Khiemnguyen

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Tập đoàn kinh tế là thế nào?


Biết thế nào các TS, ThS tương lai cũng mò vào đây để cá chép làm tiểu luận, Solitary post sẵn cái này lên đây, ngõ hầu đi tắt đón đầu hầu các cụ, lưu ý là đừng bao giờ coppy tất cả nhé, không dễ vi phạm luật bản quyền…
Mô hình Tập đoàn kinh tế xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng đầu thế kỷ thứ 19 tại một số nước Tây Âu trong giai đoạn công nghiệp hóa phát triển bùng nổ.
Nguyên nhân chính của sự xuất hiện này là một số sản phẩm hay ngành kinh tế tự nó mang tính chất độc quyền rất cao, nếu để nằm trong khu vực tư nhân mà mục đích hàng đầu của nó là lợi nhuận sẽ có nguy cơ dẫn tới những chiều hướng phát triển thiên lệch có hại cho sự phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế cả nước, đồng thời làm giảm khả năng cạnh tranh của cả nước với các nước chung quanh. Vì những lẽ này, các thế lực kinh tế và chính trị của những quốc gia này - thể hiện tập trung trong vai trò Nhà nước - đã đi tới quyết định thành lập các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, tập trung vào các ngành cung cấp than, điện, hàng không, bưu chính viễn thông, một số sản phẩm trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng khác như cung cấp nước, giao thông vận tải thủy và bộ (ví dụ đường sắt)... Ngoài ra một số đòi hỏi nhất định về an ninh và quốc phòng khiến cho Nhà nước cần trực tiếp nắm lấy, ví dụ ngành hàng không, ngành bưu chính viễn thông... Thực tế vừa trình bày cho thấy ngay tính đặc thù của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, thể hiện trong 3 chức năng chính của nó:
1). Chống nguy cơ độc quyền tư nhân đối với những sản phẩm kinh tế cần thiết cho sự phát triển chung kinh tế cả nước;
2). Nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cả nước đối với các quốc gia khác trên thị trường thế giới;
3). Đáp ứng những yêu cầu có liên quan mật thiết đến an ninh và quốc phòng.
Giai đoạn thứ hai, cũng chủ yếu ở các nước Tây Âu (không có bọn này không hiểu kinh tế thế giới sẽ đi đến đâu phỏng các cụ?), trong thời kỳ tái thiết và phát triển kinh tế sau chiến tranh thế giới II, với các yếu tố chi phối mới: Những đòi hỏi cấp bách của tái thiết sau chiến tranh, sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới, việc chuyển từ năng lượng than là chủ yếu sang năng lượng dầu được cung ứng từ bên ngoài.
Trong giai đoạn này, các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước tăng nhiều về số lượng, nhưng chủ yếu vẫn giữ nguyên 3 chức năng như đã nêu trên, mở rộng vào các lĩnh vực như dầu khí, viễn thông, công nghệ tin học, bảo hiểm, bất động sản…
Cả trong hai giai đoạn, các tập đoàn này trước sau vẫn có 4 tiêu chí hay đặc tính:
- Chịu sự quản lý theo luật pháp (nhiều khi luật hay chính sách do chính các ông chủ tập đoàn lập nên).
- Hoạt động trong thể chế tài chính công khai minh bạch (đây chỉ là ước mơ thôi)
- Có thể huy động vốn từ khu vực tư nhân hoặc khu vực công dưới dạng bán trái phiếu hay cổ phần theo những quy định chặt chẽ của luật pháp và của thể chế tài chính quốc gia;
- Phải có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và thế giới (cái này cũng chỉ là ước mơ thôi).
Sự phát triển bột phá của công nghệ và khoa học kỹ thuật và quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng trong các thập kỷ 1960 - 1980 đã mang lại 2 hệ quả:
- Khả năng cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước ngày càng giảm sút so với khu vực kinh tế tư nhân và nhìn chung tính hiệu quả của chúng đối với toàn bộ nền kinh tế ngày càng thấp, ngày càng trở thành hiệu quả âm tới mức cản trở sự phát triển của nền kinh tế;
- Sự phát triển năng động của công nghệ và dịch vụ thời kỳ đi vào kinh tế trí thức và toàn cầu hóa cho phép chuyển ngày càng nhiều sản phẩm kinh tế và dịch vụ vào khu vực tư nhân.
Tình hình trên đã khiến cho các quốc gia Tây Âu phải loại bỏ phần lớn các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước. Nói một cách khác, trong bối cảnh kinh tế mới và quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, mô hình tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước ngày càng trở nên lỗi thời.
Như vậy, toàn bộ lịch sử phát triển các tập đoàn kinh thế thuộc sở hữu nhà nước tại các nước công nghiệp phát triển cho thấy nó chỉ có vai trò nhất định vào những thời điểm và hoàn cảnh lịch sử cụ thể đòi hỏi cần tạo lập một sự độc quyền nhà nước nhất định để đảm bảo sự phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế cả nước trong bối cảnh ấy. Nhưng một khi bối cảnh phát triển như vậy qua đi, đặc biệt từ thập kỷ 1980s đến nay, các nhược điểm cố hữu của nhóm tập đoàn này xuất phát từ tính chất quyền sở hữu của Nhà nước ngày càng trở nên khó khắc phục, và tới một thời điểm nhất định là trở thành trở ngại kìm hãm sự phát triển./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét