Khiemnguyen

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Truyền thông đa phương tiện (phần 2)


Sự phát triển của báo chí Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của sự phát triển theo phương thức truyền thông đa phương tiện
Tính đến hết tháng 3/2011, cả nước ta đã có 46 báo điện tử, 287/745 cơ quan báo chí có trang tin điện tử (tỷ lệ gần 40%), hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đã có 67 đài phát thanh - truyền hình ở Trung ương và địa phương với 200 kênh chương trình sản xuất trong nước và 67 kênh nước ngoài được phát trên hệ thống truyền hình trả tiền. Nhiều cơ quan báo đã tích hợp lên trang tin điện tử cả nội dung báo in, phát thanh và truyền hình, tiêu biểu như các Vov.com.vn; dantri.com.vn, tuoitreonline.com.vn, thanhnien.com.vn… Có thể nói, sự phát triển chung của báo chí Việt Nam trong thời gian qua có sự góp phần không nhỏ của sự phát triển về phương thức truyền thông đa phương tiện. Việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin đã gắn liền với việc phát triển và tích hợp tốt các loại hình sản phẩm báo chí, tạo ra hiệu ứng tốt cơ chế truyền thông và hiệu quả thông tin, góp phần “chú trọng và nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biên xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và của đất nước”, các loại hình truyền thông đa phương tiện đã góp phần “phát triển và mở rộng việc sử dụng Internet, đồng thời có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động lợi dụng Internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh”.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, mô hình phương thức truyền thông đa phương tiện tuy mới hình thành nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém. Thứ nhất, việc mở rộng hoạt động của cơ quan báo chí mới chỉ được sử dụng thuần tuý ở góc độ công nghệ mà chưa thực sự khai thác và sử dụng nó như một công cụ để xử lý và phổ biến thông tin. Thế mạnh của Internet là nó có thể tạo ra giao thức tương tác hai chiều giữa nguồn thông tin và người tiếp nhận. Tuy vậy, người sử dụng nói chung và công chúng của báo chí nói riêng hầu như chỉ dừng lại ở góc độ giải trí là chính, đơn giản và một chiều, các công cụ phản hồi, tương tác hầu như không được thiết lập hoặc không biết cách nào để thiết lập. Những tiện ích vô cùng hữu hiệu như Email có rất ít người sử dụng, đó là thực tế ở nước ta. Vì vậy, với nhiều cơ quan báo chí, Internet, trang web riêng, hay hộp thư điện tử… chỉ mang tính biểu tượng của truyền thông đa phương tiện thời thượng. Công chúng có thể click chuột vào một đường dẫn đến nhiều báo điện tử, trang tin của nhiều cơ quan và có thể rất thất vọng với những trang thông tin chết và đã quá lâu rồi không được cập nhật.
Thứ hai là, việc mở rộng theo hướng truyền thông đa phương tiện mà không có chiến lược khai thác sẽ dẫn tới việc lãng phí trong đầu tư. Nhất là các khoản đầu tư cho nội dung thông tin lien quan đến hình ảnh và âm thanh phải đầu tư rất lớn về vật chất, kỹ thuật và nhân lực. Các trang web “chết” phần nhiều là do không có thông tin đưa lên, hoặc do thông tin không hấp dẫn, không “hot” sẽ nên không hấp dẫn được người truy cập, hệ luỵ của nó nằm trong sự so sánh với các loại hình sản phẩm báo chí khác cùng cơ quan chủ quản sẽ lép vế, dẫn đến tình trạng sống dở, chết dở.
Thứ ba là, truyền thông đa phương tiện đòi hỏi năng lực lãnh đạo và quản lý phải rất cao và đồng bộ, nhìn nhận ở góc độ quản lý thì nguồn nhân lực cho vấn đề này còn chưa được quan tâm đúng mức nếu như không nói là chưa được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện nhưng thiếu sự quy hoạch chung vừa là sự lãng phí vừa làm giảm hiệu quả của truyền thông. Cùng một nội dung thông tin người ta có thể khai thác được ở quá nhiều nguồn khác nhau sẽ tạo ra tâm lý rằng hình như thông tin đó coppy của nhau, không có bản sắc riêng, do đó nhiều nguồn thông tin trở nên mờ nhạt, thiếu tính chính xác, nhất là với các nguồn tin trên các trang báo điện tử.
Thứ tư là, với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, nhất là phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện tạo ra sự cạnh tranh và chạy đua ghê gớm cả về việc khai thác, sử dụng và truyền bá thông tin. Cạnh tranh là động lực cho phát triển tích cực, nhưng có thể buộc nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo việc hấp dẫn công chúng bằng mọi cách, chạy theo thoả mãn nhu cầu thị hiếu tầm thường, kích động bạo lực, tính dục, đề cập quá sâu vào chuyện riêng tư cá nhân…
Một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự phát triển báo chí nói chung và truyền thông đa phương tiện nói riêng
Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, việc phát triển truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển tất yếu của các cơ quan báo chí ở Việt Nam. Tình hình mới của đất nước đòi hỏi báo chí ngày càng phải phát huy hơn nữa vai trò to lớn của mình trong lĩnh vực căn hóa tư tưởng, góp phần bình ổn các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay, hội nhập với khu vực và thế giới. Muốn thực hiện tốt những nhiệm vụ to lớn đó, đầu tiên và trước hết phải chú trọng đến công tác quản lý hoạt động báo chí. Công tác quản lý báo chí được cần thiết phải tập trung tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Một là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý báo chí (thể hiện qua: Chỉ thị 22/CT-TW của Bộ Chính trị khóa VIII; Thông báo số 162-TB/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Thông báo số 41 TB/TW và Thông báo số 68-TB/TW của Bộ Chính trị khóa X; Quyết định số 388 QĐ/CP và Chỉ thị số 37/2006/TC-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tăng cường quản lý nhà nước về báo chí bằng pháp luật. Giữ vững định hướng của Đảng và nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trong hoạt động báo chí. Có kế hoạch tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác quản lý báo chí và hoạt động báo chí trong xu hướng phát triển của các cơ quan báo chí theo phương thức truyền thông đa phương tiện.
Hai là, xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí và hệ thống báo chí quốc gia. Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí phải chủ động, tập trung sức xây dựng Chiến lược thông tin Quốc gia, Quy hoạch phát triển báo chí trong giai đoạn 2010 – 2020. Quy hoạch hệ thống báo chí phải bảo đảm cho được yêu cầu về phát triển cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ và thống nhất và tranh thủ phát huy được các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của loại hình truyền thông đa phương tiện. 
Ba là, phải thực hiện tốt chiến lược quy hoạch cán bộ, đặc biệt là quy hoạch các chức danh quản lý của các cơ quan báo chí. Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ vắn với đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý và các nhà báo. Khuyến khích và tạo cơ chế tự chủ về kinh phí hoạt động, từ đó tự chủ trong tổ chức và nhân lực bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện.
Bốn là, các cơ quan quản lý báo chí phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan báo chí thực hiện Luật Báo chí, Luật Xuất bản. Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện, xử lý nghiêm minh và công khai trước các hiện tượng sai trái rà soát, chấn chỉnh ngay tình trạng, cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích và không chấp hành nghiêm luật pháp, nhất là Luật Báo chí; thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí theo đúng quy định hiện hành. Nhà báo phải thực hiện 10 điều quy ước về đạo đức báo chí và phải chịu kỷ luật nghiêm khắc trước những vi phạm của mình. Các cơ quan chủ quan báo chí, các cấp lãnh đạo, các ngành cần quan tâm tới việc chỉ đạo, kiểm tra theo dõi, động viên cũng như uốn nắn kịp thời những lệch lạc, sai phạm của báo chí.
Năm là, Nhà nước phải có đầu tư thích đáng cho báo chí nhất là những tờ báo quan trọng trong đối nội và đối ngoại. Hiện đại hóa các phương tiện kỹ thuật phát thành, truyền hình, biên tập và in ấn báo chí, phương tiện nghiệp vụ của phóng viên. Cần có kế hoạch khảo sát, nghiên cứu các hình thức hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí, tạo nguồn thu phù hợp, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật nghiệp vụ, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, khi đất nước ta ngày càng hội nập sâu và đầy đủ trên tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới, công tác thông tin báo chí càng thể hiện được vai trò xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phát triển báo chí nói chung, của phương thức truyền thông đa phương tiện và nâng cao vai trò quản lý báo chí là việc làm cấp thiết hiện nay nhằm xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, làm tốt hơn nữa chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn tin cậy của nhân dân./.
                                                                                                   Nguyễn Bùi Khiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét