Khiemnguyen

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Công chúng truyền thông hiện đại (phần 3)


(Nguyễn Bùi Khiêm) Một biểu hiện nữa cho thấy có sự thay đổi trong văn hoá ứng xử của công chúng với TTÐC. Công chúng đã có cách nhìn khách quan hơn về những thông tin được TTÐC đăng tải. Xu hướng tìm kiếm nhiều nguồn thông tin về cùng một vấn đề ngày càng rõ nét. Cuộc điều tra tháng 7/2010 cũng cho thấy có tới 46,5% người được hỏi đôi khi và 16,5% người được hỏi thường xuyên tìm kiếm thông tin thêm về một sự kiện khiến họ rất quan tâm từ những nguồn phương tiện TTÐC khác.
Với sự hỗ trợ của công nghệ số, truyền thông internet với tính tương tác cao và phi định kỳ là sự nối dài cánh tay cho công chúng, giúp họ nắm bắt thế giới truyền thông, đặc biệt là thông qua hoạt động phản hồi và phát tán thông tin.
Gần đây, các nhà nghiên cứu truyền thông đại chúng quan tâm nhiều đến hoạt động phản biện xã hội diễn ra thông qua quá trình truyền thông. Ðứng từ góc độ chính trị học, có thể coi phản biện xã hội là một trong những biểu hiện của một xã hội dân chủ và văn minh, một xã hội “của dân, do dân và vì dân”. Ðứng từ góc độ tâm lý, xã hội học, có thể coi đây là một hành động xã hội của công chúng thông qua công cụ là phương tiện truyền thông đại chúng. Ðứng từ góc độ truyền thông, có thể coi đây là một cách ứng xử văn hoá của công chúng đối với những thông điệp về các vấn đề xã hội được truyền tải trên hệ thống các phương tiện TTÐC. Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi những ý kiến phản hồi của công chúng trước một sự kiện, vấn đề mà truyền thông đại chúng đề cập là một trong những cấp độ biểu hiện đơn giản của phản biện xã hội. Có thể đơn cử khá nhiều trường hợp như phản hồi của công chúng sau bài viết về vấn đề quản lý hàng rong trên địa bàn Hà Nội trong quyết định số 20/2008QÐ- UBND Hà Nội hoặc loạt bài viết về Ðề án phân luồng giao thông tại Hà Nội cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Gần đây, bài toán về điều chỉnh giờ làm việc trên địa bàn Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông cũng là chủ đề nóng, với hàng trăm phản hồi sau loạt bài viết, đặc biệt là trên các báo trực tuyến.
Khi xem xét hiện tượng gửi phản hồi của công chúng trên báo trực tuyến, có thể coi phần “nổi” của hoạt động này là xu hướng muốn bày tỏ chính kiến, thể hiện quan điểm của “cái tôi” - một trong những đặc tính của công chúng truyền thông hiện đại mà đại bộ phận là công chúng trẻ năng động (những bình luận trái chiều của công chúng với chuyện ngộ nhận con là siêu sao - chuyện của LNQA). Cũng có thể coi đây là biểu hiện của phản hồi thông tin, một hoạt động dần trở thành xu hướng rõ nét của một lối ứng xử có văn hoá của công chúng với truyền thông. Cũng có thể coi phần “chìm” của hoạt động này là một cách để bày tỏ mức độ của sự đồng thuận trong xã hội (những ý kiến về đề án điều chỉnh giờ làm việc trên địa bàn Hà Nội, về trách nhiệm của những người có chức trách ở Tiên Lãng), là một biểu hiện của dư luận xã hội (ý kiến về vấn đề bạo lực học đường, đòn roi và cách dạy trẻ...) hoặc chỉ đơn giản là ứng xử của những người có trách nhiệm đối với xã hội. Trong cuộc điều tra tháng 7/2010, có 20,7% người được hỏi thường xuyên hoặc có gửi phản hồi tới các cơ quan truyền thông đại chúng.
Ở cấp độ khác, công chúng cũng có xu hướng tham gia nhiều hơn hoạt động đồng sáng tạo các sản phẩm truyền thông. Mức độ đơn giản nhất là chủ động thông tin cho cơ quan báo chí. Cũng từ cuộc điều tra kể trên, có 20,2% người được hỏi thường xuyên hoặc có chủ động thông tin và 17,6% người được hỏi có mong muốn được chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Nếu chưa hoặc không có liên hệ với các cơ quan TTÐC thì phương thức truyền thông liên cá nhân (chia sẻ, phát tán thông tin) được vận dụng trong trường hợp này. Có 71,3% người được hỏi có chia sẻ với bạn bè, người quen; 6,7% chia sẻ trên các din đàn, 3,7% viết và tham gia bình luận trên các blog (hai phương thức truyền thông mới có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với công chúng). Sự biến chuyển trong nhu cầu, tập quán truyền thông của công chúng TTÐC, những động thái trong mối liên hệ giữa công chúng TTÐC với chủ thể truyền thông, thậm chí là giữa các nhóm công chúng TTÐC chỉ có thể được nhìn nhận rõ ràng, đáp ứng đầy đủ khi có những nghiên cứu, khảo sát cụ thể.
Hệ quả của bước tiến trong công nghệ truyền thông và sự thay đổi đặc tính công chúng TTÐC này, khi đã đạt tới một trình độ phát triển nhất định, rất có thể là sự hình thành những loại hình truyền thông đại chúng mới, có tính thích ứng cao với nhu cầu của công chúng TTÐC, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, đồng thời có khả năng cạnh tranh với những loại hình truyền thông đại chúng “truyền thống”. Chính hiện tượng đó sẽ là tác nhân quan trọng thúc đẩy sự chuyn hướng chiến lược trong quá trình đưa ra quyết định truyền thông của các loại hình truyền thông đại chúng truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình. Ðồng thời quá trình này cũng giúp hình thành một lối ứng xử mới của công chúng đối với TTÐC nói riêng và truyền thông nói chung, một lối ứng xử văn hoá mà cùng với nó, công chúng có thể tồn tại, giao tiếp, làm việc và hưởng thụ mà không bị nhiễu loạn thông tin, không bị lệ thuộc vào thông tin trong bối cảnh một xã hội “bùng nổ truyền thông” như hiện nay./.
Collected from Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét