VTV.vn – VTV News xin giới thiệu tới quý độc giả bài viết của nhà báo Nguyễn Văn Vinh, Nguyên Phó Trưởng Tiểu ban tuyên truyền đối ngoại, Đài THVN về chiếc camera “Ngựa trời”.
Ngày nay, chỉ với chiếc máy quay bé xíu hay chiếc điện thoại thông minh, bất cứ ai cũng dễ dàng làm ra được những video clip có độ phân giải HD, thậm chí là 4K. Sự phát triển vượt bậc ấy của công nghệ càng làm cho tôi nhớ tới buổi phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên của chúng ta được tạo ra bởi chiếc camera có tên “Ngựa Trời”.
Ngày 7 tháng 9 năm 1970, ngày phát sóng chương trình truyền hình thử nghiệm đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là một sự kiện quan trọng, đánh dấu việc ra đời của truyền hình ở miền Bắc, trong khi ở miền Nam đã có truyền hình vài năm trước đó.
Chiếc máy camera “Ngựa Trời”
Từ yêu cầu thực tế và sự phát triển của tình hình đất nước, Bộ biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, do ông Trần Lâm làm Tổng biên tập, đã nêu quyết tâm ra mắt chương trình truyền hình vào dịp kỷ niêm 25 năm thành lập Đài (7/9/1945 – 7/9/1970). Từ đầu năm 1970, Đài lập một nhóm cán bộ gọi tạm là “Ban chuẩn bị làm truyền hình” do Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Nhất phụ trách kỹ thuật và kinh tế, đứng đầu. Việc phân công này thể hiện sự quan tâm, ưu tiên khâu kỹ thuật nhằm đảm bảo sự thành công cho buổi truyền hình đầu tiên.
Yêu cầu mang tính quyết định lúc đó là xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền hình tối thiểu, gồm: trường quay với camera điện tử; máy phát sóng truyền hình; ăng ten phát sóng; máy thu hình. Vì không thể có ngoại tệ mạnh để mua thiết bị của nước ngoài, lãnh đạo Đài đã động viên anh chị em kỹ thuật phát huy tinh thần tự lực và sáng tạo, lắp các thiết bị truyền hình với linh kiện điện tử phát thanh sẵn có, quyết tâm phát sóng bằng được chương trình thử nghiệm vào ngày 7-9-1970.
Những yêu cầu cơ bản nêu trên Đài có thể giải quyết nhưng để tự lắp được một camera điện tử thì anh em kỹ thuật thật sự gặp muôn vàn khó khăn. Chúng ta không có bộ phận quan trọng nhất của một camera điện tử là ống thu hình Super Orthicon. Để khai thông vấn đề nan giải này, Tổng biên tập Trần Lâm đã viết thư cho ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về phát thanh và truyền hình Liên Xô phụ trách kỹ thuật để xin 2 ống thu hình Super Orthicon đã quá thời hạn sử dụng. Phía bạn đồng ý, một thời gian sau, 2 ống thu hình điện tử được ông Lê Tiến, Trưởng đoàn thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Moscow mang về để anh em kỹ thuật lắp ráp. Đối với Đài truyền hình Trung ương Liên Xô, những ống thu hình này đã quá tuổi thọ, nhưng để làm chương trình thử nghiệm ở Việt Nam thì vẫn còn dùng được.
Các kỹ sư lắp ráp chiếc camera “Ngựa Trời”
Từ đầu tháng 8 năm 1970, công việc lắp camera điện tử được tiến hành khẩn trương. Sau nhiều ngày đêm miệt mài nghiên cứu, các cán bộ kỹ thuật đã được lắp chiếc camera điện tử đầu tiên, cho ra những hình ảnh lờ mờ trôi trên màn hình. Mọi người rất vui và phấn khởi khi thấy với những linh kiện dùng cho phát thanh được gom từ nhiều nguồn cùng những nỗ lực không mệt mỏi của anh chị em, chiếc camera đã cho ra hình ảnh có thể sử dụng được. Sau một thời gian tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện, 2 camera điện tử đã được lắp ráp thành công. Tuy một số tính năng còn chưa hoàn chỉnh như: không di chuyển được, 3 ống kính khó thay đổi khi bắt hình, nhưng cả 2 camera đều đã cho ra hình ảnh trên monitor.
Về hình thức, 2 camera này trông khá lạ mắt. Anh em kỹ thuật đã tạo một cái “hộp” đặt vừa ống thu hình Super Orthicon và các bảng mạch linh kiện điện tử cồng kềnh thời đó. Camera trông hơi thô nhưng cho hình ảnh sử dụng đươc. Một số anh chị em gọi đùa đó là “thùng lạc rang” của người bán dạo trên hè phố thời đó. Nhưng Bộ biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam lại nhìn những camera này dưới một góc độ khác.
Ông Trần Lâm đánh giá cao quyết tâm, tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường của anh chị em kỹ thuật và từ hình dáng độc đáo của nó, 2 camera được đặt tên là “Ngựa Trời”, lần lượt có số hiệu “NT1″ và “NT2″. “Ngựa Trời” là tên một loại súng tự tạo của quân Giải phóng miền Nam, được sử dụng trong chiến đấu, phóng đầu đạn lớn gây nỗi kinh hoàng cho quân địch. Việc đặt tên “Ngựa Trời” thể hiện tình cảm sâu nặng của anh chị em Đài Tiếng nói Việt Nam với miền Nam. Đó cũng là niềm tự hào về lòng quyết tâm, sự sáng tạo của một thế hệ từ hai bàn tay trắng đã tạo nên được những chiếc camera có một không hai này.
Tổng biên tập Trần Lâm phát biểu ra mắt buổi truyền hình đầu tiên
Camera điện tử “Ngựa Trời” đã làm tròn sứ mạng của mình trong buổi phát sóng chương trình truyền hình thử nghiệm đầu tiên vào 19h ngày 7 tháng 9 năm 1970, tại Studio M (phòng thu nhạc lớn) 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Chiếc camera thô sơ chính là “linh hồn” của buổi truyền hình kéo dài gần hai tiếng đồng hồ với đầy đủ các chương trình Thời sự, Những bông hoa nhỏ và Ca nhạc.
Để tránh rủi ro “tàng hình”, điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các đạo diễn đề nghị giữ camera “Ngựa Trời” cố định, chỉ sử dụng một ống kính; phải điều chỉnh khoảng cách của phát thanh viên, giá để bảng chữ sao cho camera chỉ lia qua, lia lại để bắt hình. Mỗi lần chuyển cảnh từ phát thanh viên sang bảng chữ hay đổi diễn viên, phải đậy nắp ống kính để chuyển máy, bắt hình mới. Khán giả trong trường quay vừa xem cảnh thật, vừa xem hình trên monitor, lúc im phắc, lúc lại rộ lên “rõ quá! rõ quá!”.
Chương trình thiếu nhi những ngày đầu của Đài THVN
PTV Nguyễn Thơ đọc bản tin Thời sự
Thành công của buổi truyền hình ngày ấy là bước ngoặt đánh dấu sự ra đời của truyền hình ở miền Bắc, tạo nguồn lực cơ bản góp phần quan trọng vào việc tiếp quản và vận hành Đài Truyền hình Sài Gòn 5 năm sau đó (30/4/1975). Đó cũng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển mang tính đột phá của Đài Truyền hình Việt Nam như ngày nay.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số với những thay đổi đến chóng mặt trong kỹ thuật truyền hình và công nghệ thông tin, nhưng những chiếc Camera “Ngựa Trời” 45 năm trước đã để lại một dấu ấn sâu đậm, không thể phai mờ về quyết tâm và sự sáng tạo của con người Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét