Khiemnguyen

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

“Ngô Tất Tố - một cây viết chuyện phiếm”



(TTC)Hiện nay, đa số các tờ báo ra hàng ngày của ta đều có một mục nhỏ, chuyên luận bàn thế sự bằng một giọng văn châm biếm.
Chuyên mục này luôn hấp dẫn bạn đọc vì tính thời sự - và quan trọng hơn - là tính thời sự được viết bằng giọng văn cà khịa, châm biếm đến nhột. Có thể kể báo Tuổi Trẻ có chuyên mục Chuyện thường ngày (Bút Bi), Lao Động Nói hay đừng (Lý Sinh Sự), báo Saigon Tiếp Thị có mục Phiếm (Người Già Chuyện). Các giáo trình báo chí thường gọi chuyên mục này là tiểu phẩm (?); các báo Sài Gòn ngày trước gọi là mục “phim”. Riêng nhà văn Vũ Bằng trong bài viết Giai đoạn của những cái cười du học Pháp cho rằng đây là “mục ‘phim đuy dua’ (fi lm du jour) theo kiểu ‘propos du Huron’ của De LaFon Chandiere mà người đầu tiên du nhập vào nước ta và làm nổi bật là Hoàng Tích Chu”.
Như vậy, theo nhà văn Vũ Bằng thì thể loại này ra đời lúc tờ báo Duy Tân - tờ báo châm biếm tiền phong trong làng báo Việt Nam ra đời. Với kinh nghiệm “40 năm nói láo”, nhà văn Vũ Bằng đã nhận xét cái khó khăn của chuyên mục này mà theo tôi, các cây bút chuyên viết mục này vẻ hết sức “tâm phục, khẩu phục”.
“Ngã vào làng báo mấy chục năm và từng đứng ra cộng tác hay tổ chức nhiều tờ sống lâu có, chết yểu có, tôi nghiệm thấy một điều này: Cứ sắp ra một tờ báo nào - hoặc hàng ngày, hoặc hàng tuần - thể nào cũng có ít ra vài chục ông bạn đến chơi nói chuyện và vui lòng nhận viết giúp cho mục “phim đuy dua” kiểu “Chuyện đâu”, vì ông nào cũng tưởng là mình “hóm hỉnh”, “có duyên”, viết cười cợt, châm biếm tài tình có một, bỏ xa tất cả những người khác, nhất là những nhà văn tiền chiến!
Sự thực đâu có thế! Nếu trong văn chương mà có một thể văn nào khó viết, mà lại đòi hỏi nhiều “trí khôn” và duyên dáng cũng như kiến thức, tôi ngờ rằng đó là cái thứ văn cười cợt châm biếm vừa nói trên kia.
Đa số người cầm bút - nhất là các ông trẻ bây giờ - tưởng đâu là dễ, nhưng nếu cứ để cho các ông ấy giữ mục đó trong tờ báo, có nhiều phần chắc chắn là chỉ dăm ba số thì các ông cạn nguồn cảm hứng. Ấy là thí dụ các ông ấy viết được. Thực ra, thì tưởng mình viết được là một chuyện mà viết được thật lại là chuyện khác. Làng báo làng văn ta đã từng được thấy bao nhiêu “cây bút hoạt kê, châm biếm bất đắc dĩ ấy” không biết làm trí khôn thế nào, đã xoay ra chửi càn, chửi bậy, đào ông bới cha người ta lên để đi đến một kết quả là bị mang lấy cái tiếng là quân vô học.
Viết văn hoạt kê châm biếm theo thể văn “phim”, người viết phải tỏ ra có học hơn cả các nhà văn khác và ngộ nghĩnh hơn các nhà văn khác. Không kể các cây cười như Phùng Tất Đắc, Hoàng Tích Chu mà tôi đã nói trên kia, trong các nhà văn tiền chiến ở vào giai đoạn của những cái cười “du học Pháp về”, tôi nghĩ cũng không có bao lăm người đáng kể” (B.đ.d.).
Nhưng điều làm người đọc hậu sinh ngày nay vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhà văn Vũ Bằng đóng dấu son kính phục cho một ông đồ Nho học cực kỳ nghiêm túc. Đó là tác giả của “Lều chõng”.
“Nếu trong các nhà văn tôi được biết trước đây mà có một “chuyên viên” về lối văn cười cợt châm biếm mệnh danh là “phim”, “chuyện phiếm”, “nói hay đừng”... chúng ta phải kể một nhà văn nổi tiếng đạo mạo, tác giả những pho sách giá trị như “Văn chương đời Lê”, “Văn học đời Trần”, “Mặc Tử”... “Vương Dương Minh”... Đó là Ngô Tất Tố, một nhà Nho học rộng, tài cao mà báo Duy Tân tôi đã nói ở trên kia vẫn chế riễu xỏ xiên kêu là “Đồ Tố” và “nói sưng sưng” lên là “mắt nhoèm, suốt đời không biết ăn kem Bờ Hồ”.
Trên mấy tờ báo “Dư Luận”, “Tương Lai”, “Công Dân”, “Việt Nữ”, Ngô Tất Tố đã tỏ ra là một tay châm biếm vào hạng “pho”, giữ thường xuyên mục đó và ký là Ngô Công (muốn hiểu là ông Ngô hay con rít đều được cả!). Tôi vẫn còn nhớ những bài hóm hỉnh, súc tích, xỏ xiên một cách văn vẻ, nói năng một cách đểu giả nên thơ của Ngô Công chửi ông Thiếu Hoàng Trọng Phu, Thống sứ Tholance. Viết rất tài tình, như bài “Mưa theo xe” chẳng hạn... đọc lên mông lung, sổ ra không biết bao nhiêu điển tích về mưa về gió, rồi kể lại sự tích thế nào là “mưa theo xe” để kết cục chửi Thống sứ Tholance, theo điển cũ, hết hạn ở Đông Dương về nước, trời giáng cho một trận mưa để rửa hết những rác rến, dơ bẩn, xấu xa mà ông đã làm ở Việt Nam... Cái tài châm biếm của Ngô Tất Tố, trong quĩ đạo văn phúng thế, thật là đa diện: cái gì cũng biết tí ti, Nho có, Tây có, lúc cần, sổ thơ chữ Nho, nhớ không biết bao nhiêu ca dao tục ngữ, mà lại có tinh thần Nho giáo, ăn nói sâu xa, ý nhị, chua cay mà vẫn hòa nhã, xỏ xiên mà không đến nỗi làm cho người bị riễu mất mày mất mặt... Riêng tôi, tôi nhận Ngô Tất Tố là một “cây chuyện phiếm” mà cho đến bây giờ - vẫn theo ý kiến thô lậu của tôi - ít có cây bút phúng thế nào sánh kịp” (B.đ.d.).
Tôi nghĩ, với nhận xét về nhà văn Ngô Tất Tố như trên, cũng là một cách đúc kết khả năng và sở học cần có của một người viết mục “phim”. Rất cần thiết cho những ai ham thích viết thể loại rất ư là... nhỏ như con thỏ này!

LÊ VĂN NGHĨA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét