Khiemnguyen

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Văn nghị luận phải viết thế nào?

Lóng nầy trong báo giới Hà Nội đương có cuộc tranh biện về lối văn. Báo Đông phương ra sức công kích lối văn Hoàng Tích Chu; còn Đông tây, báo của ông Chu, cũng ra sức biện hộ cho mình. Cuộc tranh biện chưa xong, chưa biết bên nào được thắng lợi. Tôi viết bài nầy, cốt mượn việc ấy làm đề mục để phát biểu ý kiến, chớ không có ý đập huội theo bên nào.
Trong văn Quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là lối văn Hoàng Tích Chu, sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi. Chẳng luận lối văn ấy ông Chu sáng tạo ra hay bắt chước của ai; nội một cái biệt lập ra một nhà được như thế, cũng khá gọi là tay hào kiệt trong làng văn vậy.
Đối với lối văn ấy, tôi nửa phần thì tán đồng, nửa phần thì bất mãn. Tôi tán đồng ở cái chỗ bố cuộc khá mới, đặt câu khá gọn, nhứt là có nhiều khi hiểu được cái ý của tác giả ở bên ngoài lời văn. Nhưng lối văn Hoàng Tích Chu không phải toàn được như vậy hết đâu; lắm khi lại thấy như là tạp nhạp, lắm khi lại thấy như là vô duyên; còn một điều dễ tức mình nhứt là lắm khi không rõ, đọc xong một bài mà chẳng biết nói chuyện chi: ấy đó là những chỗ tôi lấy làm bất mãn.
Bất kỳ văn của ai đồng thời với tôi đây, tôi đều lấy tinh tâm mà đọc, không dám bỏ qua một người nào hết. Huống chi văn Hoàng Tích Chu đã là biệt riêng ra một lối, nên tôi càng chú ý hơn. Nhiều khi tôi thấy như ông giãi bày cái lý gì cao sâu lắm, đọc qua không hiểu liền nổi, phải định tâm mà suy nghĩ cho thiệt lung. Suy nghĩ lâu rồi tôi cũng hoàn không hiểu! Như thế, tôi phải hạ một câu kết luận lưỡng cước rằng: Một là ông Hoàng Tích Chu đã lãnh hội được những lẽ cao thâm huyền diệu quá sức óc của tôi đến nỗi khó đem lời nói mà giải ra; một là trong tay của ông chẳng có cái bánh cây kẹo gì hết, mà ông làm bộ nắm chặt lại để phỉnh tôi, cho tôi nhễu nước miếng và chạy theo ông mỏi cẳng.
Nhơn đó tôi lại hạ một câu kết luận thứ hai nữa. Tôi nói: Lối văn Hoàng Tích Chu ấy mà muốn vĩnh viễn thành lập trên văn đàn, bề nào cũng phải cải lương. Mà sự cải lương nầy không cốt ở sửa đổi đẽo gọt bề ngoài, phải nhờ ở công học vấn bên trong mới được. Bởi vì theo câu kết luận thứ nhứt của tôi, một là trong óc có lý mà nói không ra, hay một là trong óc không có lý, hai cái khuyết điểm ấy cũng chỉ có gia công học vấn thì mới bổ cứu được mà thôi.
Tôi tin rằng lối văn Hoàng Tích Chu có thể đứng vững thành một phái nếu người chủ trương nó có công học vấn cho thành thục, trong óc chứa lý được dồi dào và thấy lý được sáng suốt. Bằng chẳng vậy, chỉ lo bố cuộc cho mới, đặt câu cho gọn, là sự trang sức ở bề ngoài, thì, bây giờ đây chưa đến nỗi chớ sau riết rồi nó thành ra lối văn bịp như người ta đã bình phẩm đó, chẳng khó gì đâu.

*
 
Khi tôi bắt đầu viết bài nầy có ý dự vào cuộc tranh biện ấy để phát biểu ý kiến mình đôi chút; nhưng sau rồi ngó thấy cái phạm vi rộng quá, tôi bèn khép bớt lại mà chuyên nói một lối văn nghị luận mà thôi.
Từ đây nhẫn xuống tôi muốn chỉ ra những sự đắc thất trong lối văn nghị luận, là thứ văn dùng trên báo chí hằng ngày, và cũng tỏ ra cái khuynh hướng của phần riêng tôi, để góp một cái ý kiến vào văn giới. Đến như lối văn Hoàng Tích Chu, theo tôi, nói như trên đó là đủ.

*
 
Người ta trước khi làm việc gì cũng phải nói. Nói để bàn bạc sự lợi hại nên hư rồi sau mới làm. Cái nói ấy, tức là văn nghị luận đó. Vậy thì văn nghị luận không lấy văn làm mục đích mà lấy việc làm làm mục đích, là lẽ đành rành.
Trong sách nho có câu giống như là ngôn khả đễ vu hành thì phải, nghĩa là lời nói có thể đem mà làm ra được; câu ấy thật đáng làm nguyên tắc cho văn nghị luận. Bốn chữ khả đễ vu hành đó nó bao hàm không biết bao nhiêu sự lý mà kể. Khi mình nghị luận một việc gì phải nhắm trước nhắm sau, tính lui tính tới, quý làm sao cho khỏi thành ra lời nói suông, thật không phải dễ.
Một bài văn nghị luận, lời xuôi lẽ thuận rồi, điều lý rõ ràng rồi, lại còn phải đối chiếu với hoàn cảnh khắp cả các phương diện, nếu không có gì trở ngại cho sự thiệt hành thì mới là một bài văn hay.
Có nhiều bài xã thuyết thấy trên các báo, luôn luôn bàn về những giáo dục, kinh tế v.v., mà đều là những chuyện đâu đâu, không thiết thiệt gì với việc của mình đây hết. Những văn suông ấy thật là trái với cái nguyên tắc nói trên kia, chẳng qua viết để đầy trương giấy mà chơi, cố nhiên là không có mục đích về việc làm. Ta nên bỏ qua nó đi mà nói về thứ văn nghị luận có mục đích.
Đại để những bài văn bàn về tiền đồ chánh trị nước ta nên xu hướng thế nào, về văn hóa nước ta nên bồi bổ làm sao, hay là rút nhỏ lại, như bàn về việc cải lương hương chính, cải lương nghề hát xướng: ấy đều là văn nghị luận có mục đích, cái mục đích ở nơi muốn người ta làm theo lời của mình. Nhưng trong những bài văn ấy hiện ngày nay cũng còn thấy ra lắm điều khuyết hám.
ấy chẳng có gì lạ hơn là trong óc ai nấy đã nhiễm cái độc của văn khoa cử nhiều quá đi. Đại để văn khoa cử hồi xưa quý viết cho có lời và lời cho chải chuốt, chớ không cần đem mà gióng với việc làm, bởi vậy mới gọi là hư văn. Xin độc giả chớ tưởng khoa cử đã bỏ lâu rồi thì cái lối văn ấy cũng tiêu diệt hết mà lầm. Giữa loài người xưa nay vẫn có cái luật di truyền, về sanh lý(*) cũng như về tư tưởng. Thế thì cái lối văn khoa cử nó cũng theo luật di truyền mà ở từ óc ông cha chúng ta sang qua óc chúng ta, là sự chẳng khó gì hết vậy.
Chúng ta thử đọc một đôi bài văn nghị luận - nghị luận việc quan hệ lợi hại lắm chớ - mà trong đó thấy dẫn vào không biết bao câu thí dụ, thì đã biết là có giá trị gì không rồi. Phàm trong văn mà dùng lời thí dụ là phần nhiều bởi khi nói về triết lý, cái lý khó hiểu phải dùng thí dụ mà giải ra cho dễ hiểu vậy thôi. Chớ khi nghị luận thì cứ băm vào việc mà nói, việc nên làm thế nào, nói hẳn ra thế ấy, nào có cần chi thí dụ?
Tóm lại, văn nghị luận phải viết cho thật rõ, lại phải cho ý tứ dồi dào mà đừng có lời dư. Nó như là vẽ một cái địa đồ. Ông chưa biết đường sá trong thành phố Sài Gòn đây ra sao, ông nhờ tôi vẽ một bức địa đồ Sài Gòn cho ông, nếu ông nắm bức địa đồ ấy mà đi không lộn, tức là tôi vẽ được đó. Viết văn nghị luận cũng vậy, nếu đem ra thiệt hành được, ấy là văn hay.
Nếu vậy, có một điều đáng lo cho lối văn Hoàng Tích Chu nữa. Vì lâu nay đã thấy rồi, hình như nó dùng vào nghị luận không lợi lắm là tôi nói kém sự rõ.

Phan Khôi
Trung lập, Sài Gòn, s.6491
(Phụ trương văn chương số 12, thứ bảy 18.7.1931)
(*) sanh lý (sinh lý) ở đây tương tự "sanh ý", "sanh phương", đều có nghĩa là "phương làm ăn" (H.T.Paulus Của, sđd.); chưa có từ sinh lý với hàm nghĩa physiologie (sinh lý học, đời sống của các sinh vật).
 
© Copyright Lại Nguyên Ân 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét