Khiemnguyen

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Mối quan hệ văn học và báo chí


Báo chí Việt Nam hiện nay có chịu nhiều ảnh hưởng của văn chương hay không? Đó là vấn đề còn đang gây nhiều tranh cãi. PGS - TS. Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên khoa Báo chí (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có cuộc trao đổi ngắn với Tuần Việt Nam về vấn đề này.
- Là một giảng viên của khoa báo chí, đồng thời bà cũng là một người viết văn, một nhà báo. Vậy xin được hỏi bà, xét trên thực tế hoạt động báo chí thì ngày nay liệu văn chương và báo chí có còn bất phân?
Văn - báo không bất phân. Văn là văn, báo là báo. Chỉ có duy nhất một chỗ đáng lưu ý là những tác phẩm văn học đăng trên báo chí và những bài viết mang tính văn bản truyền thông đặc thù. Văn báo bất phân chỉ tồn tại trong nửa đầu thế kỉ 20 khi Việt Nam chưa có nổi một nền văn học. Thời đó, báo chí là nơi đăng tải tác phẩm văn học, là nơi dạy người ta viết văn.
- Nhưng trên báo chí hiện nay vẫn tồn tại những bài viết miêu tả dông dài. Đó có phải là do ảnh hưởng của cách viết văn?
Cần phân biệt tính văn học với sự dông dài. Báo chí rất dứt khoát, rõ ràng. Có 2 loại tác phẩm: một là tác phẩm thông thường mang tính thông tấn cao, không pha tạp văn chương, đòi hỏi sự trong sáng của thông báo và ngôn ngữ. Mỗi một chữ là một thông tin, mỗi một dòng là một thông báo, cả tác phẩm phải đạt tới sự trong sáng đó.
Ngoài ra có một loại văn bản khác chồng lên văn bản loại một là văn bản truyền thông đặc thù dùng để bình luận về các tác phẩm văn học nghệ thuật. Văn bản này được viết bằng một thứ bình luận văn chương.
Thực tế đó dẫn đến một số người sự lầm lạc. Bởi mỗi một loại truyền thông như vậy đòi hỏi một cách viết riêng. Báo chí dứt khoát từ chối cách viết của văn học.
 - Những bài viết như vậy cần được gọi tên là gì?
Làm gì có tên gọi. Đấy là những tác phẩm kém cỏi và ngu ngốc, đáng vứt vào sọt rác. Không thể đổ lỗi lầm đó cho việc ảnh hưởng của văn học, không thể làm nhục văn học. Không thể viết dài mà đổ tội cho văn học được. Ngắn dài không quan trọng mà quan trọng là hàm lượng thông tin.
- Lấy ví dụ ở thể loại phóng sự, báo chí nước ngoài coi trọng yếu tố thông tin. Vậy tại sao phóng sự của Việt Nam xuất hiện quá nhiều cái "tôi" của tác giả (cái "tôi" của tác giả vẫn được coi là một đặc trưng trong lĩnh vực viết văn)?
Bởi phóng sự Việt Nam sinh ra trong một hoàn cảnh văn hóa khác. Phóng sự phải phục vụ cho nền văn hóa ấy và đã được Việt Nam hóa. Phóng sự Việt Nam viết theo cách của Việt Nam, tại sao lại phải viết theo cách của phương Tây. Cuối cùng còn phải xét đến: Một phóng sự nào đó có phải phóng sự báo chí không, có đủ hàm lượng và giá trị thông tin, được viết đúng chính tả hay không?
Nó sẽ là một tác phẩm báo chí nếu đáp ứng được hai tiêu chí: Có một góc nhìn, đưa được một thông báo cốt lõi. Một phóng sự không thể đưa cùng lúc 4 thông báo cốt lõi. Tuy nhiên, cái nhìn của người viết phóng sự tuyệt nhiên không thể giống cái nhìn của nhà văn: Anh không thể tưởng tượng, hư cấu, bịa tạc. Tiêu chí thứ hai là nó có những chi tiết để phục vụ cho thông báo cốt lõi đó.
- Vậy với những người có gốc viết văn rồi lại đi làm báo như bà thì sao?
Bài báo cần viết kiểu gì, tôi sẽ viết kiểu đấy. Tôi viết một tin chắc chắn khác một bài thời sự và suy nghĩ, xã luận. Tôi có một nhà báo và một nhà văn trong người. Hai cái đó không ảnh hưởng gì đến nhau, viết cái gì ra cái đấy. Có chăng tôi dùng cách viết văn chương để viết phê bình những tác phẩm về văn chương và nghệ thuật.
- Theo quan điểm của bà, cần phải làm gì để rạch ròi trong cách thể hiện bài viết?
Người viết phải là chủ thể của bài viết. Khi làm báo thì tư cách nhà báo là số 1. Anh có thể vay mượn phương pháp từ các loại hình khác nhưng phải nhận thức rằng mình là người đưa thông tin, đưa cái mới.
Ví dụ: Nhà báo có thể người vẽ biểu đồ, nhưng là biểu đồ đưa thông tin và là một cửa tiếp nhận cho độc giả. Còn khi tôi viết về chân dung nghệ thuật, tôi vẫn mượn ngôn ngữ văn chương nghệ thuật để diễn đạt.
- Cảm ơn PGS!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét