã hội, chính trị, gây thành phong trào
lôi cả
một xứ đi. Dầu vậy, mỗi vùng cũng có một phong trào nhỏ và riêng về xã hội,
chính trị của
nội vùng ấy. Nên văn chương Việt Nam đi đến vùng nào, tuy còn giữ nguyên vẹn bản sắc về sự hòa hợp âm điệu của
tiếng Việt Nam,
cũng bị ảnh hưởng không nhiều thì ít của vùng ấy. Văn chương Việt Nam, như văn chương
của các dân tộc trên trái đất, là bức tranh vẽ cảnh tượng của người Việt Nam, ghi lại
cho đời sau những cuộc thay đổi liên tiếp
trong xã hội Việt Nam,
chép lại các luồng tư tưởng của văn nhơn; văn chương Việt Nam cũng đi theo thời đại như hình với bóng; văn chương Việt Nam là di tích
của ngày xưa.
Mây hàng sau
nầy chỉ lược khảo các giai đoạn phong trào văn chương ở Nam kỳ. Phong trào nầy được
vẽ lại, phỏng theo sức lôi cuốn mãnh liệt của các văn nhơn có thịnh danh ở đất Bắc và của phái tân học, do Âu học thành
tài và khuynh hướng theo văn học Pháp.
Hơn nửa thế kỷ
nay, xã hội đi, văn chương ở
Nam kỳ cũng tuân theo luật tiến hóa mà đi, đi kế theo sức phát triển của sanh hoạt mới trong mọi
phương diện, đi đến một nơi mà người tạm cho là đầy hứa hẹn: “điều hòa cái khí vị êm đềm của nền học thuật cổ Trung hoa với tư tưởng xán lạn
của văn học Pháp”!
*
Văn chương
Việt Nam, ở
Nam kỳ, từ Trương Vĩnh Ký
đến ngày nay, trải qua năm thời kỳ.
Giai đoạn thứ nhứt đi từ
1865, năm sanh của Gia Định báo ở Sài gòn,
đến 1917, năm ra đời của tạp chí
Nam Phong ở Hà Nội.
Trước khi ba
tỉnh phía Đông xứ Nam kỳ lọt dưới quyền bảo hộ (1862), chữ quốc ngữ chỉ để
dùng gieo hột giống đạo “Cơ đốc”. Các nhà giảng đạo nhờ quyển sách đầu tiên
viết bằng quốc ngữ của cố đạo Alexandre de Rhodes đặng giao thiệp với dân gian: tự vị Nam Lạp Bồ (Dictionnaire
Annamite Latin Portugais). Tự vị này làm căn cứ cho các công trình trước tác
bằng tiếng Nam của giáo sĩ trong buổi lạ lùng, bỡ ngợ.
Tháng ba năm
1864. Đoàn sứ giả Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình hòa ước với Hoàng đế
Napoléon III, đặng chuộc lại ba tỉnh mất, đã về tới Sài Gòn. Vua Tự Đức
có phái theo
sứ quan thông ngôn Trương Vĩnh Ký. Trương tiên sanh đi xa, thấy
người; trở về nhà, xét mình, rồi mong được theo dõi người. Mà
phải làm thế nào bây giờ? Phải có ai ra lãnh trọng trách cổ động, truyền bá
quốc ngữ
đã; rồi, lần lần, giáo dục quôc dân. Mãi đến 1869, Trương Vĩnh Ký mới
được ông Emest Poteau chủ bút và chủ nhiệm tờ Gia Định
báo từ 1865, giao chính thức tờ báo đầu của nước Nam.
Chữ quốc ngữ,
nhân đó và từ đó, được phổ thông mau lẹ cùng làng, khắp tổng ở xứ Nam kỳ.
Sau chén thuốc
độc nhân đạo và anh hùng của nhà chí sĩ Phan Thanh Giản, có một nhóm người hiểu rõ tình thế,
thành thật đưa tay hợp tác
với chánh phủ mới. Trong đạo binh tiên phong, có Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus
Huỳnh Tịnh Của
và Trương Minh Ký,
một mực cố gắng, dùng cây viết mở mang dân trí đặng nâng cao trình độ của dân.
Đã nhận được là bậc học giả, sáng suốt trong thời, các ông viết sách chữ quốc ngữ vịn theo
cốt truyện Tây hay Tàu; các ông
dịch sách Tây,
sách Tàu ra
tiếng ta. Ý tưởng mới lạ, lần hồi được thâu nhập.
Ba nươi mấy
năm qua. Lối
1900, ông Canavaggio lập ra tờ Nông cổ mín đàm và lối 1906, ông Schneider
cho ra hai tờ Lục tỉnh tân văn và Nam trung nhựt báo. Mấy tờ báo nầy, tuy chẳng giúp được
nhiều về mặt tinh thần, chớ có công lớn trong việc phổ thông văn quốc ngữ.
Trong thời đó, những nhà văn là nhà viết báo. Những tay kỳ cựu đã tận tâm trong báo giới phần
đông có nho học. Lối hành văn của các ông nhái theo văn thể tàu. Điệu văn cân
đối, đọc lên rườm rà êm tai, lại được người cho là hay và bắt chước theo.
Văn học trong
thời nầy nhuộm một màu sắc bi quan, gần như chán cả sự đời. Đó là giọng văn lâm
ly thông thiết của một hạng văn nhơn “ẩn dật”, ôm chặt chủ nghĩa “giữ sách một mình, ngày tháng vui cùng nước, mây, hoa, cỏ”. Họ
gieo rắt trong văn chương “nỗi lòng khó tỏ” của họ.
Tiêu biểu cho
phái nầy có cụ Cử Trị và tác giả quyển “Lục
Vân Tiên”, cụ
Đồ Chiểu.
Cụ Đồ Chiểu đã
nói:
“Công
danh chi nữa, ăn rồi ngủ,
“Mặc
lượng cao dày xử với dân.
Cũng như cụ Cử
Trị đã than:
“Uốn khúc sông
rồng mù mịt khói,
“Văn que
thành phụng ủ xào hoa.
“Tan
nhà cám nỗi câu ly hận.
Mấy câu thơ
chỉ ra được cái lòng ủ rũ của
thi nhân đốì với thế sự, cái mốì thương tiếc thiết tha của thi nhân đối với
giang sơn.
Từ 1908 trở đi
tới 1917, nhiều nhà văn ở Nam kỳ chịu sức xô đẩy của nhóm trí thức Bắc - Trung, đua
nhau dịch truyện Tàu, in thành sách hoặc đăng lên báo. Nhắc
lại trong thời kỳ nầy, dân gian vô sự, thái bình, kiếm sách đọc mua vui. Trong
các gia đình, ít lắm, cũng có một vài bộ: Tây Du, Phong Thần, Tống Địch Thanh…
Tiếng nói rằng
dịch truyện Tàu, chớ thật sự nhà văn chỉ diễn ý theo họ, nương cốt chuyện mà
kéo ra cho dài. Sách dịch bằng thế nầy, mất cả giá trị văn chương vì lốì văn
dùng mà dịch không có quy tắc. Người ta chuyên chú về lượng chớ không quan tâm
đến phẩm. Dịch giả giúp độc giả giết được thì giờ là mãn nguyện rồi.
Đây là văn
xuôi, thứ văn còn phải chịu thay đổi nhiều mới xứng đáng làm nền tảng văn chương
một nước.
Về văn vần, có
lốì đặt theo điệu “vè”, “thơ”, “phú” và “ca”, gọi “ca trù
thể cách”.
Nhà văn nương
theo một chuyện thật, xảy ra gần họ, đã làm xôn xao dư luận rồi viết: vè “Đỗ Hữu Phương”, vè “Đốc phủ Ca”, vè “Con Cúc”…
…
Tóm lại, văn chương ở Nam kỳ từ 1865 đến 1917 có tính cách phổ thông chữ
quốc ngữ bằng lối dịch sách Tàu và Tây. Cách hành văn còn đạo theo văn thể Tàu:
cân đối, rườm rà,
êm tai. Ý tứ diễn ra không có thứ tự và nhứt là còn lờ mờ lắm.
Nếu có bản văn nào đầy ý nghĩa thì giọng văn đi từ lâm ly thông thiết đến
cười cợt ngạo đời.
Văn xuôi chưa được dồi dào về hình thức và tư tưởng thì văn vần cũng
không tiến được một cách đặc sắc.
Chúng ta tạm cho thời kỳ nầy (1865 - 1917) là thời kỳ phôi thai của văn quốc ngữ ở Nam kỳ.
*
Giai
doạn thứ hai đi từ
1918, năm ấy trường Đại học Đông Dương mở cửa, tới năm 1926 hai cụ Phan về nước.
Nhắc lại, Tạp
chí Nam Phong, một cơ quan truyền bá danh từ mới và điều hòa phần chữ
hán với phần quốc văn, đã sống được một năm (1917). Tạp chí nầy đã tìm đường vào Nam một cách mạnh mẽ. Học sanh,
người Nam kỳ ra Bắc ở trường Đại học trong mấy năm, có dịp chịu ảnh hưởng sâu xa của những
luồng tư tưởng mới, được diễn ra
bằng danh từ mới trong một tạp chí đứng
đắn về mặt văn chương: Nam Phong. Trở về Sài gòn, mấy cựu sanh viên cao đẳng đem theo cách viết văn quốc ngữ mới, mới và cái hay trong chỗ mới đó mà phân phát cho gia đình tức là cho xã hội Nam kỳ.
Với Nam Phong, ông Phạm Quỳnh cổ động bảo tồn quốc túy,
hòa tân cựu, lập nên một kho tài liệu chín chắn cho những bậc học giả muốn biết đại khái về văn chương
học thuật của Tây phương hay tinh thần văn hóa của Đông Á.
Tiếp theo ông, mười năm sau có Hoàng tích Chu
một cựu du học sanh ở Pháp, dạn dĩ thực hành lối văn xuôi mới, viết theo điệu
văn Pháp trong tờ Đông Tây.
Văn “Nam
Phong” khô khan, đầy chữ hán, thi văn “Đông Tây” gọn gàng nhưng hơi “sống sượng”
vì nó theo văn Pháp từ ý tứ đến cách hành văn.
Năm 1915 ở
Bắc, năm 1918, ở Trung, thi Hương đã bãi. Mộng làm quan đã tàn, các nho sĩ phải
tìm nẻo xoay hẳn qua địa hạt quốc văn. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tiêu biểu
cho phái “cất bút lông vào hòm sách cũ và
bắt đầu cầm bút sắt”. Tiên sanh gieo “cái
buồn thảm của một phần tử của giai cấp quý tộc ở thời kỳ sắp trúc đổ” trong văn chương. Tiên sanh “réo rắt cung
đàn” ra những tiếng “toàn một điệu buồn bã, tức bực, ủ ê, chán nản, bi quan” Quyển Khối
tình con và những bài “luận thuyết con con, lý thú, ngộ nghĩnh” của Tản Đà
đã đăng trong Nam Phong và Đông
Dương tạp chí rải mầm lãng mạn trong văn chương Nam kỳ. Ảnh hưởng của Tản Đà
đối với
lớp tân học đã ra ngoài cái kết quả
mong đợi.
Người yêu văn chương
ở Nam kỳ đua nhau viết đạo mạo theo lốì “Nam Phong”,
réo rắt theo lối
“khối tình”, “giấc mộng” hoặc mới mẻ như Hoàng Tích Chu sau nầy. Một nhà văn ở Nam kỳ, ông Đông Hồ
đã cho đăng bài lệ ký Linh Phượng ở một số Nam Phong năm
1928.
Ở thời kỳ nầy,
văn nhơn ở Nam kỳ còn ít
lắm. Văn chương
đương chuyển biến dữ dội đặng thành một thứ văn chương ứng dụng, bền bỉ.
Rủi thay! Một
nguồn văn chương đầy ý nghĩ dâm ô, uế trược đổ ra chan cả mấy tỉnh Nam kỳ. Trên
giải đất Đồng Nai, làn văn chương
ác hại đó thổi rất mạnh. Tiểu thuyết “tình” điệu “Hà Hương phong nguyệt”, “Người
bán ngọc” tiểu thuyết “trinh thám”, “kiếm hiệp”
điệu “Một mặt hai lòng”, “Cái nhà bí mật”, “Châu về hiệp phố”, “Lửa lòng” xuất bản
dễ dàng và bán chạy như “tôm tươi”.
Người ta, nhứt
là con trẻ,
phải mê mệt vì hoan nghênh lắm. Và văn chương nầy cũng theo luật tự nhiên mà bị
bỏ quên mất.
Sau lễ Đình chiến trận giặc Âu châu
(1914 - 1918).
Ngày 24/08/1919, nổi lên ở Nam kỳ phong trào “tẩy chay khách trú”.
Lần thứ nhứt,
trong lịch sử báo giới Nam kỳ, chúng ta thấy hiện
ra lốì văn “đánh lộn”. Các nhà viết báo đồng tâm hiệp lực
kêu gào và cổ động buộc người Nam kỳ trong sáu bảy tháng thôi! kết “thành dây đoàn thê để binh vực
quyền lợi An nam đối với khách ngoại bang”.
Cũng trong lối
đó, Nguyễn Háo Vĩnh, người
Nam kỳ đậu cử nhân tiếng Anh, về Sài gòn, ông viết quôc ngữ mắng “Annam điếc hay là cục đất!”. Chủ bút
tờ Lục tỉnh tân văn, bây giờ dưới
quyền chỉ huy của Nguyễn Văn Của, bất bình, sanh ra một trận bút chiến “dài nhằng”.
*
...Tờ Thần Chung, gặp thời cuộc, làm việc
hăng hái, dùng một lối văn mới mà lôi cuốn người. Những cây viết “cừ” như Phan Khôi, Diệp Văn Kỳ và Nguyễn
Văn Bá lo tròn
bổn
phận.
Lối 1925,
quyển Tố Tâm ra đời ở Hà Nội, băng rừng, vượt núi vào Nam kỳ. Nhiều người đọc
đi đọc lại nhiều lần, đến thuộc lòng cả bức thơ của Đạm Thủy, Tố Tâm ở trong.
Duyên cớ ấy là vì ‘Tố Tâm” mới, mới lắm.
Tác giả nó là
ông Hoàng Ngọc Phách,
một cựu sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, gặp “trở lực” của phái “đạo đức”. Ông Phách
nhiễm sâu phong vị của óc lãng mạn các thi sĩ Pháp. Tâm lý các vai
truyện được tả đúng. Ái tình của họ được diễn đạt một cách châu đáo từ lúc mới
sinh đến lúc kết liễu tàn ác một đời người. Tác giả quyển Phê bình và Cảo luận
nói: “văn mới, truyện mới, cách bố cuộc có trật tự, có cơ mưu,
có lý do, hành động theo tâm lý và giải cấu hợp tự nhiên... Thật là
cuốn sách của người có học và viết nghề”.
“Tố Tâm” tương tự “Khối tình con”, nhưng “Tố Tâm gieo giống lãng mạn bằng phương pháp Âu tây, còn “Khối tình con” gieo bằng văn
thể Tầu.
Ông Hoàng Ngọc Phách đi
cùng với Tản Đà trong chủ nghĩa “than mây khóc gió” khi “cánh hồng bay bổng, tin nhạn vắng tênh” và đã làm cho
nhiều nhà văn Nam kỳ để ý một cách đặc biệt.
Điệu “văn Tản Đà” Âu hóa ấy được làm khuôn mẫu trong một thời gian
khá lâu”.
Kế đó, ông Hồ Biểu Chánh, một
văn nhơn Nam kỳ, chuyên môn về lối văn chương tả chân. Nói đến tác giả của
những quyển: Tỉnh mộng gia đình, Ngọn
cỏ gió đùa, Thầy thông ngôn, Chút phận linh đinh..., nhà phê bình Thiếu Sơn cho ông
Hồ là “một người có kinh nghiệm, hiểu
rộng, biết nhiều về nhân tình thế thái, có quan sát, đã thâu vào cặp mắt tinh thần
được nhiều bức tranh xã hội, một nhà tâm lý đã khám phá được nhiều điều bí ẩn ở tâm giới người
đời”.
Lối văn Hồ Biểu Chánh rõ ràng
vì thiết thật, diễn ra được một “luân lý xưa” đối chọi lại lối văn Hoàng Ngoc Phách bóng
bảy mà lãng mạn. Có người nói điệu văn của tác giả “Tỉnh mộng gia đình”
có tính cách dung hòa, nhưng “lượt bượt”, và, cùng với thời gian, sẽ mất. Dầu sao, sự nghiệp văn chương
của Hồ Biểu Chánh
cũng làm vang động một thời, ông Hồ Biểu Chánh là một nhà văn đáng nhắc nhớ vì cũng cắm
đặng một viên đá trên nền tảng văn chương ở Nam kỳ.
*
Vậy thì, văn chương
ở Nam kỳ từ 1918 tới 1926, trải qua mấy lần thay đổi, bị những phong trào xã hội
in vào. Văn chương
đương tìm đàng đặng được phong phú thêm lại bị làn tư tưởng ô uế làm trở nên ủy mị,
lỏng lẻo. Nhưng cái ảnh hưởng sâu xa của
văn Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, tuy
gieo rắt mầm
lãng mạn trong dân gian mà níu văn chương được ở trong vòng trật tự. Lần lần,
văn chương đượm màu chánh trị, rồi đi qua lối tả chân của Hồ Biều Chánh.
Thời kỳ nầy, văn xuôi ở Nam kỳ
đương thay đổi thì văn vần nằm một chỗ.
Văn Pháp khởi
sự được làm khuôn mẫu cho văn chương Việt nam rồi; nên cách hành văn đã trở nên
gọn gàng và có thứ tự, dễ hiểu.
*
Giai đoạn thứ ba đi từ
1926 đến 1935, ngày báo Sống ra
đời, nghĩa là hai năm sau khi tờ Đồng Nai chết.
Đồng Nai là một cơ quan truyền bá tư tưởng
mới, theo điệu mới, của hạng người mới, đám trí thức
du học ở nước ngoài về Nam kỳ.
Lối năm 1926 - 27 - 28 - 29, thiên hạ
đua nhau gởi con, em qua tận Chánh quốc tìm cách học “mau” và “tắt”. Thình lình nạn kinh tế
khủng hoảng hãi hùng đưa đến. Từ 1930 trở đi, giá lúa gạo sụt xuống quá sức
tưởng tượng. Nhiều điền chủ phải bỏ hoang đất ruộng, chịu thiếu thốn mọi bề,
rút cả con cháu đang học ở Pháp về nhà.
Một
nhóm tân học, trẻ tuổi, hăng hái xuất hiện. Nhóm người chỉ quen với văn chương
Pháp từ lúc còn nhỏ, lại bị thời cuộc ép tập viết quốc ngữ. Sẵn có
sức học, sẵn có tư tưởng chín chắn, sẵn có
lốì viết theo văn Pháp, các ông cứ viết văn quốc ngữ theo cách hành văn Âu tây. Phái
văn nhơn mới gồm có các ông xuất thân ở trường Đại học, nào là y khoa tấn sĩ,
nào cử nhân văn chương, cử nhân luật, cấp bằng Đại học triết lý,
kỹ sư... hợp thành một khôi tinh vi để làm việc đúng đắn, theo một lối mới, có
phương pháp và trật tự.
Các
ông muốn phổ thông một thứ văn chương âu hóa mà gọn hơn của Hoàng Tích Chu.
Thứ văn chương mới, đi từ cá nhân ích kỷ với Tố Tâm đến
chỗ gia đình xã hội. Văn thể có “mùi khoa học” quyết giết chết cái lối viết của
tác giả “nhìn đối tượng bằng
con mắt bao quát để tả một cách lờ mờ cái gì có thể tả tỉ mỉ được”
Chịu ảnh hưởng văn Pháp, lối văn “Đồng Nai” là lối văn tả chân, buộc
nhà văn “bỏ hàng ngũ mình đi sâu vào xã hội để quan sát”, “làm quen với mỗi lớp
ở xã hội, nghĩ với họ, ước vọng với họ, sống cái đời hoàn toàn của họ”.
…
Đó là văn chương đi theo sự sống còn của xã hội, nhứt là xã hội năm 1933: nạn thất nghiệp làm một đám thanh niên có học,
không công ăn việc làm, đâm ra chán nản cuộc đời. Cũng vì sự chán nản ấy mà họ
đưa ra những ý kiến buốn bã, ủy mị.
Trong lúc nhóm “Đồng Nai” hoạt động thì tờ Phụ nữ tân văn
đã ra đời, từ ngày 2 tây tháng năm 1929, đem “phấn son tô điểm sơn hà; làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”, sau khi
tờ Thẩn Chung bị nghỉ, nghỉ
luôn...
Tờ Phụ nữ
tân văn chiếm một địa vị khá cao trong văn giới ở thời kỳ này. Số độc giả rải
khắp ba kỳ. Được như vậy là nhờ có “một văn thể mới, rõ ràng, đọc lên thì hiểu
liền, không dùng chữ cao kỳ mà câu văn có lý thú và xác thực” của ông Phan Khôi, một nhà học giả có sức nho học, biết đem “cái học cũ... sẵn có”
hòa với “cái học mới vào”.
Những bài của
ông viết, đầy tư tưởng, lý luận, đã gây ra một dư luận ngộ nghĩnh về văn chương.
Như tiên sanh
kết án phái “học phiệt” (một hạng người cũng sao có học vấn, có tư tưởng, nhưng phải cái tánh tự cao tự phụ
quá, dường như muốn
chuyên chế dư luận, chỉ lên mặt làm thầy người ta chớ không chịu người ta chỉ trích
đến mình bằng
một bài tựa đề: “Cảnh cáo các nhà “học
phiệt” sau khi đọc
bài trả lời của Trần Trọng Kim
về sự phê bình cuốn Nho giáo”.
…
Phụ nữ tân văn chẳng
những săn sóc nữ giới mà thôi. Phụ nữ tân văn lại còn một cách thiết thật lo
cho xã hội; một “hội chợ phụ nữ” long trọng được tổ chức cách châu đáo ở Sài Gòn. Tiền thâu vào quỹ hội chợ được truất ra “lập
học bổng”. Việc nầy đã thành thiệt sự và hôm nay cũng kết quả: anh học trò tốt phước
được lựa du học bên Pháp vào trường Đại học lâu rồi.
Ảnh hưởng
tờ Phụ nữ tân văn đổì với văn chương
ở Nam kỳ không ít. Văn nhơn viết ra lối văn mới, dễ, gọn và đầy ý nghĩa.
Ngày 22 tháng
giêng 1935, báo Sống ra đời
muốn “gây cho cuộc đời ...một sự sống tươi cười, ấm áp, mạnh mẽ, hoạt động hơn... một cuộc đời đầy bông hoa và
ánh sáng...”; khuyên “ta luôn luôn phải biết vui sống, biết yêu đời” vì “có
biết vui sống, có biết yêu đời thì mới nghĩ làm cho cuộc đời...cho sự sống càng
ngày càng sáng sủa vẻ vang”.
Báo Sống chào sự sông với tôn chỉ nhứt định:
Sống “trình bày cho
quốc dân cái dư luận, cái khuynh hướng chung của người trong nước, làm cho quốc dân
biết cái địa vị, cái thân phận mình trong trường sanh hoạt ganh đua của thế giới;
gây cho nước có một nền văn chương sáng sủa, giản dị, vui vẻ, hợp với sự sống
trong thời kỳ đó; tùy lúc, đem văn chương mà bày tỏ, tả vẽ những cái hay cái
đẹp của phong cảnh non sông, đất nước nhà... để khiến cho ai ai cũng có lòng yêu nòi giống, yêu
đất nước một cách giản dị mà thành thật...”. Báo Sống có
nhiều bài bàn đến vấn đề thực tế như: “Nghề
làm ruộng”, “Dân cày với thầy giáo”, “ vấn đề tơ lụa”... Báo Sống đưa ra một điệu văn nửa cũ nửa
mới: cũ của phái nho học chín chắn; mới của phái tân học viết không sống sượng.
Báo Sống chỉ ra được 31 số rồi đến 15 tháng mười 1935 phải
đình bản. Tuần báo như Sống đáng
lẽ phải sống thêm vì được các bậc học giả ở Nam kỳ chú ý một cách đặc biệt. Báo Sống dầu
có một cái duyên ngắn ngủi với nhà văn nhưng nhà văn không bao giờ quên nó và
vẫn giữ những cảm tình êm dịu với nó vì nó đã có một khuôn mặt “bảnh bao” trên
văn đàn.
Từ 1926 đến
1935, chúng ta có thể nói văn chương ở Nam kỳ tiến nhiều và nhuộm màu sắc quốc gia,
xã hội thây rõ rệt...
Sở dĩ văn chương
ở Nam
kỳ trong
giai đoạn nầy được tấn bộ như vậy là vì, một phần, nhờ ảnh hưởng tốt của nhóm “Tự lực văn đoàn” ngoài Bắc.
Các nhơn vật
trường sanh như “Lý Toét”, “Xã Xệ”, “Bang Bạnh” của phái Nguyễn Tường Tam tạo
ra, các nhân vật ấy được các nhà văn tân học ở Nam kỳ hoan nghênh lắm. Với
giọng khôi hài chua cay, với lối văn “Âu hóa” mới của “Hồn bướm mơ tiên’’ nó mở một kỷ nguyên mới trong văn giới Nam kỳ. Nhà văn đua nhau viết “lối mới” đi một
lượt với các tờ Mai, Đồng Nai, Phụ nữ
tân văn, Sống, như
tờ Đông Dương và với tờ Văn Lang ở mấy năm sau nầy.
Buổi nầy nhà văn dường như
biết dung hòa “văn thể tàu” với “văn thể tây” làm ra một thứ văn chương riêng
cho người Việt Nam:
lối tả tình bằng giọng văn gọn gàng dễ hiểu; tư tưởng xưa và nay quan niệm
có thứ tự của khoa học; cốt chuyện mà
nhà văn đưa ra gần giống với cuộc sống còn
của thế gian; tâm lý của các nhân vật được hiểu rõ cách tinh tường hơn. Những
bộ tiểu thuyết
tình, về gia đình, như Mảnh trăng thu,
Người vợ hiền đăng ở báo Phụ nữ tân văn trước khi xuất bản thành sách, cắm được một cột
trụ lớn trong văn giới ở Nam kỳ.
Tờ Loa cũng đáng nhắc nhở như tờ Tiểu thuỵết thứ bảy. Hai tờ nầy chiếm
một số độc giả
cao trong Nam kỳ. Tờ ‘Tiểu thuyết thứ
bảy” được các lớp ở xã hội Nam kỳ đọc một cách mê mẩn. “Mốt” “Cát Tường” và mục
“Ồng tơ bà nguyệt” của Loa còn
được người ta thỉnh thoảng nói lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét