Khiemnguyen

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Sự nghiệp báo chí của Ngô Tất Tố



I. QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ THÀNH TỰU BÁO CHÍ CỦA NGÔ TẤT TỐ
Hoạt động báo chí của Ngô Tất Tố trải rộng từ Bắc vào Nam, trải dài theo thời gian gần hai mươi năm và phong phú trên hàng chục tờ báo. Có thể hình dung quá trình hoạt động báo chí của Ngô Tất Tố như sau:
Thời kỳ 1926 -1929, đời viết báo của Ngô Tất Tố bắt đầu năm 1926 khi ông cộng tác cùng với Tản Đà ở An Nam tạp chí. Sau đó, ông vào Sài Gòn dự kiến viết cho An Nam tạp chí nhưng không thành và ở lại viết cho Đông Pháp thời báo theo lời mời của Diệp Văn Kỳ, phụ trách mục văn chương. Ông dịch các truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết Trung Hoa. Trên Thần chung, Ngô Tất Tố viết chuyên luận, dịch thơ...
Thời kỳ 1930-1935, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội, viết cho các tờ Phổ thông với chuyên mục Gặp đâu nói đấy: Đông Phương với chuyên mục Nói chơi; Thực nghiệp dân báo với chuyên mục Chuyện giữa giời; trên Công dân đăng nhiều kỳ phóng sự Dao cầu thuyền tán và các tiểu phẩm, ký sự trên các báo khác như Ngọ báo, Công luận, Đông Pháp, Đuốc nhà Nam..
Thời kỳ 1936-1939, thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Ngô Tất Tố viết và xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị. Tiểu phẩm Ngô Tất Tố đã trở thành vũ khí sắc bén vạch mặt bọn thực dân, phong kiến tay sai và lên tiếng bênh vực người nông dân nghèo khổ. Truyện Một ổ chó và một đứa con được đăng lần đầu trên Tương lai năm 1936 và Việt nữ năm 1937 đăng toàn truyện Tắt đèn. Truyện lịch sử Vua Tây chúa Nguyễn, tiểu thuyết dã sử Trong rừng Nho được in trên Tiểu thuyết thứ Ba. Ông viết nhiều trên Thời vụ báo năm 1938-1939 với các chuyên mục Gặp đâu nói đấy, Thật hay bỡn, Làng tôi, Đời dân quê, Thời sự, Quốc tế...; trên báo Tương lai với chuyên mục Nói mà chơi; trên báo Con ong là chuyên mục Ném bùn sang ao. Đây cũng là thời kỳ Ngô Tất Tố viết tiểu thuyết Lều chõng, phóng sự Tập án cái đình, Làm no hay cái ăn trong những ngày nước ngập, bài phê bình Đã đến lúc phải phê bình lại bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim và những ký sự, truyện ngắn, chân dung văn học...
Thời kỳ 1940-1945, số lượng các bài báo của Ngô Tất Tố chiếm khối lượng lớn, khoảng 50% trên tổng số tác phẩm báo chí của ông, chủ yếu trên tờ Đông Pháp. Với Đông Pháp, Ngô Tất Tố xuất hiện đều đặn với chuyên mục Chuyện hàng ngày và các truyện dài (dịch): Bóng Lê tàn tức Hoàng Lê nhất thống chí, Một đêm đầu bạc, Tiếng tiêu đỉnh núi; trên Trung Bắc Chủ nhật với chuyên mục Thơ và Tình; phóng sự Việc làng trước khi in thành sách được đăng trên Hà Nội tân văn.
Thời kỳ 1945-1954, sau khi tham gia Cách mạng tháng Tám ở quê, ông nhanh chóng hòa nhập vào đội ngũ văn nghệ sĩ phục vụ cách mạng. Từ năm 1947 đến 1954, trên chiến khu Việt Bắc Ngô Tất Tố viết cho tập san Văn nghệ, báo Cứu Quốc, Cứu quốc Thủ đô, Cứu quốc khu XII, Thông tin khu XII với các tác phẩm Quà Tết bộ đội, Buổi chợ Trung du, Gửi bạn, Vĩnh Thuỵ ca, vở chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác.
Ngô Tất Tố đã cộng tác và viết bài cho 27 tờ báo, tạp chí: An Nam tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Phổ thông, Ngọ báo, Công luận, Đuốc nhà Nam, Thực nghiệp dân báo, Đông Phương, Công dân, Tương lai, Tiểu thuyết thứ ba, Tao đàn, Việt Nữ, Con ong, Đông Pháp, Thời vụ, Hà Nội tân văn, Trung Bắc Chủ nhật, Trung Bắc tân văn, Ngày mai, Tri tân, Văn nghệ, Cứu quốc, Cứu quốc Thủ đô, Cứu quốc khu XII, Thông tin khu XII... với hàng chục bút danh là: Thiết Khẩu Nhi, Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Tuệ Nhỡn, Đạm Hiên, Thuyết Hải, Xuân Trào, Dân Chơi, Cối Giang, Hy Cừ, Ngô Tất Tố và một số bút danh mới được ông Cao Đắc Điểm phát hiện như: Tống Lang Ngô Tất Tố, Tống Lang, Lộc Hà Ngô Tất Tố, Kim Ngô, Ngoan Tiên cùng những bút danh viết tắt từ tên chính là T, T.T, N.T.T, Ng. T.T, Ng.t.T và những bút danh viết tắt từ Xuân Trào, Thuyết Hải, Hy Cừ là X.T, T.H, H.C. Một s bút danh xếp vào loại tn nghi, chủ yếu trên Đông Pháp như: TH.H, Chàng Nam, Chàng Quy, Thần Phong, Tiên Dung, X, Z. Theo Vũ Bằng, Ngô Tất T còn có bút danh X.Y.Z và A.B.C. Những chuyên mục chính mà nhà báo Ngô Tất T đã giữ trên các báo là: Chuyện hàng ngày, Nói mà chơi, Nói chơi, Gặp đâu nói đấy, Thật hay bỡn, Nói hay đừng, Ném bùn sang ao, Đời dân quê, Chuyện làng tôi, Thơ và Tình...
Thời kỳ Ngô Tất T viết cho Đông Pháp thời báo trong những năm 1927-1928 ở Sài Gòn trên 100 bài, Báo Thời vụ, Hà Nội năm 1938-1939 là gần 300 bài, Báo Đông Pháp những năm từ 1940-1945, Ngô Tất Tố viết gần 700 bài. Tổng cộng hơn một ngàn ba trăm tác phẩm báo chí gổm nhiều thể loại và trên nhiều tờ báo trong đời làm báo của ông. Trong hai năm 1939-1940, cùng lúc Ngô Tất Tố viết cho 6 tờ báo và cho ra đời nhiều sáng tác ở các thể loại khác.
Thành tựu báo chí của Ngô Tất Tố không chỉ thể hiện ở những con số ấn tượng mà hơn hết, thể hiện ở những giá trị đặc sắc trong nội dung cũng như nghệ thuật báo chí.
II. NHNG ĐIỂM ĐẶC SẮC TRONG BÁO CHÍ CỦA NGÔ TẤT TỐ
1. Bản lĩnh của ngòi bút báo chí Ngô Tất Tố
Có thể nói, tính chiến đấu là đặc điểm nổi bật của ngòi bút Ngô Tất Tố, một ngòi bút không sợ mọi áp lực và cường quyền, một ngòi bút kiên cường bảo vệ những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhà báo Ngô Tất Tố sống và viết trong điều kiện hết sức khó khăn dưới chế độ thực dân phong kiến, một chế độ mất dân chủ tước đoạt quyền tự do của người viết. Nhiều tờ báo bị đóng cửa vì không phục tùng những đường lối của giai cấp thống trị, nhiều nhà báo bị tù đày, phạt tiền, treo bút vì dám viết trái ý với những luật lệ thiếu công bằng của xã hội. Ngô Tất Tố đã vượt qua mọi trở lực và những bài báo của tác giả là những mũi nhọn châm biếm đả kích trực diện vào chế độ thực dân phong kiến. Ngô Tất Tố đã hiểu bản chất, bộ mặt thật của những tên thực dân, từ toàn quyền, thống sứ, công sứ đến những loại Tây đoan mạt hạng và tác giả tiến hành một sự phê phán có hiệu quả, vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển linh hoạt, đòn thấm đau nhưng đối phương cũng khó phản kích lại. Ngô Tất Tố đã phê phán trực diện chế độ thực dân tàn ác và hành động của từng cá thể mà mọi người thường gọi là “ông Tây”.
Trong các tiểu phẩm báo chí, Ngô Tất Tố cũng đề cập đến nạn thuế khóa nặng nề nhưng dường như ông dành những chuyện thuế khoá cho một tác phẩm có tầm cỡ, có tiếng nói phản kháng mạnh mẽ hơn đó là tiểu thuyết Tắt đèn. Ngô Tất Tố bằng ngòi bút châm biếm đã khai thác những xung đột một cách quyết liệt, mạnh mẽ, những bi kịch, những thảm trạng, tố cáo những tội ác của bọn cường hào hương lý ở thôn quê.
2. Sự cảm thương và nỗi khổ của người dân quê
Ngô Tất Tố là nhà văn của nông thôn, ông sống giữa làng quê gần gũi gắn bó với người nông dân gia đình vợ con đều là nông dân và những trang sách báo ông viết ra phần lớn đều giành cho nông dân. Những bài báo Ngô Tất Tố viết về làng quê không chỉ là sự phản ánh nỗi khổ của người nông dân, những bất công ở nông thôn, bộ mặt xấu xa của bọn cường hào lý dịch mà thực chất là những lời tố cáo, những luận chiến để bảo vệ chính nghĩa. Trên báo Thời vụ những năm 1938-1939, với các chuyên mục Làng tôi, Đời dân quê, Ngô Tất Tố đã viết hàng chục bài báo về thực trạng thôn quê, về những câu chuyện sau lũy tre, về chính sách của nhà nước đối với nông thôn....
Tất cả những bài báo đều có những nội dung xã hội phong phú, có căn cứ thực tế và có tính thuyết phục nhằm tiến công vào chế độ thực dân phong kiến. Ngòi bút dũng cảm giàu khí phách, đả kích mạnh mẽ, châm biếm sắc sảo, thâm thúy cộng với những cuốn tiểu thuyết có giá trị về làng quê đã đưa ông lên vị trí smột của những nhà văn, nhà báo viết về nông thôn Việt Nam.
3. Ý thức bảo vệ những giá trị văn hóa dân tộc và tinh thần phê phán hủ tục
Báo chí Ngô Tất Tố không thu hẹp trong phạm vi của nông thôn mà còn mở ra đến những vấn đề của sinh hoạt thành thị, của những hoạt động văn hóa đương thời. Nhà Nho Ngô Tất Tố trong các tiểu phẩm báo chí đã có ý thức bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống. Ông không phải là người thủ cựu mà hiểu rõ những quy luật đổi thay của xã hội và ông chấp nhận những tiến bộ văn minh của đời sống. Ngay cách lựa chọn đề tài, triển khai câu chuyện, miêu tả nhân vật, vận dụng ngôn từ nhiều lúc mang tính chất hiện đại của những cây bút đang sung sức, đang hòa nhập với xã hội.
Những vấn đề về giá trị tinh thần của truyền thống dân tộc ở nông thôn được Ngô Tất Tố đề cập đến trong nhiều loại hình sáng tác, tiểu phẩm truyện ký, tiểu thuyết. Tác giả đã phê phán những bất công trong đời sống xã hội, người dân bị tước đoạt nhân quyền, các giá trị tinh thần ở làng quê hao mòn tổn hại, nông thôn mất dần đi nhiều nét đẹp xưa, phần vì những tệ nạn xã hội phát triển, phần vì đời sống người nông dân ngày càng nghèo khổ không vượt lên được những cảnh ngộ đau khổ của riêng mình.
Với môi trường thành thị, Ngô Tất Tố đã chỉ ra những trò lố lăng, những chuyện sai trái, những tệ nạn của một bọn người hoạt động về báo chí, về văn học nhưng không góp phần vào việc phát triển về đạo đức, xây dựng nề nếp và những đạo lý tốt đẹp cho xã hội. Ngô Tất Tố cũng phê phán một số tệ nạn xã hội như trò đng bóng mê tín, nạn lang băm hành nghề... những vấn đề đặt ra không nhiều, không thuần tuý là ghi chép mà nặng về tranh luận và phê phán.
4. Bút pháp nghệ thuật báo chí Ngô Tất Tố
Báo chí Ngô Tất Tố được khơi nguổn từ những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống chính trị xã hội mà người viết đã biết chọn lọc khai thác có hiệu quả và góp phần giải quyết đúng phương hướng và quy luật phát triển của xã hội. Khơi ngun và bi đắp cho những bài viết là vốn văn hóa dân tộc, văn hoá của phương Đông giàu có của tác giả. Qua các bài báo Ngô Tất Tố luôn vận dụng sáng tạo vốn văn học truyền thống của dân tộc từ ca dao tục ngữ cho đến những tác phẩm cổ điển như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, những liên hệ so sánh đều thích hợp, chính xác và sáng tạo. Ngoài vốn văn học được vận dụng trong những tác phẩm báo chí Ngô Tất Tố đã khai thác và vận dụng có hiệu quả những chuyện cổ của phương Đông về triết học, đạo đức luân lý.
Tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố còn được thể hiện thành thục với một thi pháp và phong cách sáng tạo có hiệu quả về mặt nghệ thuật. Người ta thường nhắc đến như một hiện tượng sóng đôi, gần gũi và bù đắp cho nhau của tiểu phẩm báo chí Ngô Tất Tố và tiểu phẩm văn học, nhiều lúc rất khó phân biệt đâu là tiểu phẩm văn học đâu là báo chí.
Sắc sảo và thời sự, tính chính luận chặt chẽ kết hợp với sự hài hước châm biếm thâm thúy, điều này thể hiện ở hầu hết các tiểu phẩm in trên báo chí của nhà văn Ngô Tất Tố. Ngô Tất Tố không chỉ dừng lại trong các bài báo, tiểu phẩm ở sự chuyển tải thông tin thuần tuý chính xác mà ông còn là cây bút dũng cảm, mũi nhọn, trung thực và thẳng thắn kiên quyết chống lại những bất công ngang trái của xã hội. Ngôn ngữ trong các tiểu phẩm văn học và báo chí của Ngô Tất Tố luôn thể hiện thái độ dũng cảm, thẳng thắn của ngòi bút.
Tiểu phẩm của Ngô Tất Tố thường nói về việc thật, người thật mà rất ít khi dùng tính phiếm chỉ. Nghệ thuật so sánh thường được Ngô Tất Tố dùng trong các bài báo để xây dựng lên những hình tượng độc đáo, hấp dẫn.Vốn ngôn ngữ dân gian như các thành ngữ, tục ngữ, lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động được Ngô Tất Tố sử dụng một cách linh hoạt trong sáng tác.
*
Ngô Tất Tố đã tạo dựng cho mình một sự nghiệp sáng tác báo chí phong phú, đổ sộ. Gần hai mươi năm viết báo, ông đã viết hàng trăm tiểu phẩm, nếu tính số lượng tất cả các bài in báo con số còn lớn hơn rất nhiều. Những bài báo có hệ thống gắn với thực tế đời sống, đề xuất những vấn đề cấp bách, hệ trọng của đời sống xã hội. Trong hoạt động báo chí, Ngô Tất Tố đã thể hiện rất rõ bản lĩnh, tri thc và tài năng của môt nhà báo xuất sắc. Quan điểm báo chí của Ngô Tất Tố là những luận điểm có tính chất lý luận sâu sắc về báo chí nhưng không phải là những điều cao xa có tính chất sách vở mà là những đúc rút từ thực tiễn, kinh nghiệm làm báo của ông: nhà báo phải trung thực, sát thực với cuộc sống, có trách nhiệm, đạo đức với công việc cũng như phải có tri thức, văn hóa; hoạt động báo chí phải hướng tới sự chuyên nghiệp; mỗi tờ báo phải có tôn chỉ, mục đích, quan điểm rõ ràng; sự tôn trọng độc giả, coi độc giả là thước đo, đánh giá giá trị của tờ báo... Ngày nay, quan điểm báo chí của Ngô Tất Tố vẫn phù hợp và có giá trị, nhất là đối với báo chí trong nền kinh tế' thị trường, những điều ông đề cập càng có ý nghĩa về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Với tất cả những giá trị đó, có thể khẳng định Ngô Tất Tố là một nhà báo lớn của thế kỷ XX.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét