Khiemnguyen

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Đọc Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng

Vũ Bằng sinh năm 1914, mất năm 1984, năm nay là 95 năm ngày sinh và 25 năm ngày mất của ông. Thắp một nén nhang tưởng nhớ đến ông, càng suy ngẫm về ông, về những tác phẩm của ông  để lại ta càng phát hiện ra thêm nhiều bài học bổ ích…


          Vũ Bằng quê gốc ở Hải Dương, mảnh đất vốn được mệnh danh là  “địa linh nhân kiệt”. Sinh ra trong một gia đình Nho học nổi tiếng, Vũ Bằng đã đứng vững trên mảnh đất Việt giàu văn hiến để tiếp thu một cách sáng tạo những tinh hoa của văn hóa phương Tây trong  “cuộc biến thiên vĩ đại” của lịch sử văn hóa dân tộc. Từ nhỏ đã theo học trường Albert  Sarraut  - một trường trung học của người Pháp nổi tiếng toàn Đông Dương thời đó, Vũ Bằng  đã nhanh chóng tiếp cận văn hóa phương Tây và nghề viết báo – một nghề hoàn toàn mới lạ đối với trí thức Việt Nam hồi đó. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường – 16 tuổi – Vũ  Bằng đã say mê viết văn, viết báo và đã là cộng tác  viên thường xuyên của những tờ báo nổi tiếng lúc đó như tạp chí Hữu Thanh và nhật báo Trung Bắc Tân văn .Cũng thời gian này, Vũ Bằng đã trinh làng tập tùy bút châm biếm Lọ văn – được người đọc đương thời xếp ngang hàng với  Essais cuả nhà văn Pháp Montaigne. Theo nhà báo Thượng Sĩ, người bạn chí cốt của  Vũ Bằng thì tác phẩm của Vũ Bằng đã được in ra mới có khoảng hai chục cuốn gồm đủ các loại: tùy bút, phóng sự , truyện dài, truyện ngắn, dịch thuật, hồi ký, khảo luận. Nhưng tác phẩm của Vũ Bằng nếu được tuyển chọn, thu thập những cái đã đăng rải rác trên khắp các báo chí suốt gần nửa thế kỷ thì ít nhất cũng được khoảng một trăm cuốn nữa… Có thể nói, sức viết của Vũ Băng thật là lớn…



   
Kết thúc tập sách Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng đã có những lời thật tâm huyết, “thật là Vũ Bằng”: “Tôi biết rằng nếu một ngày kia, Trời xử phiên án cuối cùng, hỏi tôi nếu cho trở lại làm người thì sẽ làm gì, tôi cũng sẽ nói không cần suy nghĩ gì hết và chỉ trả lời một câu: Người mẹ nào sinh ra con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế, nhưng mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!”


      Chỉ với hai cuốn sách Thương nhớ mười hai và Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng đã hoàn toàn chinh phục người đọc và khẳng định được vị trí độc đáo của mình trong làng văn, làng báo từ những năm ba mươi đến những năm bảy mươi. Có thể dẫn lại đây lời nhận xét của nhà báo Thượng Sỹ về cuốn “Bốn mươi năm nói láo” mà theo như nhiều nhà phê bình kỳ cựu thì đó là nhận xét khá chính xác:


        “Với một lối diễn tả giản dị, thân mật, chan chứa tính cách trào lộng, Vũ Bằng đã phác lại thật độc đáo, thật linh động, những khuôn mặt của mấy thế hệ làm báo, những nhân vật nổi danh một thời, đã làm lịch sử, và đi vào lịch sử, hoặc chết đi, hoặc còn sống, hiện có mặt  ở đây hay nơi khác. Những nhân vật này lần lượt xuất hiện mỗi người hiến cho độc giả một vài mẩu chuyện vui có, buồn có, nhưng thật mới lạ. Cho nên có thể nói, đọc “Bốn mươi năm nói láo” chẳng  khác đọc lịch sử báo chí xứ này trong vòng già nửa thế kỷ 20”.


   Đó chính là nói về biệt tài viết chân dung nhân vật của Vũ Bằng. Thể loại  Chân dung văn học là hoàn toàn mới trong làng văn làng báo VN. Vì thế, có thể nói rằng, Vũ Bằng chính là một trong những người đi tiên phong trong thể loại chân dung văn học với những trang viết  độc đáo về những nhà báo, nhà văn VN đầu thế kỷ như: Nguyễn Văn Vĩnh, Phùng Tất Đắc, Ngô Tất Tố, Vũ Đình Long, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Thâm Tâm, Thanh Châu, Nguyễn Tuân, v.v… Chẳng hạn như những đoạn về Vũ Trọng Phụng viết như thế này:




   “Vũ Trọng Phụng không bao giờ có thời giờ để viết quá mười trang giấy. Cứ gần đến ngày phải nạp bài cho Hà Nội báo – tiểu thuyết Giông tố bắt đầu viết từng kỳ trên báo này – Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước Giông tố đã viết đến đoạn nào rồi không. Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc Giông tố hết. Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìm Hà Nội báo để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lai khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sanh sống. Bây giờ Phụng đã ra người thiên cổ; nhắc đến anh, người ta thường kể lại một câu nói của anh: “Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bí tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này!”. Và một đoạn văn khác nói về phong thái Vũ Trọng Phụng:


  “Về sau này, Vũ Trọng Phụng mòn mỏi đi, một phần lớn cũng là vì thức đêm thức hôm để viết cho nhiều báo như Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm, Hà Nội tân văn, lấy tiền, nhưng cuộc sống của anh ở bên ngoài đối với những người lạ, không có vẻ gì vất vả; trái lại, anh lại ra cái dáng nhàn nhã, ung dung là khác. Dù bận rộn viết lách đến mấy đi nữa, tuần nào anh cũng đọc hàng chục tờ báo Pháp để học thêm. Trong anh em, có thể nói anh là người hiểu rõ tinh thần của giọng văn “Canard Enchainé” nhất, mà anh cũng am hiểu nhất chính trị ở nước Pháp và thế giới lúc bấy giờ”.


         Vũ Bằng không chỉ đa tài, đa năng trong cái nghiệp “viết lách” mà ông còn là một nhà biên tập mẫu mực của làng báo. Sự ảnh hưởng của ông đến độc giả và những nhà văn, nhà báo tương lai không chỉ bằng tác phẩm mà bằng cả phong cách làm việc của ông trong 40 mươi năm làm việc cho nhiều tờ báo. Ông có “con mắt tinh đời”và tấm lòng nhân hậu nên đã nhanh chóng phát hiện chính xác những khả năng còn mới đang nhú mầm và đã tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng nó. Nói dài về điều này e không hay nên chỉ có thể  “tóm lại” bằng cách dẫn lại đây lời nói của nhà văn Lý Văn Sâm – một nhà văn  “chuyên viết truyện đường rừng” nổi tiếng của làng văn Sài Gòn: “Nếu không có Vũ Bằng thì cũng không có nhà văn Lý Văn Sâm!”.


     


    






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét