Khiemnguyen

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Lập thân tối hạ thị văn chương?

Trương Thái Du

Mở đầu bài báo “Quan niệm của tôi đối với văn chương”[1], Phan Bội Châu đã trích và dịch hai tác giả:

Tùy Viên:
“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương”.
[Công ở non sông thiêng tấc dạ
Thân nhờ bút mực quá hèn trai]

Minh Nhân:
“Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tư”.
[Văn chương việc nghìn đời
Hay dở chỉ lòng biết]

Tiếp theo ông đặt dấu hỏi: “Xem hai câu ấy thì bảo văn chương là một việc có giá trị hay không?”. Sau mấy trang viết trải lòng, dẫn giải từ Hạ Vũ, Tả Truyện, Kinh Dịch tới Phật, Chúa, Kha Luân Bố, và mô tả sơ nét bối cảnh xã hội Việt Nam nửa thuộc địa nửa phong kiến đầy tăm tối ngột ngạt, cụ Phan kết luận: “Chúng ta chẳng nói đến văn chương còn nói gì? Nếu không thèm nói văn chương thì xin hỏi, ngoài việc văn chương thì có gì là chúng ta làm được? Lại như một hạng người không biết văn chương là cái gì, thì tôi không muốn bàn nói tới. Lập miệng thân cho thạo, anh võ là mình nuôi xác thịt cho no, ngựa trâu thây kệ. Nếu chỉ hạng người như thế mà ta còn nói văn chương với họ làm gì, nhưng há có lẽ đâu hai mươi lăm triệu đồng bào tai thông mắt sáng, hơn bốn nghìn năm tổ quốc sông lớn nguồn xa, mà không có người biết nghe văn chương ư? Vậy nên chúng ta phải cố học cho ra nghề văn chương”.

*

Gần đây tôi có đọc tâm sự mở (public) trên blog của một nhà thơ nổi tiếng, một chuẩn mực thành danh bằng thi ca. Nhà thơ bảo ông bà dạy “Lập thân tối hạ thị văn chương” mà ông quên! Tôi tìm câu “ông bà dạy” này trên internet và nhận thấy nó phổ biến khá rộng rãi trong xã hội Việt Nam, hay được các nhà văn nhà thơ trích dẫn với hàm ý: Đừng dại dột dấn bước, ao ước lập thân bằng văn nghiệp. Nó rất hạ đẳng, tàn nhẫn, bạc bẽo và đầy tai tiếng. Hơn hết văn chương không thể nuôi sống một con người.

Thật là kỳ lạ! Cụ Phan Bội Châu dạy một đằng, xã hội (ở góc độ nào đó) lại tiếp thu một nẻo. Cụ đưa ra, dẫn dịch hai nhận định trái ngược nhau về văn chương của nền Nho học Trung Quốc để thuyết phục đồng bào mình về giá trị vĩnh cửu của văn chương. Than ôi, lớp lớp hậu sinh chỉ ghi lòng tạc dạ thứ “âm ảnh” minh họa, thế thì nghĩa làm sao?

Trở lại với phần dịch ý của Phan Bội Châu, ta thấy hai từ “trúc bạch” và “văn chương” được ông chuyển ngữ thành “công ở non sông” và “bút mực”. Như vậy có thể xác định cụ Phan muốn hiểu “trúc bạch” là sự nghiệp lớn mà Tùy Viên luôn nghiền ngẫm trong lòng (tấc dạ). Bài báo của cụ Phan cũng nhắc đến “tam bất hủ” chép nơi Tả Truyện, theo thứ tự là lập đức, lập công và lập ngôn. Lập ngôn ở đây tức là viết văn. Lập công, cụ Phan dẫn trường hợp Hạ Vũ trị thủy, Quang Trung đại phá Mãn Thanh.

Rõ ràng Phan Bội Châu có phần đồng cảm trong cách dịch này, xuất phát từ chính sự nghiệp cách mạng vẻ vang nhưng gián đoạn của cụ? Cụ đến với hai câu thơ Tùy Viên bằng ít nhiều riêng tư sâu kín chăng? Cụ đã chuyển cho hậu thế một ý niệm nhưng vẫn có thể bàn thảo thêm, từ chính nội hàm ngữ nghĩa của thi từ Tùy Viên.

Tôi thử đọc “trúc bạch” khác đi, theo đúng từ điển, nó chỉ các loại sách cổ bằng thẻ trúc hoặc lụa thô. Giả thử Tùy Viên nghiền ngẫm văn chương của thánh nhân và giá trị lớn lao trong ấy ở mỗi bữa ăn, chứ không phải nghiền ngẫm lập công, thứ được đặt cao hơn lập ngôn (văn chương), sẽ khiến ta nhận ra một Tùy Viên khác hẳn cụ Phan mà không vô lối một chút nào. Nói cho cùng, đa nghĩa trong những ý thơ chưa bao giờ xa lạ với người thưởng lãm.

*

Trước khi đi sâu vào ngữ nghĩa, tôi đã có thao tác kiểm tra văn bản học đơn giản nhất là tìm trên internet câu “Lập thân tối hạ thị văn chương” bằng Hán tự. Điều bất ngờ là có vẻ cụ Phan Bội Châu đã sửa thơ Tùy Viên, sửa thơ Đỗ Phủ. Cụ chỉ nhớ ang áng và dùng những từ gần gũi với từ gốc? Cũng không nên loại trừ một hai yếu tố kỹ thuật như lỗi bản khắc in ấn nội địa Việt Nam, hoặc lệch pha của đường biên viễn không gian Hán văn.

Tùy Viên tiên sinh hay Viên Mai (1716-1798) người Chiết Giang, năm Càn Long thứ 4 (1739) ông đỗ tiến sĩ và vào làm ở Hàn lâm viện Thanh triều. Trong sự nghiệp văn chương vẻ vang đương thời của mình ông từng chủ trì Càn Long thi đàm và trước tác nhiều tác phẩm như Tùy Viên thi thoại, Tiểu thương sơn phòng văn tập, Tiểu thương sơn phòng thi tập… Nguyên văn hai câu thơ của Tùy Viên (làm năm mười ba tuổi) là:

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập danh tối tiểu thị văn chương

Ta thấy câu thứ hai có hai từ khác với trích dẫn của cụ Phan Bội Châu là danh/thân, tiểu/hạ. Ngoài ra hai câu thơ cụ Phan chú của Minh Nhân thì lại là hai câu đầu bài Cảm Tác của Đỗ Phủ, chỉ khác một chữ Tư:


Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri
Tác giả giai thù liệt
Danh thanh khởi lãng thuỳ

Khi kiểm tra tần số xuất hiện của hai câu chữ Hán “Lập danh tối tiểu thị văn chương” và “Văn chương thiên cổ sự” trên mạng, tôi thấy câu thứ nhất chỉ có 11 trang ghi nhận rất sơ sài, cực ít luận bình so với 696 trang của câu thứ hai. Điều đó nói lên Viên Mai quá nhỏ bé trước Đỗ Phủ chăng? Hay lời cảm thán của Viên Mai mang tính cá nhân, không có giá trị đại chúng phổ thông, không phải chân lý thường hằng tại quê hương ông? Ngược lại, câu tiếng Việt “Lập thân tối hạ thị văn chương” của Phan Bội Châu xuất hiện 123 lần, và “Văn chương thiên cổ sự” chỉ 51 lần.

Bản thân tôi thiên về cách hiểu mang tính cá nhân của Viên Mai: Mỗi bữa (ăn) không quên nghiền (ngẫm) sách vở (thánh hiền) / Lập danh bằng văn chương là một con đường hẹp (vì thánh nhân từ xưa đã có những trước tác mà ta phải cúi đầu thẹn thùng bởi bất tài). Do đó hai câu thơ của Viên Mai ngoài việc khiêm nhường tự trách mình, còn dung chứa lòng kính trọng tiền bối và di sản quá khứ. Logic này từng hiện hữu trong giai thoại Đường thi: Lý Bạch thăm Hoàng Hạc Lâu định đề thơ nhưng thấy tích cũ của Thôi Hiệu đành vứt bút ngửa mặt than: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc / Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu. (Trước mắt có phong cảnh đẹp mà không làm thơ nổi. Vì đã có trứ tác Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu cao vời vợi rồi).

*

Có không sự tiến chuyển một câu thơ Hán của Viên Mai, qua nhà “biên tập” hữu ý hoặc vô tình Phan Bội Châu, để thành ngạn ngữ/cách ngôn Việt Nam hiện đại, trên cơ sở thực tế đáng buồn của môi trường văn học cũng như văn giới mấy chục năm trở lại đây? Đất nước chúng ta hôm nay, có lẽ không tồn tại người viết một cách chuyên nghiệp, ít nhất là ở tiêu chí sống tốt và làm giàu được bằng văn chương (như Mỹ, Anh và cả Trung Quốc chẳng hạn). Đã xuất hiện những khái niệm rất kêu và lạ tai như cổ vũ văn hóa đọc, xây dựng thị trường văn học, vận động rèn giũa trau dồi lực lượng tác giả. Nó dường như phi chuẩn với truyền thống vì cụ Phan từng tha thiết “Văn chương thiên cổ sự”, đau đời thoát tục, giáo dục khai sáng như các tiền bối Khổng, Mạnh. Tuy vậy nếu nhìn văn học rộng hơn thế, đời thường đi một chút, thì động thái trên rất cần thiết cho xã hội trên con đường hòa nhập đại đồng nhân loại.


Việt Nam đang chuyển mình, khi nền văn minh đô thị bước đầu hoàn bị, chắc chắn nó sẽ tự xem xét và điều chỉnh mọi riềng mối trong đó có văn học. Tôi hoàn toàn tin tưởng một ngày không xa nữa, cái gì của Viên Mai sẽ được ngôn ngữ Việt Nam trả lại cho Viên Mai.

Thảo Điền 12-2008



[1] Theo báo Đông Phương ngày 28-10-1931, in lại trong “Thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế (1926-1940)”, NXB Thuận Hóa 1988, trang 315 đến 319.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét