Khiemnguyen

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Điển tích, điển cố là gì?



Điển tích và sự mở rộng khái niệm điển tích

Ngô Tự Lập

I.  SỐ "HĂM HAI" CỦA NHỮNG NGƯỜI TÙ
Trong thời gian làm luận án ở École Normale Supérieure de Fontenay/ Saint Cloud, tôi được anh bạn người Italia Mauro Usai kể cho nghe một câu chuyện thú vị mà theo anh là nội dung của một bộ phim: Trong nhà giam nọ, đám tù khổ sai, sau mỗi ngày lao động như trâu ngựa dưới đòn roi của cai ngục, chỉ có một thú tiêu khiển là nghe một người trong bọn họ kể chuyện tiếu lâm. Người kể chuyện rất từng trải, có duyên và có tài bịa đặt, nhưng thời gian giam giữ quá lâu, cuối cùng cả kho tiếu lâm lẫn tài bịa đặt của anh ta đều cạn kiệt. Nghe đi nghe lại mãi, đám tù nhân thuộc lòng không chỉ các chuyện mà cả thứ tự của chúng trong vốn liếng của người  bạn tù. Vì thế, thay vì kể chuyện, gã tù nhân có duyên kể chuyện kia chỉ cần xướng lên một con số, chẳng hạn "hăm hai", là tất cả cười ồ. Điều này dần dần trở thành thói quen một cách tự nhiên. Thế rồi một hôm trại có tù nhân mới: chẳng khó khăn gì chúng ta cũng có thể hình dung bộ dạng ngớ ngẩn của anh ta trong khi đám tù nhân cũ ôm bụng cười vì nghe con số "hăm hai" tưởng chừng vô nghĩa ấy.
Thực ra chuyện tù nhân dùng các con số hay các loại ký hiệu khác nhau, trong đó có ký hiệu ngôn ngữ, chẳng hạn tiếng lóng, để thông tin và trốn tránh sự kiểm soát của cai ngục là điều không có gì lạ. Nhưng với tôi, con số hăm hai của đám tù nhân trong câu chuyện thâm thuý này lại gợi những suy nghĩ khác: nó là một ví dụ tuyệt vời về điển tích.
Trong các từ điển hoặc sách giáo khoa, điển tích thường được định nghĩa như là những câu chuyện ghi chép trong sách vở và được trích dẫn hoặc dẫn ý. Cuốn Sổ tay văn học (A Handbook to literature) của C. Huge Holman và William Harmon, chẳng hạn, định nghĩa điển tích là "lối nói dẫn chiếu vắn tắt đến một hình tượng, sự kiện hay đề tài lịch sử và văn học"[1].
Trong tiếng Việt, chúng ta thường gặp hai từ "điển tích" và "điển cố". Từ điển của Nguyễn Văn Khôn viết: "Điển: Kinh điển. Thường. Phép tắc. Chủ trương. Coi sóc việc gì. Cầm cố. Họ. Tích: Xưa, trước, lâu, ban đêm. Họ. Cố: Bền, vững bền. Kín đáo. Sẵn, vốn đã. Nhiều lần. Bỉ lậu. Cố nhiên, tất nhiên. Họ. Điển tích: Sự tích chép trong sách vở xưa. Điển cố: Điển cũ tích xưa; sự tích, luật lệ cũ".
Như vậy, "điển cố" là khái niệm rộng hơn và không chỉ bao gồm những sự tích chép trong sách vở. Tuy nhiên, trên thực tế hai từ này vẫn được dùng lẫn lộn. Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1977) định nghĩa điển cố là "Chuyện chép trong sách cũ" và điển tích là "Sự việc trong kinh sách cũ". Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường, viết trong Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX: "Điển cố: Thuật ngữ của giới nghiên cứu nhằm mô tả một trong những đặc điểm nổi bật của văn học trung đại Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng văn học cổ và trung đại Trung Hoa. Do những nguyên nhân khác nhau, đã hình thành một tâm thế, một phong cách của những người làm văn: trong hành văn thường hay nhắc đến một sự tích xưa hoặc một vài câu thơ, câu văn cổ để diễn tả ý mình, nhưng đây không phải là trích dẫn nguyên văn, mà là lối dùng lại vài chữ cốt gợi nhớ được đến tích cũ ấy, câu văn cổ ấy. Lối này được gọi chung là dùng điển cố, bao gồm phép dùng điển và dùng chữ"[2].
Sự lẫn lộn này thật ra cũng không phải là trầm trọng, và có lẽ nó bắt nguồn từ thực tế là khái niệm "văn" trong các nền văn hoá chịu ảnh hưởng của Trung Quốc rộng hơn nhiều so với khác niệm "văn học" trong các nền văn hoá phương Tây. Vì lẽ đó, nếu trong tiểu luận này tôi dùng thuật ngữ "điển tích" thì cũng xin được hiểu theo nghĩa rộng hơn này.
Tuy nhiên, tôi chỉ có thể đồng ý một nửa với nhận xét trên đây của Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường. Trước hết, quả thật là trong văn học cổ đại và trung đại ở Việt Nam cũng như ở một số nước Viễn Đông, điển tích được được sử dụng rất thường xuyên. Nhưng trong văn học của phương Tây, hay của bất cứ khu vực nào, điển tích cũng được sử dụng nhiều không kém. Ta có thể khẳng định rằng điển tích là một hiện tượng phổ quát: nó được sử dụng rộng rãi ở mọi thời, trong mọi nền văn học.
Thứ hai, mặc dù Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường, cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn học cả ở phương Đông lẫn phương Tây, đã không sai khi đề cập đến điển tích như một nguồn cảm hứng sáng tạo, một kho mô típ, hoặc như một thủ thuật trong cách hành văn, tôi tin rằng sự phổ biến rộng rãi của điển tích có một lý do sâu xa hơn nhiều. (Quan niệm về điển tích như một nguồn cảm hứng hoặc một kỹ thuật như trên cũng phổ biến ở người đọc bình thường. Chính vì thế, dùng điển tích, nhất là dùng nhiều điển tích, cũng giống như dùng nhiều trích dẫn, thường bị coi là một cách để khoe khoang kiến thức và lòe bịp thiên hạ).
Chúng ta hãy thử đặt câu hỏi: Tại sao điển tích được dùng nhiều đến thế? Và nguyên lý vận hành của điển tích là gì?
Theo tôi, mặc dù quả thật trong nhiều trường hợp dùng điển tích đúng là một cách để tác giả khoe khoang kiến thức và lòe bịp thiên hạ, sự phổ biến của điển tích có một lý do là sự tiết kiệm. Nói đúng hơn, đó là nguyên lý tối ưu của giao tiếp nói riêng và của tư duy nói chung: chúng ta luôn hướng tới việc truyền đạt nhiều thông tin nhất với một lượng ngôn từ nhỏ nhất, cũng tức là với khoảng thời gian ngắn nhất là năng lượng tinh thần nhỏ nhất. Chẳng hạn, khi chúng ta nhắc đến con ngựa thành Troy, thực chất là chúng ta gián tiếp kể lại cả một câu chuyện dài về con ngựa khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp chỉ trong một từ ngắn ngủi. Tương tự như vậy, cái tên Sở Khanh dẫn người đọc đến mối tình éo le của Kiều, đến truyện Kiều và đến cả một mẫu người trong xã hội đương thời. Trong giai thoại về đám tù nhân kể bên trên, thay vì kể cả một câu chuyện tiếu lâm, người kể chuyện chỉ cần đưa ra một con số.
Nguyên lý tiết kiệm có thể thấy ở tất cả các hoạt động của con người, và nó đã được Herbert Spencer phân tích trong Nguyên lý của phong cách (The Philosophy of style). Ở đây, tôi chỉ muốn đưa ra những ví dụ minh họa mà thật ra ta chẳng cần phải động não nhiều để có. Quy luật tiết kiệm chính là lý do khiến chúng ta sáng tạo nên những từ viết tắt như OPEC, UN, USA...Đó cũng là lý do khiến chúng ta có xu hướng rút gọn các từ. Người Việt nói con Su thay cho con Suzuki, người Pháp nói prof thay choprofesseur, người Mỹ nói Caddy thay cho Cadillac...
Nguyên lý tiết kiệm cũng chính là lý do khiến chúng ta khó chịu với những kẻ ba hoa, dài dòng. Người Việt có câu: "Rượu ngon uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm cũng hay ra rồ!" Thật ra, chúng ta khó chịu với kẻ dài dòng không phải vì anh /chị ta nói dài. Một bài nó chuyện dài, thậm chí rất dài, nhưng đầy ắp ý tưởng vẫn có thể lôi cuốn người nghe cho đến câu cuối cùng. Những câu chuyện của nàng Sheherazade trong Một nghìn một đêm lẻ đã cứu nàng sống thoát không chỉ vì chúng hấp dẫn mà còn vì chúng kéo đêm này qua đêm khác. Cái khiến chúng ta khó chịu với những kẻ ba hoa, dài dòng là những điều được đề cập đều đã cũ, nói như nhân vật (cũng đã trở thành điển tích) của Vũ Trọng Phụng, "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", hoặc nó có thể được diễn đạt ngắn gọn hơn, nghĩa là tiết kiệm thời gian và sức lực hơn. Hãy thử hình dung tình cảnh lố bịch của một người kể đầu đuôi một câu chuyện tiếu lâm cho những người đã thuộc lòng câu chuyện ấy!
Tiết kiệm chính là bản chất của việc dùng điển tích: thay vì kể cả một câu chuyện dài, người ta có thể, và trên thực thế bắt buộc, chỉ đưa ra một tín hiệu, như con số "hăm hai" của những người tù, cho phép dẫn chiếu đến nó mà thôi.  

II. ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC VÀ ĐIỂN TÍCH ĐỜI SỐNG

Trong câu chuyện về đám tù nhân của Mauro, tại sao khi nghe con số "hăm hai" đám tù nhân cũ phá lên cười, còn gã tù nhân mới lại không? Câu hỏi đưa ta đến một câu hỏi có tính khái quát hơn: cơ chế vận hành của điển tích là gì?
Chẳng cần phải khó khăn lắm, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng để một điển tích vận hành được, cần phải có các điều kiện sau đây:
1. Tính thân thuộc: Điều kiện tiên quyết để sử dụng một điển tích là nó phải được những người trong cuộc biết trước. Nói cách khác, nó phải là một ký ức chung của người dùng điển tích và người nghe điển tích.
2. Tín hiệu hoá (hay mã hoá): "Con ngựa thành Troy" gọi lên câu chuyện chiến tranh ở thành phố Ha Lạp cổ đại kia bởi lẽ nó là một tín hiệu quy ước giữa những người có chung ký ức về câu chuyện ấy. Ở đây, tín hiệu quy ước có vai trò giống như vai trò của cái tên: nó dẫn chiếu đến một cá nhân cụ thể trong xã hội.
3. Phát và nhận tín hiệu: nhưng không phải lúc nào "Con ngựa thành Troy" cũng dẫn chiếu đến cuộc chiến tranh Troy (Chẳng hạn, ta có thể viết một cuốn sách về những người chăn ngựa ở Hy Lạp và trong đàn ngựa của anh ta có một con mua ở Troy). Điều kiện cần thiết để việc dùng điển thực hiện được là tín hiệu phải nằm trong một hệ thống nhất định, cho phép người nghe nhận ra và dẫn chiếu đến ký ức chung tương ứng. 
Trong câu chuyện về những người tù, một quá trình tương tự cũng diễn ra: gã tù nhân mới không cười, bởi lẽ anh ta không biết nội dung câu chuyện mang số "hăm hai", trong khi đám tù nhân cũ đều biết. Nói cách khác, anh ta không có chung với đám tù nhân cũ một ký ức chung mà con số "hăm hai" dẫn chiếu đến khi nó được đặt trong một hệ thống quy ước - ở đây là danh sách các truyện tiếu lâm.
Đến đây, chúng ta có thể suy ra một định nghĩa khái quát hơn về điển tích: Điển tích là một ký ức chung của một cộng đồng người được ký hiệu hoá và có thể được dẫn chiếu đến bằng cách phát và nhận tín hiệu đó trong một hệ thống nhất định.
Trong định nghĩa này, "chung" là một tính từ cực kỳ quan trọng: điển tích chỉ là điển tích đối với những ai chia xẻ ký ức chung về nó. Giống như con số "hăm hai" chỉ là một câu chuyện tiếu lâm đối với đám tù nhân cũ, "Con ngựa thành Troy" chỉ là điển tích đối với những ai đã biết về câu chuyện ấy mà thôi.
Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa điển tích như trên, chúng ta cũng buộc phải chấp nhận rằng khái niệm và vai trò của điển tích cần được mở rộng hơn nhiều so với những cách hiểu thông thường.
Trước hết, bên cạnh các điển tích sách vở chúng ta còn có các điển tích đời sống. Thật vậy, trong cuộc sống hàng ngày, có vô số những câu chuyện, sự kiện, ý tưởng...mà chỉ là chung cho những thành viên của một cộng đồng người nhất định. Đó là những ký ức chung của họ. Cũng giống như các câu chuyện tiếu lâm của đám tù nhân trong câu chuyện của Mauro, những ký ức chung trong cuộc sống cũng được tín hiệu hóa - bằng con số, tên gọi, cử chỉ, hay bất kỳ một dấu hiệu nào đó - mà để dẫn chiếu đến, người ta chỉ cần nhắc đến trong một hệ thống cho phép nhận ra nó.
Điển tích đời sống thực ra là cái được sử dụng thường xuyên hơn ta nghĩ rất nhiều, cả trong giao tiếp, sinh hoạt lẫn trong văn học nghệ thuật, mặc dù thường không mấy ai để ý. Chúng ta có lẽ ai cũng đã từng bị lạc vào một ngày hội lớp, một buổi liên hoan công ty, hay bị ghép vào một bàn tiệc đám cưới với những người hoàn toàn xa lạ: sau mấy câu xã giao, chúng ta hoá thành một kẻ vụng về, ngốc nghếch. Giống như người tù mới trong câu chuyện của Mauro, khi họ cười, chúng ta chẳng hiểu vì sao họ cười, khi họ nổi giận, ta chẳng hiểu vì sao họ giận. Điều này cũng rất rõ và là một phần quan trọng của cái mà chúng ta thường gọi là "cú sốc văn hoá" khi đến một xứ sở khác. Chẳng hạn, tiếng Pháp của bạn có thể không tồi, nhưng nếu chưa từng đến Pháp, bạn có thể phải ngẩn người, trong một toa tàu điện ngầm Paris, trước những điều người Pháp trao đổi với nhau.    
Trong văn học, mọi tác phẩm đều phải dựa trên hay gắn liền với một bối cảnh nhất định, trong đó tác giả cũng như nhân vật trải qua một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông các con đường khác nhau. Chính vì thế để hiểu được một tác phẩm một cách trọn vẹn, người ta không chỉ cần hiểu được các quy luật cú pháp cũng như về ngôn ngữ của một tác phẩm mà còn phải hiểu được bối cảnh ấy, nếu không tác phẩm sẽ bị mất đi rất nhiều giá trị, hoặc đôi khi không thể hiểu được. Tôi xin lấy làm ví dụ cuốn tiểu thuyết nổi tiếngNỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và những truyện ngắn trong tập Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp. Cả hai nhà văn này đều là những nhà văn có thực tài và tôi rất khâm phục. Tuy nhiên, tôi tin (và trên thực tế qua tiếp xúc với khá nhiều người nước ngoài), rằng khi được dịch sang các thứ tiếng phương Tây, cuốn sách của Bảo Ninh sẽ gây được một tiếng vang lớn hơn, thậm chí là lớn hơn nhiều, so với truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Vấn đề ở đây, theo tôi, không phải là văn tài của Nguyễn Huy Thiệp kém hơn, hoặc những người dịch Nguyễn Huy Thiệp kém hơn, mà là tính chất của tác phẩm. Chính ở đây, các điển tích đời sống đã có ảnh hưởng rất lớn.
Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh có cấu trúc hiện đại kiểu phương Tây, các vấn đề tác giả đặt ra là các vấn đề chung của mọi cuộc chiến tranh. Nếu chúng ta đổi các địa danh, thay cây tre bằng cây bạch dương, gọi anh Phương là John hay François.. thì nó sẽ khá giống một cuốn tiểu thuyết của châu Âu. Chính vì thế, khi mới ra mắt, một số người từng bình luận "Hồn Remarque, xác Bảo Ninh". Tôi cho rằng nhận xét như vậy là quá khắt khe. Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh là một tác phẩm độc đáo của Bảo Ninh, của Việt Nam và với tư cách một nhà văn Việt Nam, tôi rất tự hào về nó. Tuy nhiên, nhận xét trên cũng phần nào cho thấy tính phổ quát của những vấn đề được đặt ra trong đó.
 Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thì khác. Truyện ngắn của anh, mặc dù rất sâu sắc và tài hoa, nhưng hàm chứa và dựa vào nhiều vấn đề đặc thù của xã hội người Việt, đặc biệt là người Việt trong giai đoạn mấy chục năm vừa qua. Những người không sống ở hoặc không am hiểu về Việt Nam trong vài thập kỷ trước và sau 1975, sẽ không thể hiểu hết ý nghĩa của những thứ như "sổ đong gạo", "thẻ đoàn viên", "tem phiếu"...và cả những nét chua chát trong những câu nói bình thường đã trở thành thành ngữ. Những người không đọc văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc không thể cảm nhận hết cái hay của thứ văn được Nguyễn Huy Thiệp khai quật và phả vào một tinh thần mới trong Vàng lửa, hay Kiếm sắc. Thậm chí nhiều tên nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp cũng chứa đựng những ám chỉ mà khó có một dịch giả nào có thể chuyển tải trọn vẹn đến cho những người đọc không được chuẩn bị.
Tất nhiên không phải cuốn sách của Bảo Ninh không chứa đựng những vấn đề tương tự, nhưng mức độ ít hơn rất nhiều. Vì thế, việc tiếp nhận tác phẩm của Bảo Ninh thuận lợi hơn đối với các độc giả phương Tây.
Người đọc Việt Nam không gặp phải những khó khăn đó, bởi lẽ họ đã có chung ký ức về tất cả những gì Nguyễn Huy Thiệp gợi lên hay ám chỉ. Vì thế, truyện của anh gợi cho họ cả một không gian, thời gian đầy biến động của đất nước. Những ký ức, hay những điển tích đời sống ấy, khiến cho tác phẩm của anh dày hơn, lung linh hơn và sâu sắc hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng không phải lúc nào những điển tích đời sống cũng ủng hộ anh. Có những chỗ sự ám chỉ khiến văn chương của anh mất đi vẻ tao nhã, có những điều anh đề cập dần dần trở thành thời vụ. Vì thế, mặc dù rất yêu văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, tôi thú thực là sau dăm bảy năm, đọc lại, tôi cảm thấy một số tác phẩm, chẳng hạnTướng về hưu, đã bớt đi một phần sức quyến rũ hồi nào.  
Như thế, trong các tác phẩm văn học, ngoài những điển tích văn học còn có vô số các điển tích đời sống. Việc sử dụng điển tích đời sống mang tính phổ quát hay địa phương ở các mức độ khác nhau tự thân nó không phải là hay hay dở. Nó chỉ thể hiện thiên hướng của chủ thể tác giả, cái mà suy cho cùng cũng được tạo nên bởi hoàn cảnh sống. Điển tích đời sống là cái làm nên không chỉ bầu không khí địa phương hay phổ quát của tác phẩm ở mức độ khác nhau, mà cả giọng văn - bởi, nói như Althusser, cái được coi là giọng văn độc đáo của cá tính tác giả chẳng qua cũng là sự lên tiếng của một hệ tư tưởng cụ thể, thông qua một lập trường chủ thể cụ thể trong một bối cảnh cụ thể mà thôi.

III. KÝ ỨC CỦA TỪ 

Khi nói đến điển tích, ta thường nghĩ đến một câu chuyện hay sự kiện, nhưng thực ra mỗi thành ngữ cũng là một điển tích. Đằng sau những thành ngữ như "ba chân bốn cẳng", "con ông cháu cha", hay "thượng cẳng chân hạ cẳng tay"... rất có thể đã từng có một câu chuyện nay đã thất truyền, nhưng ngay cả những thành ngữ như "mắt ốc nhồi", "đồ mặt mo"...cũng dẫn chiếu đến một ký ức chung, cái gọi là "nghĩa" của thành ngữ.
Tương tự như vậy, mỗi từ, khi được phát âm hay viết ra trên giấy trong một hệ thống nhất định, thật ra chỉ là một thứ ký hiệu được quy ước dẫn chiếu đến một sự vật hay hiện tượng trong thiên nhiên hay xã hội, cái thường được gọi là "nghĩa". Đó chính là một thứ điển tích. Giống như đối với bất kỳ loại điển tích nào, nội dung của nó, ở đây là "nghĩa" của từ, chính là ký ức chung của một cộng đồng người. Chẳng hạn, khi âm "MA" được phát lên, người Việt nghĩ đến "bóng ma", trong khi người Pháp hiểu là "của tôi", còn người Italia lại hiểu là "nhưng". Đối với những người không có chung ký ức đó, "MA" là một âm thanh hoàn toàn vô nghĩa. Điều này cho ta thấy rằng từ vựng của một ngôn ngữ là tập hợp các điển tích đời sống của một dân tộc, và một cuốn từ điển giải nghĩa của bất kỳ thứ tiếng nào về bản chất cũng chỉ là một cuốn sưu tầm điển tích đời sống của dân tộc nói thứ tiếng ấy mà thôi.
Vì mỗi từ về bản chất là những điển tích, chúng có những đặc điểm quan trọng sau đây:
1. Tính nhập nhằng của ngữ nghĩa: Điều này tôi đã có dịp bàn đến trong một số bài viết khác. Nghĩa của từ là ký ức chung, được hình thành một cách ngẫu nhiên, của một cộng đồng người tương ứng với vỏ âm thanh của nó, vì thế nó không bao giờ là đồng nhất đối với các thành viên khác nhau trong cộng đồng. "Cánh đồng làng", chẳng hạn, đối với nhiều người, nhất là những người từng sống ở nông thôn, là cả một thế giới giàu có, gần gũi, thì đối với một số người khác nó đồng nghĩa với bùn lầy và nghèo khổ. Tôi nhớ đến một nghiên cứu thú vị mà tôi tình cờ đọc được đâu đó trong một tờ báo Pháp. Tại một trường tiểu học ở Paris, người ta yêu cầu các em học sinh vẽ hình con gà. Kết quả là hơn một nửa số em vẽ những con gà đã bị vặt lông, chặt đầu chặt chân, đặt trên đĩa hoặc trong tủ kính. Con gà đối với các em chỉ đơn thuần là một thứ thực phẩm mà thôi!
Nghĩa của từ, và do đó cả tính nhập nhằng của nó, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tầng lớp xã hội, địa phương, giới tính, giáo dục, độ tuổi...Trong một số trường hợp, một từ có thể có những nghĩa hoàn toàn trái ngược ngay trong một cộng đồng ngôn ngữ. Ví dụ điển hình nhất là cuộc tranh cãi kéo dài nhiều thế hệ về các tên gọi "tôm - tép" và "cào cào - châu chấu". Nhiều cuộc xô xát, thậm chí án mạng đã từng xảy ra vì chuyện "tôm tép" này. Điều thú vị là lý luận của hai bên bao giờ cũng giống hệt nhau:
Một bên: "Tôm là tôm, cá là cá. Tép là con giống tôm nhưng không bao giờ lớn thành tôm được!"; Bên kia: "Đúng vậy, tôm là tôm, cá là cá. Tép con giống như cá nhưng không bao giờ lớn thành cá được!"
Và:
Một bên: "Cào cào đầu bằng, sao lại gọi là châu chấu!"; còn bên kia: "Chính châu chấu mới đầu bằng, sao lại lại gọi là cào cào!" 
Những hoàn cảnh sống đặc biệt là nguyên nhân làm nảy sinh những từ hoặc nghĩa chỉ lưu hành trong một cộng đồng hẹp hoặc rất hẹp, như những từ chuyên môn hay từ lóng. Những từ lóng trong nhà tù đôi khi còn được tạo ra một cách cố ý do nhu cầu phải trốn tránh sự kiểm soát của cai ngục hoặc giải toả những bức xúc tâm sinh lý quá nặng nề. Quan hệ tình cảm cũng là một lĩnh vực cần đến nhiều từ như thế: mỗi gia đình đều có những từ chỉ riêng họ biết, mỗi cặp tình nhân đều có những biệt ngữ cho những điều thầm kín của mình.  
2. Sự biến đổi của ngữ nghĩa: Số phận của từ ngữ cũng giống như số phận con người, cũng có sinh lão bệnh tử, cũng có nhục có vinh, cũng có rủi ro, may mắn... Thử mở một tác phẩm văn học chỉ cách đây vài chục năm, chúng ta sẽ thấy rằng rất nhiều từ hay cụm từ, như "tiêu chuẩn", "hợp tác", "đồng chí", "tư tưởng"..., đã thay đổi rất nhiều về nghĩa. Rất nhiều từ và cụm từ khác, như "sổ gạo", "chính uỷ", "vừa hồng vừa chuyên"..., thậm chí đã biến mất khỏi cuộc sống hàng ngày.
Sự thay đổi như vậy không riêng cho một thứ tiếng nào hay thời đại nào, mặc dù nhiều khi nó bị các học giả lên án. Thời nào, ở nước nào, cũng có những người lo sợ rằng ngôn ngữ đang bị thoái hoá và hô hào "bảo vệ sự trong sáng" của nó. Ở Anh chẳng hạn, trong thời kỳ Khai Sáng, các tác giả như Dryen, Swift... cho rằng tiếng Anh ngày càng tồi tệ so với thời huy hoàng trong quá khứ của nó, rằng trong tương lai người Anh sẽ không còn hiểu được tác phẩm của các nhà văn tiền bối, vì thế cần phải thanh lọc và ngăn chặn sự biến đổi của ngôn ngữ sao cho nó ổn định và trong sáng như tiếng Latin. Họ đã thất bại, bởi không hiểu rằng sự vận động của ngôn ngữ là tất yếu, không ngừng và không tuân theo những ý muốn chủ quan. Hơn nữa, sự vận động không ngừng ấy chính dấu hiệu của một ngôn ngữ sống: sự vận động của ngôn ngữ phản ánh sự vận động của cuộc sống xã hội.
Việc thay đổi ngữ nghĩa khiến cho sự tiếp nhận đôi khi gặp khó khăn. Nhưng với tư cách là một ký ức có tính lịch sử, ngữ nghĩa và sự thay đổi của nó cũng là một yếu tố quan trọng để tạo nên và lưu giữ màu sắc thời đại của tác phẩm. Có lẽ chính vì thế mà rất nhiều người theo đạo Thiên Chúa ở các nước nói tiếng Anh không ưa thích bản Kinh Thánh mới (The New International Version) bằng bản King James. Những danh từ cổ, những đại từ và đuôi động từ nay không còn dùng nữa đem lại cho bản dịch cũ cái không khí và vẻ đẹp xa xăm, huyền bí và dường như cả âm hưởng linh thiêng của giọng nói Đức Jesus Christ từ hai ngàn năm về trước.
3. Sự xâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau: Sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các ngôn ngữ cũng là hiện tượng phổ biến, trong đó đáng chú ý nhất đối với chúng ta là sự vay mượn từ vựng. Đây cũng là một hiện tượng gây nhiều tranh cãi. Những người phản đối lập luận rằng tại sao chúng ta phải nói "M.C", "book" hay "marketing" trong khi có thể nói "Người dẫn chương trình", "đặt trước" và "tiếp thị"? Người ủng hộ thì cho rằng phải dùng từ vay mượn mới chuyển tải hết được ý nghĩa. Theo tôi, sở dĩ sự vay mượn từ vựng mang tính phổ quát là vì nó đáp ứng một nhu cầu có thật, mặc dù đó không phải là nhu cầu ngôn ngữ mà là nhu cầu văn hoá-xã hội. Thật ra mọi ngôn ngữ hoàn toàn bình đẳng về khả năng, và khi có nhu cầu về ngữ pháp hay từ vựng, nó luôn luôn có khả năng đáp ứng đầy đủ và hoàn hảo. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên, đặc điểm của nền sản xuất cũng như trình độ phát triển của các xã hội, cái đứng sau sự phát triển của ngôn ngữ, không bao giờ giống nhau tuyệt đối. Khi người châu Á và châu Âu lần đầu tiên trông thấy quả cà chua, dĩ nhiên họ cần phải gọi tên nó. Họ có hai cách lựa chọn: hoặc tạo ra một từ mới từ vốn từ của mình (như người Việt đã làm), hoặc vay mượn một từ mới (là cách của người Pháp với tomate, hay người Anh với tomato). Trong cả hai trường hợp, họ tiếp nhận vào bộ nhớ của mình một ký ức mới về một loại quả mới được ký hiệu bằng một từ mới. Một quá trình tương tự luôn diễn ra mỗi lần người ta gặp một sự vật hay hiện tượng mới, nhưng không ai có thể chỉ ra quy luật tại sao một cộng đồng người, trong những hoàn cảnh cụ thể, lại lựa chọn cách này hay cách kia.
Sự vay mượn không chỉ diễn ra khi có sự vật hay hiện tượng mới: một người bán quần áo đắt tiền ở Anh có thể thích đề biển hiệu La boutique hơn là Shop, trong khi một sinh viên Pháp có thể lại dùng emailthay cho courrier electronique, còn các cô cậu choai choai ở Việt Nam lại dùng "Nick-name" chứ không phải là "biệt danh" hay "tên lóng" để chat chít với nhau. Lý do ở đây thật ra không có gì khác với lý do hình thành tiếng lóng: bằng cách thay đổi ký hiệu, người ta giới hạn những người có chung ký ức vào một đối tượng riêng biệt, và thông qua đó nhấn mạnh một số đặc điểm mang tính văn hoá xã hội: giai cấp, học vấn, thị hiếu, giới tính, thiên hướng chính trị...Dick Leith viết trong cuốn Lịch sử xã hội học tiếng Anh: "Vì người dân bình thường có thể  bị choáng trước những câu nói cao siêu, trong giới thượng lưu nảy sinh nhu cầu dùng từ ngoại quốc"[3]. Đôi khi người ta vay mượn từ ngoại quốc vì nhu cầu cái mới. Giống như những người kể chuyện tiếu lâm không thể kể mãi một kiểu, trong cuộc sống có những lúc người ta muốn một hình thức đặc biệt hơn cho một nội dung đã cũ: khi cần tỏ ra lịch sự, khi chia buồn hay đơn thuần là muốn thay đổi một cái gì đó đã lỗi mốt. 
Nguyên nhân thứ ba là sự thống trị về mặt chính trị mà một dân tộc áp đặt lên dân tộc khác. Trong trường hợp này, dân tộc bị thống trị buộc phải sử dụng ngôn ngữ của dân tộc thống trị trong hành chính, giáo dục và đôi khi, như trường hợp Việt Nam thời Bắc thuộc hay nước Anh dưới sự thống trị của người Norman, cả trong văn học nữa.  
Cuối cùng, sự vay mượn có thể diễn ra đơn giản do sức ép về văn hoá. Các dân tộc có nền văn hoá phát triển thường tạo nên những hình mẫu văn hoá có sức hút rất lớn đối với các dân tộc kém phát triển hơn. Trong vô số tiếp thu ảnh hưởng, người dân các dân tộc kém phát triển nhìn nhận những từ vay mượn như là dấu hiệu của sự văn minh. Những ví dụ hay được nhắc đến của các hình mẫu đó là Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa cổ đại và có lẽ là Hoa Kỳ ngày nay.
Ba đặc điểm trên đây cho ta thấy nghĩa của từ phụ thuộc vào các điều kiện lịch sử, xã hội và trải nghiệm cá nhân của đến mức nào. Và đó chính là nguồn gốc tính biểu cảm của ngôn từ, cái có vai trò vô cùng to lớn trong văn học, đặc biệt là trong thơ. Trong tiếp nhận của mỗi người, nghĩa của từ, cái ký ức chung giả định kia, giống như một cánh bướm mong manh, chấp chới, không ngừng biến đổi. Vì mỗi từ, về bản chất, là một điển tích, đúng hơn là một điển tích cuộc sống, nó bao giờ cũng chỉ được hiểu một cách tương đối, gần đúng. Nó biến đổi cùng với cuộc sống, và tuỳ  thuộc vào sự am hiểu và tâm trạng của mỗi người mà nó có một trường ngữ nghĩa cụ thể. Việc tìm một điển tích tương đương cho nó trong một ngôn ngữ khác càng khó khăn hơn gấp bội. Tôi có đọc ở đâu đó một bài báo khoa học, rằng khi dịch từ tiếng nọ sang tiếng kia, người ta chỉ có thể có không tới 300 từ tương ứng với nhau một cách cơ bản về ngữ nghĩa. Nếu xem xét cả các khác biệt về ngữ pháp và truyền thống văn hoá, điều đó có nghĩa là lối dịchmot-à-mot trên thực tế không tồn tại.
Để hiểu được một tác phẩm nghệ thuật chúng ta không thể tách rời cội nguồn xã hội, văn hoá và lịch sử đã nuôi nấng và đã cấp cho các từ, cũng như các đơn vị lớn hơn từ, những ý nghĩa cụ thể của chúng. Những điều này chúng tôi nói về ngôn từ, nhưng cũng đúng với những sự vật khác: mỗi dáng cây, thế núi hay màu sắc, hương vị gợi nhớ về những ký ức khác nhau. Nhạc sĩ Lê Tâm kể rằng trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, anh thường xuyên phải lao động bên cạnh một xưởng nấu nước mắm. Cùng với một băng nhạc ABBA, mùi nước mắm trở thành bạn đồng hành của anh trong mấy năm liền. Sau này, mỗi lần nghe nhạc ABBA anh lại ngửi thấy mùi nước mắm!
Vì vậy, nghiên cứu tác phẩm chỉ căn cứ vào văn bản chỉ là một ảo tưởng mà thôi.
  
Hà Nội, 1997
Sửa lại lần cuối tại Normal, 2003.


 


[1] "Allusion: A figure of speech that makes brief reference to a historical or literary figure, event, or subject". C. Huge Holman and William Harmon, A Handbook to literature, Macmillan, USA, 1992, p.13.
[2] Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường, Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX:  Giáo Dục, Hà Nội, 1999, tr. 142-143.   
[3] "Since ordinary people might be impressed by a high-sounding utterance, there is a demand among elites for foreign vocabulary".  Dick Leith, A Social History of English, Routledge & Kegan Paul, London, 1983, p.64.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét