Khiemnguyen

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

UGC - Tiềm năng và thách thức



“NỘI DUNG DO CÔNG CHÚNG TẠO RA”
Tiềm năng và thách thức đối với truyền thông hiện đại
(Bài tham gia Hội thảo quốc tế về báo chí và truyền thông tháng 10/2013)


Nguyễn Bùi Khiêm và Trần Hiền Mai
(Học viện Báo chí và tuyên truyền)
Nội dung do công chúng tạo ra (User generated content - UGC) có thể coi là một thuật ngữ truyền thông mới. Theo nghiên cứu của chúng tôi, sự hình thành thuật ngữ này gắn liền với những thành tựu của khoa học, công nghệ thông tin và trước hết là qua khả năng tương tác giữa công chúng với những giao thức truyền thông trên Internet. Nói cách khác, UGC là sự tham gia của công chúng xã hội trong việc xây dựng nội dung thông tin trên những nền tảng mà công nghệ thông tin đã mở ra. Hoạt động của báo chí truyền thông là hoạt động cung cấp thông tin sự kiện trên phạm vi đại chúng. Với nguồn thông tin vô cùng to lớn do công chúng tạo ra, việc khai thác, sử dụng như thế nào đã và đang là những tiềm năng và thách thức đối với hoạt động báo chí truyền thông trong giai đoạn hiện nay.
Trong những năm gần đây, Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực viễn thông và báo chí truyền thông. Tính đến tháng 8/2013, băng thông rộng và 3G (Broadband and 3G subscribers) cả nước đã đạt trên 10 triệu thuê bao [1]; xu hướng cá nhân hóa và di động hóa đã hình thành, công chúng từng bước làm chủ các thiết bị công nghệ thông tin cá nhân (smartphone, PDA, laptop, tablet). Kết quả nghiên cứu của Google cho thấy, đến hết quý I/2013, số người dùng smartphone đã chiếm đến 20% dân số của Việt Nam và có đến 70% số người được hỏi trả lời họ sử dụng smartphone để truy cập Internet, 50% sẽ không bao giờ rời khỏi nhà mà không có smartphone trong tay [2]; tính đến đầu năm 2013, cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá... [3].
Từ những khả năng và điều kiện mà công nghệ thông tin mở ra, các mối quan hệ truyền thông được thiết lập rất đa dạng cả về hình thức và nội dung, đặc biệt là cơ chế tương tác đa chiều và dường như khó có thể đặt ra những giới hạn nào về không gian, thời gian và các thiết chế quản lý. Cơ chế đó đã hình thành vai trò to lớn của công chúng trong việc cung cấp các nội dung truyền thông. Công chúng hoạt động như những nhà báo không chuyên, với sự đa dạng về thành phần luôn có thể tiếp cận và chứng kiến sự kiện trực tiếp, nhanh và xác thực nhất. Bước phát triển đó chính là điều kiện tốt nhất để công chúng có thể cung cấp nội dung thông tin mọi nơi, mọi lúc, nhanh hơn bất cứ lực lượng chuyên nghiệp nào khác. Với cơ chế hoạt động của UGC, công chúng bằng bất cứ phương tiện cá nhân nào họ có với những điều kiện và cơ chế xử lý rất linh hoạt có thể cung cấp nội dung truyền thông (thỏa mãn nhu cầu nghe - nhìn) trước hết là cho các các trang mạng xã hội, các diễn đàn và các trang cá nhân.  Người Việt Nam có thành ngữ “Trăm nghe không bằng một thấy”, giá trị thông tin được cung cấp chính ở ý nghĩa đó. Xu hướng công chúng cung cấp nội dung truyền thông đã và đang hình thành như một màng lưới rộng khắp và kiểm soát mọi ngóc ngách của đời sống xã hội cho phép các mạng xã hội, các trang blog, Vlog cá nhân đưa thông tin nhanh, rộng và cập nhật liên tục tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với hệ thống các cơ quan báo chí truyền thông chính thức.
 Trong cơ chế hoạt động của báo chí truyền thông truyền thống, nhà báo đã luôn nắm giữ vai trò chủ lực nhất trong việc sáng tạo các sản phẩm nội dung truyền thông. Chất lượng các sản phẩm nội dung của đội ngũ làm báo chuyên nghiệp chắc chắn sẽ được bảo đảm cả về nội dung và kỹ thuật (tất nhiên điều này phụ thuộc vào trình độ của phóng viên và điều kiện kỹ thuật và cơ sở vật chất). Mặt khác, trong xã hội phát triển, các sự kiện luôn có diễn biến nhanh và phong phú, không thể có cơ quan báo chí nào có thể có đủ phóng viên hay cộng tác viên để có thể kiểm soát tình hình thông tin.
Từ tình hình nêu trên, việc tranh thủ, khai thác và sử dụng các nguồn lực do UGC mang lại vừa là thế mạnh vừa là thách thức đối với các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay. Trong chuyên đề nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát việc sử dụng UGC tại các kênh thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) xuất phát từ nhận thức vai trò của UGC đối với truyền thông nhất là khai thác thế mạnh của UGC trong việc cung cấp các nội dung nghe nhìn.
Từ năm 2007, VTV1 đã mở chuyên mục Blog giao thông phát sóng với thời lượng 10 phút, phát sóng hàng ngày liên tục trong hai năm. Trong hai năm thực hiện cơ chế khai thác, sử dụng nội dung UGC, chuyên mục đã nhận trung bình mỗi ngày 05 sản phẩm truyền thông từ công chúng và sử dụng đến 50% thời lượng phát sóng từ nội dung do công chúng cung cấp (âm thanh, ảnh, videoclip) Các nội dung truyền thông được công chúng cung cấp khá dồi dào, phong phú, tuy chất lượng các nội dung không đồng đều, còn không ít hạn chế về kỹ thuật, nhưng điều quan trọng là những nội dung đó đáp ứng được yêu cầu căn bản về tính thời sự và đa dạng thông tin, cho phép chương trình khai thác và sử dụng tốt.
Cũng từ năm 2007, VTV6 đã mở chuyên mục My Rec - Nut rec của tôi. Với thời lượng 30 phút, phát sóng 1 số/tuần, chuyên mục này đã sử dụng khoảng 50% sản phẩm UGC. Với phương thức hoạt động được giới thiệu hoàn toàn dành do khán giả đã mở ra cơ chế tương tác hoàn toàn mới theo xu hướng UGC. Công chúng vừa là người tham gia sản xuất, cung cấp nội dung, vừa đóng vai trò là của khán giả - giám khảo. Họ sẽ bình chọn ra clip yêu thích của tháng, clip của năm đối với từng chủ đề khác nhau.
Bên cạnh đó, trên các kênh của mình, VTV đã tổ chức thực hiện một số chương trình sử dụng các nội dung UGC trong một phần thời lượng chương trình như Những kỷ lục Việt Nam, Cà phê sáng với VTV3, Đồ Rê Mí... Nhiều chương trình đã sử dụng một phần thời lượng để phát các hình ảnh, video do công chúng gửi đến, thông qua hình thức mở các cuộc thi và bình chọn với những chủ đề khác nhau; mặt khác, VTV đã sử dụng các nội dung do công chúng cung cấp và khai thác sử dụng các hình ảnh lấy từ Internet, có ghi chú nguồn như chương trình Cà phê sáng với VTV3 sử dụng những clip vui nhộn, hài hước lấy từ Youtube để làm yếu tố giải trí, thư giãn giữa chương trình.
Một biên tập viên trực tiếp tham gia sản xuất một trong các chuyên mục này đã nhận định: hiệu quả của chương trình khá cao; công chúng ngày càng tham gia nhiệt tình, tự giác, có trách nhiệm trong việc ghi lại và phản ánh những sự kiện hiện tượng và thể hiện với tính mục đích rõ ràng. Họ đã tham gia và góp phần nâng cao tính tương tác của chương trình truyền hình.
Tuy nhiên, từ hoạt động của VTV cho thấy việc khai thác các nguồn lực từ UGC còn không ít khó khăn như việc triển khai chưa đồng bộ, nhất là về hạ tầng kỹ thuật để công chúng có thể gửi các sản phẩm nội dung truyền thông được dễ dàng hơn. VTV đã phải khai thác dịch vụ cung cấp nội dung video qua một thành viên thứ ba (www.clip.vn) và cho đến thời điểm hiện tại, VTV vẫn chưa có giải pháp kỹ thuật nào hoàn chỉnh hơn cho vấn đề này. So sánh cho thấy, chuyên mục My Rec - Nut rec của tôi không có nhiều tiếng vang nếu so với Blog Giao thông, phải dừng phát sóng nhiều lần để chỉnh sửa format và sau cùng dừng hẳn. Nguồn sản phẩm gửi đến cho chương trình không dồi dào. Ekip sản xuất đã phải huy động cả các sinh viên báo chí để sản xuất các clip, nhưng cũng không hiệu quả. Một biên tập viên thuộc VTV3 đã cho biết: VTV3 không thành công lắm với những dự định sử dụng nội dung do công chúng gửi đến. Nguồn sản phẩm không đủ phong phú để khai thác sử dụng liên tục. Có thể do việc sử dụng thiết bị để tự sản xuất ra một video chưa phải là phổ biến với công chúng ở Việt Nam. Lý do thứ hai là nhiều chương trình truyền hình chưa thực sự có uy tín để thu hút sự chú ý và tham gia của công chúng [4].
Nghiên cứu thực tiễn hoạt động của báo chí truyền thông cho thấy, xu hướng công chúng tham gia cung cấp nội dung thông tin đã và đang thúc đẩy sự phát triển của các loại phương tiện truyền thông đại chúng. Xã hội phát triển dẫn đến nhu cầu thông tin của xã hội phát triển theo hướng đa dạng và đa cấp độ. Báo chí truyền thông truyền thống, một mặt phải dịch chuyển theo hướng đáp ứng nhu cầu đó, mặt khác phải chịu sự cạnh tranh của các loại hình phương tiện truyền thông mới như web, forum multimedia. Sự dịch chuyển nào của báo chí truyền thông cũng phải dựa trên các nền tảng của công nghệ thông tin, đó là một xu thế tất yếu. Chính vì thế, vô hình chung, báo chí truyền thông chính thống phải đối mặt và cạnh tranh trực tiếp với các loại hình truyền thông khác có cùng các giao thức truyền tải thông tin. Sự khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh này chỉ là việc tranh thủ, sử dụng và xử lý nội dung thông tin được công chúng cung cấp. Ai làm chủ được các nguồn tin đó, người đó sẽ chiến thắng.
Sự đa dạng và phong phú về nội dung thông tin được cung cấp bởi công chúng đòi hỏi phải có các phương tiện và công cụ tương ứng. Đó là điều kiện dẫn đến sự hội tụ truyền thông, là cơ sở dịch chuyển của những phương thức truyền thông mang tính chất đặc thù vốn có của một số loại hình báo chí truyền thông truyền thống. Từ lâu nay, những thiết chế quản lý và vận hành báo chí truyền thông luôn đặt ra những chuẩn mực nhất định về thông tin và chất lượng nội dung thông tin. Những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật (ví dụ như âm thanh, hình ảnh, cho phát thanh, truyền hình) vẫn áp dụng từ trước đến trở nên rất bất cập khi cơ quan báo chí muốn khai thác và sử dụng các nội dung truyền thông (thường là phi tiêu chuẩn) được công chúng cung cấp. Vấn đề quan trọng là phải xác định được giới hạn của sự lệch chuẩn và trường hợp nào có thể sử dụng những nội dung đó thuần túy chỉ có ý nghĩa cung cấp thông tin thỏa mãn yêu cầu cập nhật, trực tiếp hơn là những yêu cầu khác mang ý nghĩa kỹ thuật.
Xu hướng công chúng tiếp cận và tự xử lý nội dung truyền thông trong điều kiện làm chủ các phương tiện cá nhân và các nền tảng kỹ thuật công nghệ thông tin đã và đang mở đang mở ra xu hướng xã hội hóa thông tin đại chúng. Việc tham gia các diễn đàn xã hội (forums), làm chủ các trang cá nhân (blogs) hay những điều kiện khác như có thể truy xuất (except) và liên kết (links) các nguồn tin để làm giàu nội dung thông tin của cả nhân cho phép công chúng với vai trò cá nhân có thể tạo ra thế cạnh tranh mà các cơ quan báo chí truyền thông chính thống không thể làm được. Như đã phân tích ở phần trên, trong bối cảnh này, báo chí truyền thông muốn tồn tài và phát triển được, không có cách nào hơn là phải tăng nâng cao chất lượng nội dung thông tin, xác lập cho được các mối liên hệ với các cá nhân hoặc các đầu mối cung cấp nội dung thông tin từ công chúng (blogers, forums, blogs, facebook pages). Mặt khác, với vị trí và vai trò của một cơ quan báo chí truyền thông chính thống, thông qua các công cụ như phản biện xã hội hay việc tham gia hoạch định chính sách chung thì cần thiết phải hoạch định chính sách cho chính mình, tạo ra thiết chế phù hợp và thuận lợi cho chính mình đáp ứng xu hướng phát triển của báo chí truyền thông trong tình hình mới. Với những sự lệch chuẩn do sự đa dạng và phong phú các nguồn nội dung truyền thông do công chúng cung cấp, nếu báo chí truyền thông sử dụng và sử dụng hiệu quả có thể sẽ dẫn đến nguy cơ lệch chuẩn ngay đối với cơ quan báo chí chính chính thống. Vấn đề đặt ra là phải tính toán làm thế nào để có thể dung hòa được và khắc phục được những hạn chế từ sự lệch chuẩn đó. Theo chúng tôi, UGC là một xu hướng tất yếu không thể đảo ngược, vấn đề quan trọng là phải điều chỉnh lại những chuẩn mực đã có phù hợp theo từng loại nội dung và từng loại đối tượng thụ hưởng những nội dung truyền thông đó như thế nào. Ví dụ như, đã là một kênh phát thanh, truyền hình hay một trang báo điện tử chuyên về tin tức (pagenews) thì yêu cầu đầu tiên và cao nhất là nội dung (contens) và thời điểm (news time) thông tin. Cùng một sự kiện, ai tiếp cận và phát hành được nhanh nhất; đồng thời, diễn biến và các mối quan hệ khác nhau liên quan đến sự kiện đó phải liên tục được cập nhật, phân tích nhanh nhất thì người đó, cơ quan báo chí truyền thông đó mới tồn tại và phát triển.
Cũng từ sự đa dạng và phong phú của các nguồn nội dung truyền thông, bên cạnh sự lệch chuẩn về kỹ thuật là sự lệch chuẩn về các ngôn ngữ biểu đạt nội dung. Các ngôn ngữ truyền thông truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình bị đe dọa bởi lối mòn “độc canh” từ lâu nay. Trước sức ép của đời sống xã hội hiện đại, công chúng muốn thụ hưởng sự đa dạng thông tin với các ngôn ngữ khác nhau tùy thuộc và điều kiện và tình hình của họ. Do đó, với mỗi cơ quan báo chí truyền thông, nếu chỉ độc diễn một thứ ngôn ngữ thể hiện sẽ làm mất đi thế cạnh tranh và do đó hội tụ truyền thông như một tất yếu. Về tổng thể, người ta đã thiết kế các mô hình tập đoàn truyền thông gắn với việc tổ chức các đơn vị thành viên khai thác các loại ngôn ngữ nhất định và có sự liên kết, chia sẻ nội dung thông tin trong nội bộ tập đoàn đó (Đài Tiếng nói Việt Nam bên cạnh việc sản xuất các chương trình phát thanh còn có báo in, báo hình và báo điện tử…). Đối với từng đơn vị thành viên, hoặc một cơ quan báo chí truyền thông đơn lẻ, sự hội tụ về ngôn ngữ được thể hiện ngay trên ngôn ngữ chính mà họ đang nắm giữ (các báo điện tử Dân trí, Tuổi trẻ, Pháp luật xã hội… đã tích hợp cả bản tin truyền hình online trên trang web của mình).
*
Từ việc nhận thức bước đầu về những tiềm năng và thách thức đặt ra từ xu hướng truyền thống mới, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Trước hết, trong công tác đào tạo báo chí cần chủ động hơn theo hướng trang bị kỹ năng làm báo tổng hợp, một mặt vẫn tiếp tục đào tạo học viên báo chí chuyên sâu theo các chuyên ngành với một ngôn ngữ cụ thể (báo in, báo điện tử, báo phát thanh, báo truyền hình); mặt khác, cần trang bị theo hướng mở rộng các kỹ năng làm báo theo các ngôn ngữ khác với ngôn ngữ chính. Đặc biệt phải coi trọng việc trang bị tri thức về công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và các xu hướng phát triển của công nghệ thông tin trước mắt và lâu dài.
Hai là, với vai trò của người khai thác, tổng hợp thông tin qua các mối liên hệ với UGC, tiêu chuẩn năng lực của người làm báo chuyên nghiệp phải có sự biến đổi. Việc nâng cao tri thức và kỹ năng tổng hợp, phân tích và biên tập nội dung thông tin là một trong những yêu cầu quan trọng đối với người làm báo trong xu hướng phát triển của báo chí truyền thông hiện nay. Đây cũng là yêu cầu đặt ra với công tác đào tạo báo chí truyền thông trong tình hình mới. Năng lực sản xuất nội dung truyền thông là yêu cầu quan trọng nhất đối với mỗi người làm báo, tuy nhiên, trong xu hướng UGC, năng lực tổ chức, điều hành mạng lưới công chúng tham gia UGC cũng phải được trang bị. Để bảo đảm được tính xác thực và chất lượng nội dung truyền thông qua UGC, cần thiết phải xây dựng mạng lưới cộng tác viên với nhiều cấp độ và lĩnh vực và không gian khác nhau, có như vậy người làm báo mới chủ động được về nguồn nội dung truyền thông cũng như chất lượng nội dung được cung cấp.
Ba là, ở tầm vĩ mô, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, các nhà hoạch định chính sách phát triển của báo chí truyền thông cần có sự đổi mới về tư duy và hành động, nhất là chủ động dự báo, dự đoán tình hình để có thể có sự điều chỉnh chính sách phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của báo chí truyền thông gắn với sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin.
*
UGC - Công chúng cung cấp nội dung truyền thông là một xu hướng phát triển tất yếu gắn liền với sự phát triển của công nghệ thông tin và các mạng xã hội. Báo chí truyền thông phải nhận thức được hết tiềm năng của xu hướng này để khai thác, sử dụng và phát triển; đồng thời phải thấy được những bất cập và hạn chế do tác động của xã hội đó tạo ra để có bước điều chỉnh trong hoạt động chung và mỗi người làm báo phải thông qua đào tạo, bồi dưỡng nâng cao và  hoạt động thực tiễn để nâng cao năng lực cá nhân, đáp ứng với yêu cầu và đòi hỏi của hoạt động báo chí truyền thông trong gian đoạn hiện nay./.


Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2013
Tài liệu tham khảo:
[1]Nguồn: Bộ Thông tin truyền thông (http://www.thongkeinternet.vn)
[4] Nguồn: Kết quả khảo sát, nghiên cứu của Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và tuyên truyền.