Khiemnguyen

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

"Phải gây cười mới gọi là tiểu phẩm"


                                                                                  Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa:
“Phải gây cười mới gọi là tiểu phẩm”
AT - Nhân dịp Nhà xuất bản Trẻ và báo Tuổi Trẻ vừa kết hợp tổ chức giao lưu ra mắt một số đầu sách mới chào mừng 35 năm thành lập báo Tuổi Trẻ, nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa đã dành cho Áo Trắng một cuộc trò chuyện ngắn xoay quanh sở trường của ông: tiểu phẩm trào phúng.
* PV: Thưa ông Lê Văn Nghĩa, trong rất nhiều thể loại văn chương/báo chí, tại sao ông lại chọn tiểu phẩm làm niềm đam mê?
- Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Thực lòng mà nói thì mỗi người thường có một cách viết, do đó sẽ phù hợp với một thể loại khác nhau. Tôi cảm thấy thoải mái khi viết tiểu phẩm châm biếm. Không phải là đam mê gì lớn lao đâu.
* Ông cho rằng tiểu phẩm là một thể loại văn chương hay báo chí? Vì sao?
- Theo tôi biết, tiểu phẩm trước hết là một thể loại báo chí. Từ trước năm 1975, ở miền Nam đã có các mục "Film du jour" (Phim trong ngày) trên các báo dùng để bàn luận vui vui về các chủ đề thời sự. Đó là tiền thân của tiểu phẩm trong làng báo Sài Gòn. Khi nói tới tiểu phẩm báo chí, người ta thường hiểu là các bài viết ngắn như Bút Bi trên Tuổi Trẻ. Tiểu phẩm văn học ra đời do phong cách người viết mang đậm chất văn. Nói cách khác, đó là dạng tiểu phẩm mang tính hư cấu nhiều hơn và dài hơi hơn. Nhưng quan trọng nhất, phải gây cười mới gọi là tiểu phẩm.
* Vậy ông tự thấy mình có phẩm chất của một nhà văn hay một nhà báo viết tiểu phẩm nhiều hơn?
- Công tác ở báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười đã lâu, tôi thấy mình trước hết là một nhà báo. Những tác phẩm trào phúng tôi viết phần lớn là tác phẩm báo chí, ngắn gọn dễ hiểu, đi vào vấn đề. Khi viết tôi thường dùng những biện pháp tu từ văn học để tác phẩm hấp dẫn hơn, nhưng đầu tiên đó vẫn là một tác phẩm báo chí.
* Có khi nào ông thấy thất vọng vì tác động xã hội của tiểu phẩm còn hạn chế?
- Tất nhiên cũng có lúc buồn nhưng không nên đặt cho một bài báo quá nhiều trách nhiệm xã hội. Theo kinh nghiệm của tôi, tiểu phẩm hay bất kỳ một bài báo nào cũng dùng để nêu lên sự kiện cho người đọc biết, từ đó đi sâu vào bàn luận bản chất sự kiện đó. Báo chí tác động vào dư luận xã hội, nêu lên cái sai, cái xấu. Còn để biến chuyển cái sai, cái xấu thành cái tốt, cái đẹp thì cần phải có sự tác động rất lớn của Nhà nước, vì chức năng của Nhà nước là quản lý xã hội.
* Quy trình viết một bài báo hay một tiểu phẩm của ông như thế nào?
- Đầu tiên tôi tìm hiểu một sự kiện vừa mới xảy ra, còn "nóng sốt". Sau đó nhân sự kiện đó, tôi tìm góc nhìn châm biếm và viết thành bài báo trào phúng. Đó là khi viết tiểu phẩm báo chí. Còn tiểu phẩm văn học cần nhiều sự nghiền ngẫm hơn, độ sâu lắng của nụ cười cũng nhiều hơn.
* Ông có đặt cho mình một thời gian biểu khắt khe khi làm việc không?
- Tôi là người làm báo, mà đã viết báo thì bài báo phải "nóng", người viết phải kỷ luật. Kỷ luật là một phần trong tác phong chuyên nghiệp của nhà báo. Cứ đúng giờ, anh nhà báo phải ngồi vào bàn và viết cho được tác phẩm, còn bài hay dở là do góc nhìn và nhiều yếu tố khác.
* Theo ông, điều gì làm nên một tiểu phẩm hay?
- Chuyện hay hoặc không hay còn tùy vào từng người cảm nhận. Theo tôi, tiểu phẩm báo chí hay khi nó nói lên được vấn đề nhiều người đang suy nghĩ, đồng thời phải đủ độ "chín", phải "thấm". Nụ cười trong các tiểu phẩm văn học cần sâu sắc, kín đáo hơn tiểu phẩm báo chí.
* Dung lượng của tiểu phẩm bao nhiêu chữ là vừa?
- Chừng 300-500 chữ là đủ. Với dạng văn học thì có thể dài hơn, khoảng 1.000-1.500 chữ. Bạn đọc hiện nay không có nhiều thời gian, nên viết ngắn gọn.
* Một tiểu phẩm nên đề cập một hay nhiều vấn đề trong cuộc sống?
- Chỉ nên nói về một vấn đề. Ngay chữ "tiểu" trong "tiểu phẩm" đã cho thấy sự ngắn gọn của bài viết. Bài viết ngắn không nên ôm đồm. Có thể dùng sự kiện khác để minh họa cho điều mình viết, nhưng không nên dẫn dắt từ chuyện này sang chuyện khác, gây khó hiểu cho bạn đọc.
* Nhà văn - nhà báo Vũ Đức Sao Biển - tức Đồ Bì - khi giảng dạy bộ môn tạp văn và tiểu phẩm tại Đại học KHXH&NV TP.HCM có nhận định rằng đối với người mới bắt đầu thì đọc nhiều và đọc sâu là một trong những điều kiện quan trọng nhất để viết tiểu phẩm tốt. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?
- Tôi nghĩ đối với bất kỳ ai, đọc nhiều và đọc sâu cũng là điều rất cần thiết. Việc đọc tạo cho ta một cái nhìn có nền tảng và sâu sắc về cuộc sống. Đối với người viết tiểu phẩm, hay nói rộng hơn là làm báo viết văn thì việc đọc lại càng quan trọng hơn. Đọc nhiều giúp ta phát hiện được nhiều điều, nhiều góc nhìn hơn từ cuộc sống. Tôi rất đồng ý với nhận định của anh Đồ Bì.
* Nếu có dịp, ông sẽ đến giao lưu với các sinh viên báo chí xung quanh đề tài tiểu phẩm và cách viết tiểu phẩm chứ?
- Tất nhiên là vậy rồi. Nhưng tôi không dám nói là dạy hay truyền đạt kinh nghiệm gì, vì thật ra mình cũng không biết gì nhiều (cười). Nói là trao đổi thì đúng hơn. Theo tôi, cái cơ bản là người làm báo phải đọc, phải sống và phải viết. Viết tiểu phẩm phải cố gắng học được ngôn ngữ của quần chúng thì bạn đọc mới dễ hiểu và dễ nhớ. Viết mà người đọc không hiểu là thất bại hoàn toàn, nhất là viết truyện cười.
* Xin cám ơn nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa . Chúc ông luôn khỏe mạnh và lạc quan.
ANH TÚ (thực hiện)
Nguồn: http://tuoitre.vn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét