Ngay 08/02/1941, Hồ Chủ tịch về nước, bắt đầu xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng. Dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch, Hội nghi Trung ương Đảng đã họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị đã vạch ra chính sách mới của Đảng và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, Hồ Chủ tịch quyết định xuất bản báo Việt Nam độc lập làm cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Cao Bằng.
Báo Việt Nam độc lập in ở Khuổi Nậm (Pắc Bó, Cao Bằng), số đầu ra ngày 01/8/1941. Để giữ bí mật, số đầu được đánh số là số 101. Báo ra mỗi tháng ba kỳ, mỗi kỳ in hơn 400 bản. Báo in đá trên khổ giấy nhỏ, có 2 trang. Trong số ra mắt, báo Việt Nam độc lập nói rõ mục đích của mình là: “cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”.
Báo Việt Nam độc lập do Hồ Chủ tịch sáng lập. Sau 30 năm hoạt động ởnước ngoài và xuất bản các báo Le Paria, Việt Nam hồn, Thanh niên, Hồ Chủ tịch về nước hoạt động và xuất bản báo ở trong nước, đây là lần đầu tiên Hồ Chủtich sáng lập một tờ báo trên mảnh đất của Tổ quốc. Hồ Chủ tịch là người lãnh đạo trực tiếp báo Việt Nam độc lập. Mặc dù bản nhiều công việc lãnh đạo cách mạng, Hồ Chủ tịch vẫn tham gia duyệt bài, viết bài cho báo Việt Nam độc lập. Báo Việt Nam độc lập thường có các mục: xã luận, tin trong nước, tin thế giới…Các bài báo thường ngắn gọn, dễ hiểu. Tờ báo lên án những tội ác dã man của Nhật, Pháp và tay sai; phân tích tình hình và nhiệm vụ cách mạng, giúp cán bộ và nhân dân hiểu đúng tình hình và hành động đúng với chủ trương của Đảng.
Với lời văn của báo giản dị, trong sáng; báo có đăng nhiều bài văn vần đểcho bạn đọc dễ nhớ; nội dung các bài báo đều thiết thực, phù hợp với trình độ quần chúng. Do vậy, quần chúng quý trọng và hết lòng ủng hộ báo Việt Nam độc lập. Quần chúng bảo vệ cơ quan in báo, giúp mua giấy, mua mực in báo, tiếp tế lương thực thực phẩm cho anh em tòa báo; gửi tiền ủng hộ báo và cổ động cho tờ báo...
Ra đời trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, dưới ách thống trị tàn bạo của giặc Nhật, giặc Pháp, nhưng được quần chúng hết lòng ủng hộ, báo Việt Namđộc lập vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày Cách mạng thắng lợi. Tính đến ngày 30/9/1945, báo Việt Nam độc lập ra được 129 số.
Nguồn: Hồng Chương, 120 năm báo chí Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét