Khiemnguyen

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Tính chất của ngôn ngữ báo chí (phần 2)



Các tác phẩm báo chí có tính định lượng về ngôn từ vì chúng thường bị giới hạn trong một khoảng thời gian hay một diện tích nhất định. Vì thế, việc lựa chọn và sắp xếp các thành tố ngôn ngữ cần kỹ lưỡng, hợp lý để phản ánh được đầy đủ lượng sự kiện mà không vượt quá khung cho phép vè không gian và thời gian.
Hiện tại, không ít báo yêu cầu phóng viên, cộng tác viên khi viết bài không được phép vượt quá một lượng chữ nhất định. Đối với những bài " không đặt trước " biên tâp viên buộc phải chỉnh lý, cắt xén cho thích ứng với việc công bố. Rồi ngay trong số các cơ sở đào tạo nhà báo cũng có không ít nơi, khi tuyển sinh, đòi hỏi đối tượng dự thi phải thử nghiệm khả năng định lượng của mình thông qua việc viết một hay một số văn bản với độ dài cho sẵn.
Tính định lượng của ngôn ngữ báo chí giúp cho nhà báo rèn luyện được thói quen chủ động trong việc sáng tạo tác phẩm. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện thời gian cũng như không gian được dành cho việc công bố chúng.
Các tác phẩm báo chí không chỉ đưa thông tin về các sự kiện, mà còn phải thể hiện công khai thái độ của tác giả đối với sự kiện thông qua sự bình giá ( có lẽ trong các thể loại báo chí chỉ có tin vắn, tin ngắn là không có tính bình giá, tức là tác giả thể hiên sắc thái biểu cảm trung tính ). Sự bình giá này có thể là tích cực mà cũng có thể là tiêu cực, song trong bất kỳ tình huống nào nó cũng được biểu đạt trực tiếp qua ngôn từ.
Chẳng hạn,        có nhiều bài báo đã           bộc    lộ   rõ thái     độ, cảm xúc       của   tác   giả
ngay từ tiêu đề như: " Góc tối ở thành phố cảng ", " Bông hoa Thủ đô giữa núi rừng Tây Bắc ", " Lặng lẽ quá ... liên hoan phim ", " Giai điệu buồn của một đêm nhạc trẻ ", " Đó cũng là một cách sống đẹp "...Còn trong các phần khác ( cả mở đầu, triển khai lẫn kết thúc ) những câu văn mang sắc thái đánh giá của người viết còn gặp thường xuyên hơn, nhất là ở các thể loại như bình luận, xã luận, phóng sự, ghi chép, ký...
Tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí gắn liền với việc sử dụng các từ ngữ, lối nói mới lạ, giàu hình ảnh, in đậm dấu ấn cá nhân, và do đó sinh động hấp dẫn hay ít nhất cũng gây được ấn tượng đối với độc giả.
Nguồn gốc của sự biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí là vô cùng phong phú và đa dạng. Đó có thể là việc dùng các thành ngữ, tục ngữ, ca dao..., là sự vay mượn các hình ảnh, từ ngữ, cách diễn đạt từ các tác phẩm văn học nghệ thuật, là lối chơi chữ, nói lái, dùng ẩn dụ, v. v...hay chỉ đơn giản là việc thể hiện sự bình giá có tính chất cá nhân7.
Nếu ngôn ngữ báo chí không có tính biểu cảm, những thông tin khô khan mà nó chuyển tải khó có thể được công chúng tiếp nhận như mong muốn, vì chúng mới chỉ tác động vào lý trí của họ. Chính tính biểu cảm vốn là hiện thân của cái hay, cái hấp dẫn mới là nhân tố tác động mạnh mẽ tới tâm hồn của người nghe, người đọc, làm cho họ đạt tới một trạng thái tâm lý cảm xúc nhất định, để rồi từ đó thực hiện những hành động mà người viết vẫn chờ đợi.
Trước hết, cần phải làm rõ khái niệm " khuôn mẫu ". Đó là những công thức ngôn từ có sẵn, được sử dụng lặp đi lặp lại nhằm tự động hoá quy trình thông tin, làm cho nó trở nên nhanh chóng, thuân tiện hơn. Khuôn mẫu bao giờ cũng đơn nghĩa và mang sắc thái biểu cảm trung tính. Chúng bao gồm nhiều loại và có mặt trong nhiều phong cách chức năng của ngôn ngữ.
Giao tiếp báo chí không thể thiếu khuôn mẫu vì nó tiết kiệm thời gian và công sức cho chủ thể sáng tạo, thích ứng với việc đưa tin câp nhât, tức thời.
Song, khác với khuôn mẫu trong văn bản hành chính và văn bản khoa học, khuôn mẫu báo chí không cứng nhắc, bất di bất dịch mà rất linh hoạt, uyển chuyển. Chẳng hạn, một thông tin trên báo về nguyên tắc phải thoả mãn 6 câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Bao giờ? Như thế nào? Tại sao? nhưng thứ tự trả lời cho các câu hỏi đó có thể được sắp xếp khác nhau tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
Bên cạnh đó, các thành tố khuôn mẫu trong ngôn ngữ báo chí lại luôn kết hợp hài hoà với các thành tố biểu cảm cho nên ngôn ngữ báo chí thường rất mềm mại, hấp dẫn chứ không khô khan như ngôn ngữ trong văn bản khoa học và văn bản hành chính, là nơi người ta chỉ sử dụng thuần nhất các thành tố khuôn mẫu mà thôi.
( Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, số 3 / 2001 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét