Khiemnguyen

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Truyền thông đa phương tiện (phần 1)


(Nguyễn Bùi Khiêm) Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật trong các lĩnh vực đăng tải, in ấn tạp chí, báo, sự phát triển các công nghệ phát thanh truyền hình và đặc biệt là internet đã tạo ra sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu. Mạng internet bao phủ toàn cầu, nhờ đó mà người sử dụng có khả năng nhận được thông tin cần thiết từ các hãng tin một cách dễ dàng. Sự xâm nhập của tiến bộ khoa học kĩ thuật vào các hoạt động báo chí là điều rõ ràng và dễ nhận thấy. Việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, truyền tải dữ liệu xuyên biên giới, việc hình thành mạng lưới thông tin toàn cầu đã góp phần đưa tin tức nhanh chóng tới công chúng. Điều đó là cần thiết cho một xã hội đang phát triển nhanh. Các cơ quan báo chí muốn theo kịp trình độ phát triển chung của xã hội thì cần phải đẩy mạnh việc khai thác sự đa dạng của thông tin, không thể bó hẹp thông tin trong phạm vi một quốc gia hay một khu vực cũng như không thể giới hạn trong một phương thức truyền thông cụ thể nào. Đó là tiền đề cho sự ra đời của phương thức truyền thông đa phương tiện.
Trong tiếng Anh, “Multimedia” được dịch là “truyền thông đa phương tiện”, có nghĩa là truyền tải một thông điệp bằng sự kết hợp của ngôn ngữ viết, ảnh, video, âm thanh, thiết kế đồ họa và các phương thức tương tác khác; các  hình thức thể hiện đa diện góp phần tạo nên câu chuyện thuyết phục nhất và đầy đủ thông tin nhất. Với sự hỗ trợ của các thành tựu khoa học và công nghệ, truyền thông đa phương tiện chính là tương lai của sự phát triển.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, các loại hình báo chí truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình luôn có sự độc lập tương đối với nhau với những đặc thù và thế mạnh riêng. Sự bùng nổ của Internet đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội của con người và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí thế giới. Trước hết, sự ra đời của báo điện tử (còn gọi là báo mạng), thông tin được cung cấp cho công chúng theo hình thức đa phương tiện sinh động, hấp dẫn hơn. Theo hình thức truyền thông thông thường, với một loại hình báo chí thông tin được truyền tải mang tính chất đơn nhất, công chúng chỉ có thể được tiếp cận thông tin bằng cách đọc, nghe hoặc xem, nhưng với phương thức truyền thông đa phương tiện, tính chất đơn nhất ấy đã bị phá vỡ, khi thể hiện một nội dung thông tin trên các website, người ta có thể vừa thể hiện bằng bản chữ viết (text), vừa trình bày hoặc minh họa hoặc bằng hình ảnh (picture, video), âm thanh (audio) đó là phương thức truyền tải thông tin đặc thù củatruyền thông đa phương tiện. Với cách tiếp cận này, công chúng được tiếp nhận thông tin bằng cách thoả mãn các giác quan khác nhau, tạo nên hiệu ứng tương tác mạnh mẽ nhất so với các loại hình truyền thông truyền thống, và trong một thời gian hình thành và phát triển ngắn, loại hình truyền thông đa phương tiện đã có một vị trí khá vững chắc và khẳng định sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất về mặt phương thức truyền thông cả hiện tại và tương lai.
Công nghệ truyền thông là công nghệ tổng hợp các công nghệ truyền tải thông tin của các loại hình thông tin được hình thành và phát triển chủ yếu dựa trên các thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ thông tin và đỉnh cao là sự hình thành và phát triển của hệ thống thông tin toàn cầu Internet. Internet với đặc trưng tương tác của nó, đã làm xóa đi những giới hạn về không gian, thời gian trong việc tiếp cận thông tin trên quy mô toàn thế giới. Cùng với sự phát triển của hệ thống Internet, hàng loạt sản phẩm công nghệ truyền thông mới được phát triển như công nghệ di động với các phương thức truyền dữ liệu tốc độ cao, hay các thiết bị đầu cuối được phát triển theo xu hướng di động hoá, cá nhân hoá cao độ tạo nên một sức mạnh mới mà các loại hình truyền thông truyền thống khó cạnh tranh nổi. Sự ra đời của máy tính bảng (tablet), mà tiêu biểu là sản phẩm Ipad của hãng Apple đã minh chứng điều đó. 
Truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới
Trong một xã hội hiện đại với sự bùng nổ thông tin, công chúng ngày càng có những nhu cầu cao hơn đối với nội dung cũng như chất lượng thông tin. Phương thức truyền thông đa phương tiện cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng, nhất là đối với thế hệ trẻ, thế hệ nhạy bén nhất đổi với khoa học và công nghệ tạo ra sự phát triển của một lớp công chúng mới của truyền thông. Trái lại, với các loại hình báo chí truyền thống, công chúng đang ngày càng bị phân tâm bởi nhiều hình thức cung cấp thông tin động, hấp dẫn, tiếp cận trên toàn bộ các giác quan, cảm quan: đọc, nghe, nhìn, đối thoại, tham gia trực tiếp… Internet phát triển với sự ra đời của vô vàn các trang tin điện tử, các kênh truyền hình, phát thanh trực tuyến (online) và các giao thức liên lạc (chatting) và thoại (voice) được tích hợp đã thoả mãn tất cả các nhu cầu thông tin của công chúng, bao gồm cả nghe, nhìn, đọc, nói của công chúng. Sự phát triển của công nghệ truyền thông đã tạo cho báo chí một hướng đi mới: tích hợp các phương tiện truyền thông. Tính chất đa phương tiện được biểu hiện rõ ràng nhất qua sự tích hợp này. Xu hướng phát triển này là phù hợp với nhu cầu thông tin của xã hội, do vậy đi theo sự phát triển này là sự lựa chọn đúng đắn của các nhà truyền thông. Hay nói cách khác, truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới.
Các tổ chức truyền thông đa phương tiện hình thành qua hai yếu tố chính. Một là, qua sự hợp nhất các tổ chức truyền thông truyền thống, các tổ chức viễn thông, công nghiệp giải trí với nhau, tạo ra một “đế chế thông tin” mạnh mẽ và có phạm vi ảnh hưởng và đối tượng công chúng khổng lồ. Có thể minh chứng cho sự hợp nhất này như hãng Time Warner sát nhập với hãng American Online, là sự kết hợp các phương tiện truyền thông cũ và mới là báo điện tử và báo giấy. Hai là, sự khai thác triệt để thế mạnh và tiềm năng của Internet và các ứng dụng của công nghệ thông tin. Nếu biết được tên của các hãng thông tấn, báo chí trên thế giới, chỉ cần gõ vài chữ tên của nó vào trang tìm kiếm Google, sẽ dễ dàng tìm được đường dẫn đến website của các hãng này trên Internet. Các hãng khác như FOX, BBC, CNN, HBO… đều có những trang chính trên Internet. Sự tồn tại của các hãng nầy trên Internet không chỉ dừng lại như một phương thức liên lạc đơn thuần mà là một thương thức truyền thông cơ bản của hãng đó. Bill Gates, ông vua của lĩnh vực công nghệ thông tin đã nhận định rằng, truyền hình trên nền Internet sẽ trở nên phổ cập, nhiều hãng viễn thông lớn đang gia cố cơ sở hạ tầng cho viễn cảnh đó. Công chúng sẽ được thưởng thức tất cả các dịch vụ trên một nền duy nhất.
Nền tảng duy nhất, theo quan điểm của Bill Gates về mặt hình thức tổ chức thì là một cơ quan báo chí thống nhất trên có sở hợp thành bởi nhiều cơ quan quản lý báo chí trước đó; về mặt nội dung thì đó là nền tảng công nghệ truyền tải thông tin - Internet và các ứng dụng công nghệ số và các phương thức truyển tải khác nhau. Biểu biện cụ thể về các sản phẩm báo chí truyền thông đa phương tiện có thể vẫn tồn tại theo hình thức truyền thống vốn có, tuy nhiên người ta có thể tìm thấy tính đa dạng của nó qua các cách truyền tải đồng thời. Ví dụ người ta có thể khai thác thông tin qua kênh truyền hình CNN, nhưng cũng thông tin đó có thể được khai thác trên website của CNN.com, hay cùng một lúc có thể vừa nghe radio, vừa lướt web trên điện thoại di động hoặc xem trên truyền hình một nội dung thông tin do một tổ chức truyền thông đưa ra.

1 nhận xét:

  1. Xin chào Tác giả !

    Cháu/em ko biết phải xưng hô như thế nào cho phải ạ. Xin mạn phép được xưng là cháu ạ!

    Thưa chú,
    cháu có vô tình search trên mạng, và tìm được những bài viết và những suy nghĩ cùng định hướng rất hay của chú về ngành truyền thông.

    Hiện tại cháu đang theo học Thạc sĩ về ngành Truyền thông, nhưng trước đây, cháu chưa từng qua trường lớp về lĩnh vực này...

    Khi đọc những bài viết của chú, cháu cảm thấy gợi mở được nhiều điều.
    Hiện tại, cháu đang trong quá trình tìm đề tài cho Luận án về ngành Communication! Cháu đang vấp phải rất nhiều khúc mắc.
    Cháu rất muốn đc trao đổi với chú, nhưng ko biết phải liên lạc bằng cách nào.
    Nếu chú cho phép, chú có thể gửi cho cháu email của chú qua email cháu là: congkhanh2805@gmail.com
    Cháu sẽ liên lạc lại ạ!

    Cháu rất mong, dù là vô tình, nhưng chú có thể giúp cháu tháo gỡ những khúc mắc ạ!
    Cháu ko biết nói gì hơn, nhưng cháu rất mong chú có thể đọc được những dòng này ạ!
    Cháu cảm ơn chú rất nhiều !

    Trả lờiXóa