Chuyện tình thời chiến
Ông Nguyễn Như Bích, em trai liệt sĩ, kể: "Anh Trang chết trẻ quá, chưa kịp có gia đình. Anh có hứa hôn với một chị. Anh mất, chị đến ở với cha mẹ tôi từ năm 1948 đến tận 1957, cùng cha mẹ nuôi dạy các em, 10 năm sau mới chịu về đi lấy chồng. Cả nhà tôi vẫn coi chị như dâu cả".
|
Nơi biên cương xa lắc xa lơ - mây vấn vương trời mơ - gió quyện sương núi - suối reo thác gào... Bao anh hùng vì non sông không màng chi thân thể - Thề chết giữ gìn biên cương - thề quét hết loài xâm lăng - dù xác có phơi chiến trường biên cương oai hùng. Có một người trai Hà Nội nơi biên ải
65 năm trước, có một người trai Hà Nội mới 20 tuổi xuân, chỉ huy một đơn vị trong đoàn quân Tây Tiến ngược sông Mã lên bảo vệ biên cương miền tây Tổ quốc đã viết nên những giai điệu mênh mang, hào sảng, oai hùng ấy. Anh là Nguyễn Như Trang, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 150, trung đoàn 52 - trung đoàn Tây Tiến. Cùng với bài ca viết từ trái tim và cuộc sống của mình, cuộc đời Nguyễn Như Trang, cho đến khi nằm xuống, tròn 21 mùa xuân, đẹp một cách bi tráng và khốc liệt như những vần thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng - đồng đội của anh
Là anh cả trong một gia đình có chín anh em, Nguyễn Như Trang nổi tiếng đàn hay học giỏi ở Trường tư thục Thăng Long. Năm 1945, cách mạng về, chàng trai vừa qua tuổi 18 (anh sinh ngày 27-7-1927) Nguyễn Như Trang đã xung phong vào Vệ quốc đoàn, trở thành đại đội trưởng của đại đội 212, trung đoàn Thủ Đô khi mới 19 tuổi. Trung đoàn đã chiến đấu bảo vệ Hà Nội suốt thời kỳ giặc Pháp gây hấn, trên từng hè phố, từng ngôi nhà, từng chiến lũy. Chàng trai cũng đã được kết nạp Đảng ngay trên chiến lũy thủ đô.
Ông Nguyễn Như Bích - nguyên phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, em thứ chín của Nguyễn Như Trang - nói: "Anh đi bộ đội nhưng thỉnh thoảng tạt về qua nhà vẫn bế tôi. Anh đẹp lắm, mặt sáng ngời, cao 1,83m, các em đứa nào cũng mê anh và tự hào về anh. Tôi bé quá, chưa biết, nhưng nghe mẹ và các anh chị kể lại: anh cưỡi ngựa, đeo súng ngắn, đội mũ calô, đúng là hình mẫu một người chiến sĩ Vệ quốc đoàn mà các nhà thơ, các nhạc sĩ hay viết".
Đầu năm 1947, đơn vị Tây Tiến được thành lập, với nhiệm vụ hành quân lên biên giới phối hợp với các đơn vị của quân đội Lào chống Pháp ở miền tây. Nguyễn Như Trang cũng xung phong gia nhập đoàn quân Tây Tiến. Anh là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 150, trung đoàn 52 Tây Tiến. Năm ấy anh mới 20 tuổi, chỉ huy một đơn vị hàng trăm chàng trai trong "đoàn quân không mọc tóc - quân xanh màu lá dữ oai hùm - mắt trừng gửi mộng qua biên giới - đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm".
Những trận chiến đấu ác liệt diễn ra suốt thời kỳ đầu kháng chiến đã khiến lính Tây Tiến thương vong và hi sinh rất nhiều.Bản thân Nguyễn Như Trang cũng bị thương nhiều lần trong địa bàn tác chiến là tỉnh Hòa Bình.
Bác sĩ Hùng Lâm, một cựu binh Tây Tiến, hồi tưởng trong tập sách Tây Tiến - Một thời để nhớ: "Sau trận Mường Lồ cuối 1947, Như Trang bị thương nằm ở quân y xá trung đoàn, trên một nhà sàn, được bác sĩ Phạm Ngọc Khuê cứu chữa. Nằm cạnh anh là Quang Dũng ốm sốt rét. Hết cơn sốt là Quang Dũng lại vẽ cảnh sông Mã, Như Trang ngồi thưởng thức. Khi Như Trang nghêu ngao hát hoặc sáng tác thì Quang Dũng lại hòa theo...". Trưa 21-11-1948, tại làng Mu, thôn Ngọc Châu Lâu, Lạc Sơn, Hòa Bình, anh và đồng đội đã bị phục kích. Trong một trận chiến không cân sức, hai người lính đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và ngã xuống. Tiểu đoàn phó Như Trang lúc ấy vừa qua 21 tuổi. Anh ngã xuống, trùng hợp với hình ảnh của người đồng đội Quang Dũng đã khắc họa trong bài thơ bất hủ: Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh - Áo bào thay chiếu anh về đất - Sông Mã gầm lên khúc độc hành...
Trấn biên cương
"Mong thế hệ trẻ nghe và biết đến Trấn biên cương, để biết đã có những con người đẹp đẽ như vậy, hi sinh cuộc đời khi còn thanh xuân như vậy cho từng tấc đất biên cương"
Đại diện gia đình liệt sĩ Nguyễn Như Trang
|
Không chỉ là một chỉ huy trẻ có tài, Như Trang còn là một người lính am hiểu văn thơ nhạc họa, thích làm thơ, viết văn, có nhạc lý cơ bản vững vàng như rất nhiều người lính - trí thức thời kỳ đầu cách mạng. Anh đã viết bút ký Vượt biên thùy đăng báo Vệ Quốc Quân để động viên tinh thần chiến sĩ trong cuộc hành quân phối hợp với bộ đội Lào đánh Chiềng Cồng. Anh cũng đã viết Hành khúc đoàn quân miền tây - bài hát đã trở thành ca khúc truyền thống của trung đoàn 52 Tây Tiến. Những người lính Tây Tiến mỗi khi có dịp về chiến trường xưa vẫn cùng nhau nghẹn ngào hát bài ca này.
Một bài hát khác có sức lan tỏa rộng hơn, vượt khỏi chiến trường miền tây để đến tất cả các đơn vị bộ đội thời ấy là bài Tiếng cồng quân y. Những ngày bị thương nặng gãy xương chân nằm điều trị tại Quân y viện Châu Trang, chứng kiến bao nhiêu sự ra đi của đồng đội, thấm thía sự khốc liệt của cuộc chiến đã khiến anh viết nên bản nhạc bi thiết đó. Nữ y tá Kiều Thanh Thôn kể lại: "Khi có người chết, nghe đánh cồng, anh em tự vệ và dân bản Châu Trang đến cùng cán bộ quân y lo liệu chôn cất. Anh Như Trang làm bài Tiếng cồng quân y rất thương cảm. Bà con ở Vụ Bản đã tặng hàng trăm chiếc chiếu để có cái mà... bó gần 200 đồng chí đã nằm xuống, kín quả đồi trọc". Côồng... Đưa một chiến sĩ qua đời tới nơi ngàn thu - Chàng đâu muốn chết... Nước non chưa yên - Nhưng bệnh tình trầm trọng đã mang chàng đi - mà nước non đang chờ - và chí trai còn say... - nghệ sĩ ưu tú, đại tá Kim Ngọc nói rằng bà đã hát bài này hàng trăm lần, và lần nào cũng khóc.
Trấn biên cương cũng được Như Trang viết năm 1947, khi chàng tiểu đoàn phó của trung đoàn Thủ Đô 20 tuổi. Tác phẩm này cùng âm hưởng bi tráng với những Ngày về của Lương Ngọc Trác, Tây Tiến của Quang Dũng và là tiền đề cho những Sông Lô, Du kích sông Thao sau này - tất nhiên đơn giản, mộc mạc và thô sơ hơn. Năm 1988, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc - giảng viên Nhạc viện Hà Nội, một người trong gia tộc họ ngoại của liệt sĩ Như Trang - đã dựng lại bài ca này cho hai giọng ca tuyệt vời là NSND Lê Dung và NSND Quang Thọ. NSND Lê Dung đã đi xa hơn mười năm, nhưng nghe lại giọng ca của bà, người ta vẫn thấy hết cái tình của một người lính với một bài hát về lính, và cái tình của một nghệ sĩ đích thực với một tâm hồn nghệ sĩ đã khuất núi. Tiếc là vì nhiều lý do, bài hát đã chưa được phổ biến.
65 năm sau khi bài hát ra đời, năm 2012, cũng với bản phối khí của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, lần đầu tiên Trấn biên cương vang lên trên sân khấu lớn, với sự trình bày của dàn hợp xướng Trường cao đẳng Nghệ thuật Tây Bắc trong lễ khánh thành tượng đài kỷ niệm Tây Tiến ở Châu Trang. Những người lính Tây Tiến đều xúc động mãnh liệt khi nghe lại âm hưởng hào hùng và lời nhắn gửi từ người đồng đội đã khuất: Rồi đây khi quân thù tan - biên cương vững vàng - đoàn quân lên trấn biên cương - hào hùng một mùa xuân mới...
Nhân rộng giá trị tinh thần của tác phẩm
Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình - phó chính ủy Bộ đội biên phòng - đã phát biểu bên mộ liệt sĩ Nguyễn Như Trang: "Tác phẩm Trấn biên cương là tác phẩm âm nhạc bài bản đầu tiên viết về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Với ý nghĩa giá trị tinh thần của tác phẩm và trên thực tế khi nghe tác phẩm chúng tôi thấy tấm lòng, trách nhiệm cũng như hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm đối với sự nghiệp biên phòng toàn dân của cả nước. Chúng tôi xin hứa với hương hồn liệt sĩ Như Trang cũng như gia đình bạn bè của liệt sĩ là sẽ cố gắng bằng các biện pháp và hình thức khác nhau để nhân rộng giá trị tinh thần của tác phẩm".
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét