Khiemnguyen

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Hơn nửa đời hư (3)



Tôi viết entry này khi đang học về công tác lễ tân. Giống như bài học về chủ trì hội nghị, kỹ năng đàm thoại, phản biện, đàm phán… toàn những điều làm mãi rồi nhưng hỏi ra mới biết chưa mấy ai được trang bị một cách bài bản bao giờ. Hôm cuối tuần trước, lão H… nói mày đi làm mà cứ quần jeans áo pull thế này à, cãi ngay được là mặc thế mới thoải mái, hơn nữa, đố anh tìm thấy được một văn bản nào quy định bắt buộc là phải ăn mặc như thế nào, đi đứng thế nào cho đúng nghi thức lễ tân, đối ngoại. Nếu ai đó nói phải mặc thế này thế khắc chẳng qua là sự thể hiện sự khó tính hay đố kỵ của người đó với người khác mà thôi. Tôi dùng chữ khó tính hay đố kỵ có thể là hơi nặng nhưng đấy là ý nghĩ cá nhân của tôi trên cơ sở chiêm nghiệm lại những gì mình biết. Nhiều khi ăn mặc là một thói quen hơn là một nghi thức bắt buộc. Tôi nhớ hồi những năm 1990, tôi mới đi học về, thói quen đi giày đã hình thành, buổi trưa mùa hè nắng và nóng lắm, thằng bé đánh giày mồ hôi nhễ nhại càng nhễ nhại hơn khi thấy tôi lại đi tất và xỏ giày. Khi tôi mới về nhận nhiệm vụ ở đây, hôm đó có một hội nghị lớn, tôi ăn mặc rất chỉnh tề, tự nhiên thấy sếp liếc xéo phát, anh nói mày thử nhìn xung quanh xem, chỉ có các VIP comle cà vạt thôi… ừ, đơn giản mình chỉ nghĩ lễ tân là yêu cầu tối thiểu trong giao tiếp, nhất là trong các cuộc trọng thể như thế này, nhưng nếu đó là điều lạc lõng thì thôi… Đấy có thể là do sự khó tính của sếp, cũng có thể là do sự đố kỵ của sếp, đương nhiên làm thằng lính mà ăn mặc oách hơn ổng là không được rồi. Chưa đủ tuổi oách thì đừng oách hơn sếp em nhé.
 Rồi thói quen ấy dần dần được thay bằng một thói quen khác. Có lẽ sự giản đơn trong suy nghĩ dẫn đến sự giản đơn trong việc ăn mặc không hẳn là thói quen của tôi mà của rất nhiều người. Sự luộm thuộm có một lẽ nữa là không nắm được những nguyên tắc tối thiểu của lễ tân. Thứ nhất, là chẳng bố nào được dạy bảo cẩn thận, không có một quy định nào chính thức; thứ hai, nói một cách sâu xa hơn là do phông văn hóa của chúng ta không có chỗ cho vấn đề này. Tôi nhớ hồi lần đầu tiên làm Quốc giỗ Hùng vương, bàn cãi mãi việc chủ lễ mặc quốc phục mà không đưa ra được phải mặc cái gì. Chẳng biết gốc gác cái áo dài của phụ nữ có phải là chuẩn Việt Nam không, nhưng cứ coi đấy là lễ phục còn được, nhưng với nam giới thì phải mặc gì, khăn đóng áo the có phải không? chẳng ai quyết định được việc này, thôi cứ theo thằng tây comlê cà vạt là được. Dự Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 10 ở Đà Lạt, có buổi chiêu đãi tiệc đứng, có bác mặc áo đại cán, có bác mặc áo comlê nhưng tay xách cặp, tay cầm mũ cối (không dám gửi đâu vì sợ mất), do ăn tiệc đứng chưa quen lại tay xách nách mang và phải tự phục vụ nữa nên nên hôm đó nhiều người bị đói, thì đói là đúng rồi. Chuyện ăn mặc lôm côm của năm tháng hậu chiến vậy thì thôi không dám bàn nữa, chỉ buồn cười là chuyện bây giờ, khi mà chúng ta đã vận hành sâu kinh tế thị trường, đẩy mạnh hội nhập quốc tế mà chuyện ăn mặc vẫn lôm côm mới là chuyện đáng buồn. Năm trước, tôi đi dự một hội thảo quốc tế tại Singapore, đoàn Việt Nam gồm nhiều thành viên đến từ nhiều cơ quan khác nhau. Tôi không dự cuộc gặp mặt đoàn trước khi đi, một phần do bận việc, một phần do tính chất độc lập của chuyến đi nên tôi thấy cũng không cần thiết phải gặp nhau trước làm gì, sang đấy thế nào chẳng gặp. Ra sân bay, có anh phê bình luôn sao mày mặc quần soóc áo phông thế, ra quốc tế người ta cười cho… tôi chỉ cười, cười vì thấy các anh đã chỉnh tề comlê càvạt, giày tây bóng lộn, anh nào anh nấy tay xách nách mang toàn mỳ tôm, thậm chí cả ấm điện nữa. Trong khi đó, tôi chỉ có một vali nhỏ, hai cái túi, một đựng quà lưu niệm, một để đôi giày tây, chân đi đôi dép xỏ ngón. Họ trách mình là phải, vì mình khác họ. Do transit qua Tân Sơn Nhất nên phải sau gần 6 tiếng cả đoàn mới đến khách sạn ở quốc đảo Sư tử, nhìn comlê càvạt mới thấy thảm hại làm sao, có lẽ họ ngạc nhiên lắm khi thấy trên máy bay và ở Singapore nữa hầu hết mọi người đều mặc như tôi. Hình như họ cũng rút kinh nghiệm thì phải, hôm sau, dự buổi lễ khai mạc, tôi mặc lễ phục, cũng comle cà vạt hẳn hoi, còn họ lại mặc sơ mi suông… Tất cả chỉ vì sự long trọng hoá vấn đề trên cơ sở chẳng hiểu gì việc lễ tân và ứng xử đối ngoại. Bạn xem ti vi thì thấy, từ cán bộ cấp trên đến anh trưởng thôn cứ lên ti vi là hầu hết comlê cà vạt, cho oách, không cần biết là đang đứng cạnh chồng lợn để nói về dịch lở mồm long móng, đang đứng trên xuồng để chỉ đạo bão lụt. Đấy là sự bất cập về nhận thức, thấm nhuần lời dạy của các cụ là “lạ sợ quần áo”, phải ăn mặc thật oách mới thể hiện được ta đây. 

Cái sự ta đây khi tôi ở Singapore cũng có chuyện buồn cười, ngay hôm đầu tiên sang đó, tôi đã kiếm được một đôi Bata rất xịn, vì nó là hàng hiệu, vì dùng để đi lại rất thuận tiện, buổi tối và những ngày nghỉ mấy anh em rủ nhau đi lang thang khắp nơi, Singapore nhỏ như Hà Nội của mình nên đi bộ là chính, mình thì quần Jeans áo pull, giày thể thao, còn anh em cứ lễ phục giày tây, tiếc là không có cái mũ cối nữa dạo phố suốt. Đố ai đi giày tây hàng chục cây số được, lê bước là chính thôi, nghĩ mà thương cho người Việt mình thật. Oách thì oách thế nhưng ăn mỳ tôm là chính, đói gần chết. Tôi nhớ, ngoài đài thọ việc đi lại và khách sạn, nhà tổ chức còn cấp mỗi ngày 40 đô la Sing, khoảng 25 USD, số tiền đó không phải là nhiều nhưng nếu đi ăn cơm văn phòng như ở mình thì mỗi bữa chỉ hết độ 5 đô la Sing một người, vấn đề là sợ tốn kém quá, ai lại ăn một ngày hết cả trăm ngàn, thà ăn mì tôm còn hơn. Tôi chẳng có mỳ tôm mang theo, nhưng nếu cần ăn thì xuống siêu thị ở tầng 1 khách sạn, 1 đô Sing một tá mỳ gói, có khi còn rẻ hơn mỳ Việt Nam mình. Trong hành trang đi nước ngoài của tôi bao giờ cũng có vài chai Lúa Mới, tôi chưa thấy ở nước nào rượu bia rẻ cả, nên đem rượu đi là cách hay nhất, hơn nữa, đấy là thứ quốc hồn, quốc tuý cần thiết để chiêu đãi bạn bè nước khác. Phải chăng đây cũng là một văn hoá trong ứng xử quốc tế. Bạn bè các nước khác khi gặp mình bao giờ cũng có quà, vậy nên ra Bờ Hồ mua vài hộp đó sứ mỹ nghệ  giá không quá 20 USD nhưng khi bóc ra làm quà tặng cho mọi người thì quý lắm, không phải quý về giá trị của mòn quà mà là quý về văn hoá ứng xử. Điều đó rất tiếc chẳng ai dạy chúng ta cả. Tự bỏ tiền túi ra mà mua lấy sự khôn ngoan ứng xử đấy thôi. Văn hoá mỳ tôm còn chuyện đau buồn nữa, hôm đó, bọn tôi đi chơi rất xa và bị lạc đường, đấy là một khu người Hoa nên không hỏi đường được, tôi nói dẫu sao cũng mệt rồi, kêu taxi về, anh em không nghe, có khi phải tốn đến hàng chục đô sing chứ không phải ít. 10 đô sing khoảng 100 ngàn tiền mình, so với lương công chức là lớn, nhưng với tình huống ấy thì có đáng bao nhiêu, hơn nữa có bốn năm con người. Vậy mà họ đã bỏ tôi lại để tự tìm đường về. Tôi rất buồn vì điều đó, nên đã ngồi ở một ghế đá ven đường. Một người đi xe đạp thấy vậy, dừng lại hỏi tôi có cần giúp gì không, nghe tôi kể người ấy không nói gì, khoá xe đạp vào cái cột ven đường rồi dẫn tôi ra bến xe buýt, tôi nói tôi không có thẻ thanh toán xe buýt, người ấy bảo sẽ đưa tôi về tận nơi bằng xe buýt… mấy phút sau chúng tôi đã về đến khách sạn, tôi gửi tiền lại cho anh ấy, anh ấy vui vẻ nhận lại. Sự sòng phẳng đó thật hay, cái gì giúp được là giúp, cái gì phải thanh toán là phải sòng phẳng. Chỉ buồn là mấy tiếng sau mấy anh bạn tôi về, chẳng ai nói lại một câu nào nữa. Chính xác lúc đó tôi thấy thật xấu hổ với người Việt Nam mình.
Đọc Phạm Thị Hoài nhớ chuyện cái mũ lông thỏ và bông tuyết trên cây bạch dương, thời trước ai đã ra nước ngoài mà khi về không có bức ảnh chụp với thỏ và tuyết thì coi như chưa đi nước ngoài. Bây giờ điều đó có khác gì không? về cơ bản chẳng khác gì cả, có khác là khác chuyện lông thỏ hay tuyết thôi, vì bây giờ mối quan hệ quốc tế đã mở rộng, nhiều nước không có tuyết mà cũng không cần phải đội mũ lông thỏ. Vậy thì phải thay bằng gì? bằng ảnh chụp các danh dam, thắng cảnh… thế thôi. Ra nước ngoài để mà học hỏi, mà xem người ta làm ăn như thế nào chẳng được mấy người, phần nhiều sang đó để mua đồ hạ giá, đi chơi và chụp ảnh lưu niệm. Nhưng khi về nhà thì nói ghê lắm, nào là trò chuyện với ông này ông kia, đến công ty nọ công ty kia, đàm phán thế này thế khác… Chuyện thật như đùa, năm 2003, có cơ quan phát hiện một va li ai đó bỏ quên ở sảnh, do không khí sau sự kiện 11/9, sau khi hỏi mãi chẳng ai nhận vali của mình, cơ quan đó mới nhờ công an xử lý, mở cái valy đầy những tên các hãng hàng không quốc tế ấy ra trong đó toàn đồ lót của chị em… thành quả đi nước ngoài của anh nào đó, chẳng cần nói thêm gì nữa.
Anh bạn tôi ở nước ngoài rất lâu, từ năm 1978 đến năm 1994 mới về nước. Một lần tôi hỏi đùa, rằng anh ở đấy lâu thế có biết con “rùa” tây thế nào không. Anh trả lời, chú cứ ra chợ lao động Giảng Võ ấy, bọn anh chẳng khác gì mấy người lao động thuê ấy đâu. Ra Hà Nội lao động, về quê thì kể chuyện ghê lắm, nào là ăn thế này, chơi thế kia, nhưng thật ra thì đố đứa nào dám chứ đừng nói là biết rùa hay rắn Hà Nội như thế nào, bọn anh cũng thế thôi, bây giờ nếu nói là biết thì có thể nói ghê gớm lắm, nhưng nói toạc ra là còn lâu mới đủ trình độ để biết “rùa” của nó, chú ạ./.   (repost myself)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét