Khiemnguyen

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Tắt đèn, Bước đường cùng hay Tắt lửa lòng...



Sắp kỷ niệm lần thứ 14 năm hắn về cống hiến ở đây, cũng là dịp kỷ niệm lần thứ 14 hắn chẳng làm việc gì. Mười bốn năm trong một cuộc đời làm việc gần như một con số tuyệt đối đối với một sự nghiệp, bởi thời gian còn lại quá ngắn để mà hy vọng hay chờ đợi điều gì nữa. Từ lâu nay, hắn cũng nhiều kẻ khác luôn chờ đợi điều gì đó ở phía trước, điều mà chẳng ai có thể nói thực sự nó là cái gì và là thế nào, nhưng vẫn cứ hy vọng, vẫn cứ chờ đợi, tất cả đang dần trở nên vô vọng. Mười bốn năm đèn sách là chính, đèn sách vừa là đam mê và cũng là điều bắt buộc, bởi hắn đã đọc được ở đâu đó rằng loại người chẳng làm được việc gì là loại bị đẩy đi học, học nữa, học mãi… và chẳng để làm gì.
Hắn cũng như bao nhiêu người khác, mong muốn lớn nhất không phải là chuyện ăn không ngồi rồi, không hẳn đã là ngại khó ngại khổ, mà là mong muốn có việc mà làm, nhưng chẳng có việc gì cho hắn cả. Người ta nói lỗi tại hệ thống, một hệ thống chạy không trơn chu thì đương nhiên từng mắt xích, từng con ốc hoặc là gỉ nát hoặc là lỏng lẻo. Khi thói đời đầy rẫy những đố kỵ, ganh ghét, vun vén cá nhân… thằng nào đứng ngoài vòng xoáy đểu giả ấy là thằng khốn nạn. Giữa những kẻ khỏa thân, đứa mặc quần áo là đứa khiêu dâm nhất. Nghĩ lại mà thấy thấm thía và cay đắng.
Ông cụ có kể lể rằng, bao năm qua ông cụ chẳng được giao một việc gì hữu ích, rằng luôn đứng bên lề và bên ngoài tất cả cuộc chơi. Vận vào thân, hắn thấy đúng như vậy. Cả buổi trưa lục tung internet để tìm lại câu sấm của cụ và đã tìm thấy… Ai bảo nhiều chữ nhiều nghĩa mà vận vào thân cho mệt người. Biết thế mà chẳng làm gì được. Đau đớn và bất lực. Muốn chửi ai đó mà cũng chịu, chẳng biết đổ lỗi cho ai, cuối cùng là tự chửi mình, chửi số mình chẳng ra làm sao cả.
Ngoài kia trời đang nổi gió, nắng không ra nắng, mưa không ra mưa, sự trắc trở của trời và đất như đang đồng cảm với hắn. Mưa thì sao và nẵng thì sao… thế nào cũng tốt, còn hơn tất cả cứ lửng lơ lơ lửng như bây giờ.
Khi lửa lòng đã nguội, cảm giác chán đã là vô cùng rồi, nhưng khi bị người ta dội thêm cho một gáo nước lạnh nữa, cảm giác ấy không chỉ là chán nữa mà thực sự nó đã là một cảm giác khác, cảm giác của sự vô vọng và bất hạnh.
Lâu nay hắn vẫn cho rằng, nỗi thống khổ của người nghèo không phải là chuyện hôm nay ăn gì mặc gì mà đau khổ nhất là không có gì chờ đợi họ ở phía trước, ở ngày mai ngày kia. Hắn đúng là một người nghèo khổ thật rồi.

1 nhận xét:

  1. Vậy những ai thiếu hy vọng (thậm chí tắt hy vọng) thì nên làm gì, thưa Tiến sĩ?

    Trả lờiXóa